Chùa Phú Thị

Quỳnh Ngọc| 28/03/2023 21:01

(HNMCT) - Chùa Phú Thị, hay chùa Sủi - theo tên Nôm của làng Sủi (trang Thổ Lỗi, thuộc đất Kinh Bắc xưa), nay là địa bàn xã Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Một số tư liệu cho rằng, chùa ra đời từ thế kỷ II, nhưng không rõ năm cụ thể.

Trên tấm văn bia “Trung nghĩa lý bi” niên đại thế kỷ XVI - XVII, cuối thời Lê Trung hưng, làng Phú Thị được triều đình ban tặng ba chữ vàng: “Trung Nghĩa Lý”. Ngôi làng còn được biết đến với truyền thuyết vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) về cầu tự, gặp cô gái Lê Thị Khiết (1044 - 1117) và lập nàng làm nguyên phi Ỷ Lan. Năm 1066, nguyên phi hạ sinh thái tử Càn Đức. Năm thái tử 7 tuổi, vua Lý Thánh Tông mất, nguyên phi Ỷ Lan làm thái hậu nhiếp chính và có nhiều công lao trong việc phục hưng đất nước, dẹp giặc ngoại xâm. Năm 1115, bà cho xây lại chùa Sủi. Hai năm sau, bà qua đời, vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128) lập đền thờ thái hậu bên cạnh chùa. Dân gian còn truyền tụng câu chuyện về nguyên phi Ỷ Lan gắn với nỗi oan khuất của viên quan Nguyễn Bông. Ngày nay, Lễ hội Bông Sòng vẫn được dân làng tổ chức vào ngày 3 tháng Ba hằng năm để minh oan cho vị quan này.

Chùa Phú Thị tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, nằm trong cùng khuôn viên với đình, đền. Chùa gồm hai tòa nhà liền kề quay mặt về hướng nam, được xây theo kiểu chữ “đinh”. Tam bảo có kết cấu hình chuôi vồ, nối tiền đường gồm 7 gian với hậu cung 3 gian, mái lợp ngói ta, các bộ vì được làm theo kiểu “thượng rường hạ kẻ, bẩy hiên”. Các vì trong hậu cung được đặt trên các cột cao, phần trên là chồng rường, dưới xà thượng là kẻ ngang được trang trí đơn giản.

Nhà Tổ cũng có kết cấu hình chuôi vồ, hiên thông với cửa ngách mé tây tòa tam bảo nhưng mái thấp hơn, gồm 3 gian 2 dĩ. Gian đầu giáp với tiền đường là một lầu cao gồm tám mái, bên trong treo quả chuông thời Tây Sơn và khánh đá thời Lê. Nối hai dãy nhà ngang là sân gạch với tháp nhỏ, bên trong dựng tấm bia trụ thời Bảo Đại.

Giá trị nổi bật của chùa Sủi là 73 pho tượng cổ mang phong cách nghệ thuật dân gian thế kỷ XVII - XVIII cùng 14 tấm bia đá, trong đó nổi bật là bia “Cúng Phật Sản bi” niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633), bia “Gia phú Nguyễn tộc bi ký” thời Nguyễn; quả chuông có niên hiệu Cảnh Thịnh tứ niên thời Tây Sơn; khánh đá cổ đời Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725).

Không chỉ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, chùa Phú Thị còn là một điểm di tích cách mạng gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1989, cụm di tích đình - đền - chùa Phú Thị đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Phú Thị