Mùa gặt giữa lưng chừng nhớ thương

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên| 08/01/2023 06:38

(HNMCT) - Kim trở về quê nhà vào một buổi sớm đầu thu, bốn giờ sáng xe khách đã dừng ở giữa thị trấn. Trời hãy còn tối lắm, Kim kịp nhìn thấy ngôi sao mai đang nhấp nháy trên bầu trời đêm. Lúc này hẳn mẹ đã dậy, lật đật quét tước gầm sàn. Kim chưa muốn gọi thằng Sân dậy, cô quyết định ngồi lại ở nhà xe dành cho khách. Sương sớm mỏng mảnh, gió khẽ khàng, Kim co mình vào chiếc áo gió mỏng. Dần dần, tiếng xe tiếng người nhiều lên, trời đã tang tảng sáng. Kim mở điện thoại gọi cho Sân. Chuông reo một lúc, tiếng Sân lẫn vào với tiếng gió, nó đang trên đường từ nhà ra thị trấn đón chị.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Độ mười phút sau Sân đã dừng xe trước mặt Kim. Nó cười cười nhe hàm răng trắng nhởn. Sân xếp đồ đạc của chị lên chiếc Wave Alpha màu mận chín đã cũ. Sân phóng xe vù vù, xa khỏi thị trấn, cánh đồng Bình Lư hiện ra lờ mờ trong sương sớm, lúa chín trải ra trước mắt Kim một màu vàng đẹp mắt. Đường vào nhà Kim phải đi qua một cây cầu treo bắc qua một đoạn sâu nhất của suối Nậm Dê nước trong vắt, có thể nhìn rõ những hòn đá cuội nằm lộn xộn ở ven suối.

Kim nhớ ngày còn bé, còn chưa có cầu bắc qua suối, mỗi khi có việc gì đó phải ra chợ ngoài thị trấn thì đều phải đi trên một chiếc bè làm từ những thân cây tre to như bắp đùi. Vào mùa hè nóng nực, trẻ con trong bản rủ nhau ra suối tắm, những đứa con trai bạo dạn thường đứng từ trên hòn đá nằm chìa ra đoạn suối sâu nhất mà nhảy xuống tùm tùm. Bây giờ thì trẻ con không dám ra đây tắm nữa, phần vì nước bị ô nhiễm, phần vì người ta đào cát cho các công trình xây dựng quanh huyện tạo thành các hố sâu và xoáy nước rất nguy hiểm.

Cây cầu treo được làm mới, rộng rãi và sơn màu đỏ đẹp mắt. Xe máy lướt qua cầu phát ra những tiếng rầm rầm, Kim không quen nên mới đầu hơi hoảng. Đã lâu rồi Kim không về nhà. Từ ngày Kim bị người yêu phụ bạc, cưới đúng người bạn thân nhất của mình, cô quyết định ra đi. Mẹ bảo Kim đi trốn niềm đau, Sân lại bảo đấy là Kim yêu thích ánh đèn phố thị quên núi quên bản làng, quên ráng chiều đỏ ối khói nương vấn vít quanh nóc nhà sàn. Kim chẳng thể tỏ lòng mình ra được. Những lúc nhớ nhà, Kim vùi mặt vào gối mà khóc, cơm người đắng ngắt pò ý, nọong chai(1) ơi!!!

Dần dần đám trai gái trong bản bỏ Hạn khuống(2) hiu quạnh, đi làm ở phố thị xa hết, lời hát đối bỏ quên trên ô cửa nhà sàn. Cuộc sống vật chất tuy đủ đầy hơn nhưng sao vẫn thấy thiếu vắng những nụ cười hồn nhiên tươi trẻ. Bây giờ muốn gặp nhau đông đủ nhất chỉ có về bản vào thời điểm rằm síp sí síp hả(3) và vào mùa gặt thôi. Kim chẳng nhớ nổi bao nhiêu mùa gặt mình đã đi qua cùng với đám bạn trong bản.

Những ngày thơ bé, lang thang khắp đồng bắt cua về cho mẹ rang muối, màu cua đỏ quạch thơm nức. Mùa lúa chín theo hương gió thoang thoảng thơm mùi cơm nếp mới nấu bên sàn, kia là con muồm muỗm béo núc xanh mướt mẹ bắt vội lúc cắt lúa về cho Kim, kia là tổ chim non trong đám lúa chưa cắt thằng Sân bắt được mang về nuôi. Kim nhớ rõ đến từng chi tiết, chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua đây thôi.

Đi qua một con dốc nhỏ là về đến nhà. Mẹ đứng đợi con gái ở cổng, lau vội giọt nước mắt vui mừng, mẹ mắng Kim xối xả như ngày Kim còn ở nhà. Kim lại gần ôm mẹ, nước mắt chảy giàn giụa. Từ trong nhà, mùi cơm nếp mới bay ra quấn quýt quanh người. Hít một hơi những tinh túy của đất trời, Kim thấy lòng mình nhẹ hẳn. Ăn sáng xong, mọi người tất bật đi làm hết. Hôm nay cả nhà đi gặt đổi công cho hàng xóm, ngày mai tới lượt nhà mình gặt rồi. Kim ở nhà dọn dẹp bát đũa, nhà cửa.

Nói là vậy chứ nhà cửa mẹ đã dọn dẹp sạch sẽ. Kim đem bát ra rửa, nước âm ấm dễ chịu. Kim để một gói bánh lên ban thờ tổ tiên nhà nội, một gói kẹo vào nhà bé(4) thờ họ ngoại ngoài vườn để thông báo sự trở về của mình, mong ông bà phù hộ cho mọi người trong gia đình mạnh khỏe. Kim mang ra đầu hồi nhà một chậu nước vo gạo mẹ để sẵn cho cô dùng gội đầu. Cầm gáo dội nước gạo lên mái tóc, từng đợt từng đợt mát lạnh, Kim tưởng như đã rũ bỏ được hết mùi hóa chất thường ngày ám vào tóc, trả lại màu tóc đen thuần khiết mượt mà những ngày thiếu thời. Gội xong, Kim ra đầu nhà quay tóc vòng vòng cho mau khô. Mặt trời lên cao, gió thổi lá tre xào xạc, tiếng chim họa mi, chào mào thi nhau hót dưới các tán cây. Kim ngồi yên bên bậu cửa tận hưởng cuộc sống yên bình mà cô từng bỏ quên.

Ngày hôm sau, nhà Kim gặt lúa. Từ mấy ngày trước bố đã đi xem ruộng, tính toán ngày tháo nước, gặt cho kịp thời vụ. Mẹ và Kim dậy từ sớm nấu nước, đồ cơm nếp mang ra đồng cho mọi người ăn sáng. Bố thì kiểm tra lại liềm, néo, chuẩn bị bao bố, cho vào thùng gỗ đập lúa. Xong đâu đấy bố và Sân khiêng thùng gỗ đi ra ruộng, Kim lóc cóc mang đồ theo sau, mẹ ở nhà đảm nhận cơm nước. Ruộng nhà Kim ở lưng quả đồi chạy xuống phía dưới, một kiểu ruộng bậc thang nhưng không cao và dốc như ruộng của người Mông mà nằm thoai thoải xuống chân đồi. Ba bố con tất tả ra đến ruộng thì vừa kịp lúc mặt trời lên, phải tranh thủ làm không thì trưa nắng nóng.

Kim vừa đưa liềm cắt roàn roạt vài khóm lúa đã thấy những chiếc nón, mũ nhấp nhô từ dưới chân đồi đi lên, đó là những người anh em họ hàng và những người hàng xóm tới gặt trả công cho nhà Kim. Mọi người ngồi uống nước dăm ba phút rồi bắt tay vào cắt lúa. Ai nhìn cũng như ai, chìm mình trong bộ quần áo lao động tối màu sờn cũ, cong lưng lúi húi dưới màu vàng mượt mà của lúa chín. Lúa cắt xong thì ngả ra ngay gốc rạ thành từng bó ngay ngắn để đập. Mỗi người góp một câu chuyện, tiếng nói tiếng cười làm ai nấy quên đi những giọt mồ hôi đua nhau chảy xuống áo, xuống ruộng lẫn với bùn đen.

Liềm đưa đến đâu, lúa ngả tới đó. Cào cào, châu chấu, bọ xít bay vụt ra rào rào. Lá lúa sắc cọ vào da cào xước hết khoảng da tay, da mặt hở ra. Kim lơ đãng một cái, lưỡi liềm sắc lẹm bập vào tay, một màu đỏ tươi trào ra. Kim chạy ra bờ vặt mấy ngọn lá cây chó đẻ nhai nát đắp vào để cầm máu, Kim tháo đoạn dây quai nón để lấy vải buộc tạm vào tay, tiếp tục cắt lúa. Sau khi cắt xong hai thửa ruộng đầu tiên, những người đàn ông trong đội khiêng thùng gỗ ra chỗ đất khô ráo đã chuẩn bị sẵn ở giữa thửa ruộng, xong đâu đấy họ bắt đầu dùng néo để ôm gọn từng bó lúa đập vào thùng gỗ.

Từng tiếng "thùm thụp... thùm thụp..." phát ra nghe đầy mạnh mẽ, hứng khởi, thúc giục khiến những người phụ nữ đang cắt lúa cũng hào hứng đưa tay nhanh hơn. Đến giữa buổi, mọi người truyền cho nhau bát nước nhân trần mẹ Kim nấu, tranh thủ ăn chiếc bánh rán đường lót dạ rồi lại tiếp tục công việc. Lúc này bùn đất bắn văng lên cả quần áo, trên mặt Kim cũng dính vài lá bèo tấm li ti nhưng chẳng ai để ý tới nữa, tất cả tập trung vào việc gặt lúa.

Nắng đổ lên lưng, gặp màu vàng của lúa càng bức, cái nóng cái mệt trong người vã ra hoa cả mắt. Những câu hát, những câu chuyện cười lại được phát huy, khiến mọi người quên đi mệt nhọc. Khi những hạt thóc đã rơi ra hết khỏi từng bó lúa, đống rạ bên cạnh thùng gỗ đã đầy lên, thóc ngập lưng chừng thùng gỗ, bố Kim dùng cái xúc thóc đan bằng tre vừa dày vừa chắc chắn để xúc thóc từ thùng gỗ đập lúa vào những chiếc bao mới tinh màu nâu đỏ. Thằng Sân có nhiệm vụ vành miệng bao cho bố đổ thóc, sau đó dùng lạt tre để buộc lại cho thật chặt rồi bê ra đầu bờ ruộng để chuyển xuống đường dùng xe máy chở về nhà.

Ở nhà, mẹ Kim trải sẵn mảnh bạt to ra khoảng đất trống cạnh nhà, xung quanh ít cây cối để đón được nhiều nắng nhất. Phơi thóc cũng cần có kinh nghiệm, không chỉ phải dãi thóc thường xuyên mà còn phải biết nhìn trời để ý những dấu hiệu báo mưa để thu thóc tránh mưa. Phơi thóc còn phải tùy theo từng loại gạo để xem phơi bao nhiêu nắng, để đến khi đem đi xát hạt gạo trắng nõn, nguyên vẹn, không bị đớn.

Đến hơn một giờ chiều, mảnh ruộng nhà Kim đã gặt xong, mọi người tập trung vào đập lúa và cho thóc vào bao chở về nhà. Những người phụ nữ được nghỉ trước ra chỗ mương dẫn nước rửa chân tay rồi về nhà chuẩn bị cơm nước, những người đàn ông chở thóc và khiêng thùng gỗ về sau. Mặc dù mệt mỏi nhưng gương mặt ai cũng tươi cười rạng rỡ, đường xa cũng hóa gần bởi những câu chuyện kể, câu hát cho nhau nghe. Tới lúc đông đủ ngồi vào mâm cơm, bố Kim gửi lời cảm ơn mọi người tới gặt giúp, tất cả cùng cầm chén rượu chúc mừng nhau mùa màng bội thu.

Cầm bát cơm trắng ngần thơm ngon trên tay, Kim như thấy lấp lánh những giọt mồ hôi và cả những nụ cười rạng rỡ...

---------------
(1) Pò ý: Bố mẹ; Nọong chai: Em trai (tiếng Thái Trắng).
(2) Hạn khuống: Một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng người Thái, nơi trai gái thanh niên hát đối đáp, vui chơi.
(3) Rằm síp sí síp hả: Ngày 14, 15, rằm tháng Bảy hằng năm.
(4) Hươn nọi: Nhà bé, mô phỏng theo nhà sàn, thường làm ở góc vườn thờ họ hàng bên ngoại theo phong tục của người Thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa gặt giữa lưng chừng nhớ thương