Chị Hai

Truyện ngắn của Y Nguyên| 11/03/2023 06:14

(HNMCT) - Giờ chị đã thành một bà nông dân U60 thứ thiệt: Già, đen, lam lũ. Vậy nhưng trong ký ức của mình, tôi vẫn nhớ chị Hai ngày xưa đẹp gái. Trong nhà chị là con đầu còn tôi con út, đương nhiên cái ký ức kia phần nào cũng xa vời vợi. Người ta sẽ hỏi ảnh chụp? Vâng, cũng có, nhưng là trước kia. Nhà đất trũng gần sông, hai mươi năm chạy lụt liên miên, gạch đá còn trôi chứ nói gì đến ảnh.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Tôi bị tai nạn giao thông. Cú ngã dập xuống đường gây nứt hộp sọ, xuất huyết màng não và liệt dây thần kinh số 6. Trở về từ cửa tử, ký ức lúc đầu mất sạch, sau phục hồi loáng thoáng, nham nhở như từng mảnh vỡ chiếc bình cổ lỡ tuột tay rơi mà chủ nhân tiếc nuối nhặt lại, mảnh còn mảnh mất. Vậy nên, không nhớ hồi đó mình bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ những lần anh Hai xuống dẫn hai chị em ra sân bãi gần chợ coi phim. Đi được một hai lần gì đó mà nhớ như in. Còn đám cưới chị Hai tôi lại không nhớ, chỉ mang máng có mấy tấm ảnh tôi cùng thằng Sói em họ ló hai cái mặt hề chen giữa cô dâu chú rể. Những chuyện nghiêm túc coi như thua toàn tập, chỉ nhớ mỗi chuyện xàm...

***

Chị Hai lấy chồng, khổ bầm khổ dập. Người ta nói anh Hai là con một, được cưng chiều, thời trai trẻ có điều kiện ăn chơi sung sướng. Sướng đâu không biết, tới chừng lên giúp chị trông cháu tôi mới tá hỏa: Cái nhà đó cũng nhà gạch, nhưng ọp ẹp tới mức tưởng chừng người nào to khỏe lấy tay đẩy là sập. Sau này, nghe kể ba mẹ, anh em trong nhà phải chung sức, phụ giúp tiền bạc thì anh chị mới xây được cái nhà ba gian không quét vôi sơn tường, mót tôn cũ lợp làm chái bếp. Nhưng nhà rách vách hư, làm lụng vất vả đối với chị Hai mới chỉ là khổ một. Cực kỳ khổ chính là chuyện mẹ chồng con dâu. Chị Hai tốt tính nhưng ngang ngạnh. Mẹ chồng chị lại thuộc mẫu gia trưởng, cay nghiệt. Người ta bảo: Làm vợ con trai một rất khổ bởi mẹ chồng mang tâm lý "ghen" với con dâu. Chẳng biết đúng vậy không, chỉ biết chị Hai ngoài chuyện làm lụng vất vả còn bị ăn chửi, ăn đòn của mẹ chồng bất kể giờ giấc. Nửa đêm đang ngủ vẫn bị lôi đầu ra đánh. Anh Hai ở nhà còn đỡ, hôm nào anh đi vắng xem như chị Hai lãnh đủ.

Ngang ngạnh cỡ nào thì chị Hai vẫn phận dâu con, sao dám xúc phạm mẹ chồng. Vậy nhưng, chẳng hiểu sao bà cụ lại ghét chị đến vậy. Ghét tới mức không thèm ngó ngàng luôn tới mấy đứa cháu nội. Ghét tới mức lúc bị tai biến nằm liệt một chỗ vẫn còn tuyên bố: “Tao không dễ chết đâu, bây đừng vội mừng!”. Câu nói âm u, rin rít vọng trong căn nhà tối tăm chìm lấp giữa khu vườn nửa hoang chằng chịt cây lá tre pheo nghe ghê gớm như một lời nguyền. Mà lời nguyền thật: Cụ nằm liệt, "báo" người thân (nặng nhất đương nhiên là chị Hai) hơn 5 năm mới chịu “đi”. Mỗi lần cụ tiểu/đại tiện lại trây trét chất thải tùm lum ra áo quần giường chiếu. Chị Hai đi làm về, hễ thấy mùi khai thối là dù mệt mấy, đói khát mấy cũng phải hộc tốc chạy vào xắn tay "giải quyết hậu quả" để anh Hai về khỏi trách. Cứng cỏi, ngang ngạnh như chị mà cũng không hiếm khi cùng cực tủi phận, nước mắt chảy ròng...

Nhiều người thấy cảnh đời trớ trêu của Hai cám cảnh than dùm: “Dâu con đảm đang như con Hai mà còn bị hắt hủi, chẳng hiểu bà Bảy (mẹ chồng chị Hai) bả nghĩ gì...”. Chị Hai nghe chuyện, thản nhiên trả lời: “Chắc là tui nặng nghiệp, kiếp trước nợ nhiều của mẹ. Coi như kiếp này mình ráng trả. Mẹ còn sống không bao lâu, tính toán làm gì”.

***

Ngày còn cắp sách, chị Hai học hành không tệ. Nhà nghèo, con gái đầu, phải phụ cha mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối vậy mà theo lên tận lớp 12. Đã vậy còn thi đâu đậu đó. Cứ tưởng cảnh nhà cơ cực, giỏi lắm lết tới hết cấp 2 rồi cũng nghỉ, vậy mà không, chị Hai thi đậu chuyển cấp, lên luôn Trung học phổ thông. Trường cách nhà non hai mươi cây số đường đất, mùa mưa bùn lầy, bánh xe dính bết. Chị Hai phải dậy từ ba rưỡi sáng, nấu cơm mang theo, vượt hai con dốc với một con sông vô đồng trong cho cha mẹ làm ruộng có cái ăn xong mới về đi học. Khổ vậy mà nhất quyết không “buông”, cứ bặm môi “cày” hết ba năm. Xong lớp 12, chị thi đậu luôn cao đẳng sư phạm! Cứ tưởng hết cơn bĩ cực, té ra ông trời cũng biết lừa. Lừa đau, rất đau. Nhận giấy báo đậu cao đẳng xong cũng là lúc ba tôi đổ bệnh chí mạng. Mình mẹ không cáng đáng nổi gia đình. Con gái lớn đương nhiên phải phụ giúp mẹ, chuyện học hành đành gác lại. Buông sách bút, chị Hai yên phận ngày hai buổi cùi cũi ra đồng, về nhà chăm ba, phụ mẹ lo lắng các em. Ước mơ giảng đường ngày càng hun hút. “Hoa có lứa gái có thì”, rồi cũng tới lúc Hai cần phải lấy chồng, sinh con, trở thành bà nông dân đích thực.

Lạ một điều, sau này thi thoảng “ăn cơm mới nói chuyện cũ”, tôi mang cái ước mơ làm cô giáo bất thành ra hỏi chị Hai có tiếc không. Chị trả lời, khá dửng dưng: “Tiếc gì? Tao đi học nữa thì ai phụ mẹ làm nuôi tụi bây ăn học? Hồi ấy nhà mình khó lắm”. Câu trả lời của Hai khiến tôi ứa nước mắt. Cứ tưởng chị sẽ oán giận chuyện đời đã đẩy đưa tương lai chị vào ngõ cụt, nào ngờ chị có cách nghĩ xa, rất khác. Nghe mẹ kể: Ngày ấy, khi biết mình không thể nhập học, chị Hai nằm khóc đúng một ngày một đêm rồi thôi, gạt nước mắt dậy đi lo công việc, tỉnh bơ như không có chuyện gì.

***

Ba mẹ già yếu sống nơi căn nhà cũ, con cái tứ tán mỗi đứa một phương, lâu lâu có việc hiếu hỉ hay trái gió trở trời chỉ chị Hai chạy về nhanh nhất.

Anh Ba con trai cả, nhà gần nhưng khi nào cũng lếch thếch về sau. Thấy chị Hai đã có mặt từ đời nào toay toáy lo công việc, anh cười giả lả, nói chữa thẹn:

- Chị tui coi vậy còn khỏe gớm, lần nào cũng về trước mấy em...

Chị Hai cười:

- Ừ, thì tao thân đàn ông nên khỏe, lại nhà gần nên đi nhanh.

Anh Ba hiểu ý liền “tắt đài”. Chúng tôi cũng im re, thấy mình thật có lỗi khi nghĩ tới chuyện giờ trong gia đình chị Hai là người già nhất, khổ nhất. Có lần anh chị em ngồi trò chuyện với nhau, chị Tư than:

- Anh chị em giờ ai công việc nấy, lại ở xa, mai kia cha mẹ già yếu, bệnh tật, sợ không người chăm.

Chị Hai phán, tỉnh rụi:

- Không sao. Tụi bay bận việc không chăm được thì tao về chăm.

- Trời! Vậy còn việc nhà của chị, tính sao?

- Sao trên trời, còn tính toán là chuyện dưới đất. Làm con chuyện ấy tính không ra, chẳng lẽ bỏ cha mẹ? Yên tâm, tao có cách. Tụi mày không về được cứ tháng tháng góp tiền về tao lo!

Nghe chị Hai nói cứng, mấy anh chị em chừng cũng hơi yên tâm. Cha mẹ già cả ốm đau, con cái góp tiền bạc chung lo là chuyện đương nhiên, nhưng xung phong bỏ việc về chăm, "gánh" ấy chắc chỉ mình chị Hai dám lãnh!

Giờ thì tôi hiểu vì sao trong gia đình tuy chị Hai nghèo khổ, không vị thế xã hội, không được học hành tới nơi tới chốn như các em nhưng tiếng nói của chị mỗi lúc cất lên tuyệt không đứa nào dám cãi. Cãi làm sao được, tấm lòng thơm thảo của chị trong gia đình suốt mấy mươi năm đâu ai còn lạ. Mà đâu chỉ lúc sống chung, giờ nồi riêng bếp riêng, em út làm ăn đa phần khấm khá mà chị Hai vẫn không quên. Thu được mớ cá mớ rau hay trái bắp củ khoai bao giờ chị cũng nghĩ tới chuyện chia phần mang về cha mẹ, phần gửi các em. Chợt nhớ, mỗi lần tôi ghé thăm chưa bao giờ chị để tôi về tay không. Không nhận chị cũng bắt cầm cho được. Bao giờ cũng một câu cửa miệng: “Cầm đi, tao còn nhiều lắm”. Những món quà quê giá trị tiền bạc không cao nhưng cái tình đương nhiên vô giá. Có lần ghé chơi, tôi dại dột mở miệng khen một giò hoa lan của chị Hai trồng có hoa rất lạ. Vốn mê hoa nên tôi cứ thèm thuồng ngắm nghía. Thấy vậy, Hai tức tốc lấy túi nilon trùm giò hoa, đem buộc lên xe máy kệ cho tôi đây đẩy từ chối. “Chị có một giò duy nhất, cho em chị lấy gì chơi?”. “Không sao, anh Hai mày hay đi rừng, ổng sẽ tìm giò khác”. Ép tôi nhận mà mặt chị rạng lên sung sướng như chính mình là người được tặng hoa khiến tôi rưng rưng nước mắt.

Chị Hai ơi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chị Hai