Thợ mỏ

Truyện ngắn của Vũ Đảm| 06/11/2022 15:16

(HNMCT) - Nhận được tin lại có một vụ tai nạn hầm lò xảy ra, chị Hồng tất tả phóng xe máy xuống hiện trường. Là Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, có thể điều ô tô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Nạn nhân tử vong là Hội, mới hai mươi hai tuổi, vợ đang mang thai. Chị Hồng vừa đi vừa nghẹn ngào. Trời ơi, nó còn quá trẻ, bằng thằng thứ hai nhà mình, mới hôm qua gặp ở nhà ăn tập thể nó còn chào mình, khen “chị mặc bộ đồ mới nom trẻ đẹp”, thế mà hôm nay đã ra đi. Chết là hết, nhưng còn vợ con nó...

Sau đám tang của Hội, chị Hồng gặp Giám đốc Đạt nêu nguyện vọng được chuyển xuống Ban An toàn lao động để có thể đi đến các hầm lò, quan sát, nghiên cứu, tìm nguyên nhân và giải pháp hạn chế tai nạn. Giám đốc bảo xuống hầm lò rất vất vả, nguy hiểm, đến nam giới nếu không vì miếng cơm manh áo thì họ còn ngại xuống, huống hồ chị là phụ nữ. Chị khẳng định mình đủ sức khỏe, đủ can đảm để xuống hầm lò, chị muốn những năm tháng công tác cuối cùng của mình sẽ làm được nhiều việc để đem lại sự an toàn cho những người thợ mỏ. Trước sự tha thiết của chị, Đạt nói sẽ họp ban giám đốc để xem xét.

Hai tuần sau chị Hồng được toại nguyện. Chị rời căn phòng mát lạnh vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông để thường xuyên xuống các mỏ, “ba cùng” với thợ mỏ. Từ một cán bộ công tác ở Phòng Lao động tiền lương, rồi trở thành cán bộ Công đoàn, lúc nào chị cũng lấy thợ mỏ làm trung tâm. Chính chị đã đề nghị Ban giám đốc thay đổi chế độ tiền lương, thợ làm việc trực tiếp dưới hầm lò được hưởng nhiều hơn cán bộ hành chính. Chứng kiến nhiều thợ lò mang sữa uống giữa ca về cho con nhỏ, có thể dẫn đến nguy cơ thợ mỏ bị thiếu dinh dưỡng, sức khỏe suy giảm, chị đề nghị Công đoàn thường xuyên tặng sữa cho các gia đình có con nhỏ. Thợ mỏ vì thế ai cũng mến chị. Nay thấy chị chuyển công việc từ nhàn nhã, sạch sẽ xuống vất vả, nguy hiểm, mọi người càng thêm kính trọng.

Hồi còn là Phó Chủ tịch Công đoàn, chị từng nhiều lần xuống hầm lò để trực tiếp thăm hỏi, động viên cánh thợ mỏ, nhưng bây giờ phải liên tục xuống hầm lò, đến cả những nơi nguy hiểm nhất, chị mới thấy thợ mỏ đúng là một nghề đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt nguy hiểm. Theo quy định thì phụ nữ không được phép làm việc liên tục nhiều giờ dưới hầm lò, song sự thôi thúc phải giảm thiểu tai nạn hầm lò đã tiếp sức mạnh cho chị.

***

Đúng 8h sáng, chị Hồng và kỹ sư Bản đi vào mức 180. Nơi gương than sâu thẳm, nghe rất rõ tiếng nước chảy róc rách, tiếng than rơi trên máng trượt trước khi nhập vào băng chuyền. Đến khu vực đào lò chuẩn bị sản xuất, Bản bảo chị nằm xuống, bò qua đoạn lò đối hướng. Đến đoạn lò vừa đào xong, dầm tiến gương mới lao, chưa dựng vì, những tảng đá to như mái nhà chắn ngang nóc lò, chợt nghe tiếng ngáy khò khò, chị chẳng khó khăn gì tìm ra một công nhân đang nằm ngủ, chắc là mệt quá nên tranh thủ tìm chỗ chợp mắt. Ngủ kiểu này rất nguy hiểm, dễ bị than rơi hoặc khí độc do nổ mìn bất ngờ xuất hiện... Chị lay người thợ mỏ. Anh ta giật mình tỉnh dậy, xin lỗi rối rít và năn nỉ hai người đừng lập biên bản vì như vậy anh ta có thể bị buộc thôi việc, hoặc nhẹ cũng bị hạ bậc lương, cắt thưởng. Chị Hồng cảnh cáo người thợ mỏ, yêu cầu anh ta cam kết không tái phạm rồi tiếp tục đi vào đường hầm khác.

Bỗng một thợ mỏ xuất hiện, đề nghị hai người dừng lại vì đây là khu vực sắp nổ mìn khai thác. Uỳnh! Tiếng nổ rung chuyển như bom, người thợ kéo chị nằm xuống, đợi cho khói mìn loãng ra rồi đi vào trong kiểm tra độ an toàn, sau đó mới mời hai người tiếp tục đi. Chị và Bản rẽ sang một nhánh khác, nơi các công nhân khai thác than đang mải miết làm việc. Trong hầm lò thiếu gió, cường độ làm việc cao nên ai cũng ướt sũng mồ hôi...

Đến giờ nghỉ, hai người thợ soi đèn mời chị và Bản cùng ăn giữa ca. Chị vừa ăn chiếc bánh mì kẹp thịt vừa trò chuyện với hai thợ mỏ. Mỗi người một hoàn cảnh. Thiện có vợ làm nông nghiệp, hai con nhỏ, lại còn bố mẹ già nên cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc chính vào thu nhập của anh. Hạt mới có một con nhưng hay ốm đau nên vợ phải ở nhà trông con, tiền thuốc thang của con có tháng ngốn hết cả tiền lương của bố.

***

Ba tháng trời ròng rã “ba cùng” với thợ mỏ, chị Hồng ghi chép kín mấy cuốn sổ tay và tìm ra những nguyên nhân gây tai nạn hầm lò. Nguyên nhân khách quan là do biến động địa chất, vách vỉa không ổn định, xảy ra “cú đấm” làm tụt nóc lò, cũng có khi gặp phải hố nước hoặc thăm dò địa chất dẫn đến sự cố bục nước. Nguyên nhân chủ quan là do con người, vì chạy theo năng suất nên ăn bớt quy trình, không thực hiện đúng biện pháp thi công, bảo hộ... Tai nạn cũng thường xảy ra khi thu hồi cột chống, giá khung và tận thu than, hoặc khi thợ khai thác không đảm bảo sức khỏe do uống rượu trước khi vào hầm lò, xem bóng đá ban đêm, hoặc gặp bất ổn tâm lý sau khi cãi nhau với vợ, giận dỗi người yêu...

Từ những nguyên nhân trên, chị Hồng đề xuất một loạt giải pháp hạn chế tai nạn lao động hầm lò. Điều làm chị trăn trở là những bài huấn luyện an toàn lao động trước đây thường được soạn sẵn, áp dụng cho các lớp huấn luyện có vài trăm công nhân, họ nói chuyện còn to hơn giáo viên. Sau một chuyến sang nước bạn ký hợp đồng mua cột thủy lực về chống lò thay cho gỗ, thấy tiếp viên hàng không hướng dẫn cách sử dụng áo phao, mặt nạ ôxy, chị Hồng như vớ được vàng. Chị mang ý tưởng này chuyển tải vào các tiểu phẩm an toàn lao động. Hội đồng khoa học duyệt, tìm diễn viên là những công nhân có tay nghề, trẻ khỏe rồi quay video, dựng thành phim. Chị lại lặn lội đi học cách dựng phim, lồng tiếng, ghép nhạc để hoàn thiện video. Hội đồng nghiệm thu và cho chiếu thường xuyên trên xe ca đưa đón thợ mỏ và chiếu tại nhà giao ca. Các buổi chiếu tại nhà giao ca có hàng trăm công nhân ngồi xem rất trật tự. Cuối buổi chiếu, ban tổ chức phát giấy in sẵn các câu hỏi để công nhân tích vào đáp án. Do mỗi mỏ có hàng nghìn công nhân nên phải chia ra nhiều đợt huấn luyện. Từ đó tai nạn hầm lò ở công ty giảm mạnh, sáng kiến của chị Hồng được cả ngành than nghiên cứu, áp dụng.

Thợ mỏ không chỉ bị tai nạn hầm lò rình rập mà bệnh nghề nghiệp cũng luôn ám ảnh bởi họ thường xuyên tiếp xúc với bụi than, cadimi, man gan, phóng xạ, tiếng ồn và các loại khí độc... Chị Hồng đề xuất ban giám đốc trang bị các thiết bị bảo hộ mới nhất, tốt nhất cho thợ mỏ; tổ chức khám bệnh định kỳ bắt buộc; trước khi thợ mỏ vào ca phải đo nhiệt độ, ốm sốt thì cho nghỉ việc nhưng được hưởng lương theo chế độ quy định.

***

Chiều cuối năm, chị Hồng vào hầm lò để giám sát an toàn lao động. Đi xa, thấm mệt, chị lấy chùm me rừng mang theo ra nhấm nháp, vị chua thấm dần vào đầu luỡi làm cơn khát dịu hẳn. Đến đoạn hầm có thợ đang chống lò, quan sát thấy một thanh niên đứng ngáp ngáp, chị đề nghị tổ trưởng cho người thợ trẻ kia dẫn chị ra ngoài cửa hầm có việc cần xử lý gấp. Ra đến cửa lò, chị đưa người thợ trẻ đến bộ phận kiểm tra an toàn:

- Cháu có biết tại sao cô nhờ cháu đưa ra đây không?

- Dạ, cháu không biết ạ!

- Cô thấy cháu có biểu hiện của người nghiện hút. Cháu nói thật đi, nếu không cô sẽ mời y tế test nhanh. Nếu kết quả dương tính công ty sẽ gửi cháu đi cai nghiện.

Biết không giấu được, cậu ta thú nhận là đối tượng nghiện hút, gần Tết nên xin vào mỏ làm việc để kiếm chút tiền thưởng. Chị Hồng giải thích cho cậu ta rằng khi vào hầm lò, nếu lên cơn nghiện thì sẽ không làm chủ được hành vi, sức khỏe không đảm bảo, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và của mọi người. Rồi chị mời bảo vệ, y tế công trường đến xử lý theo quy định.

Xong việc, chị Hồng tiếp tục quay vào hầm lò. Chị đến chỗ cánh thợ đang nổ mìn để giám sát việc quay video phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn lao động. Do người quay phim bị ốm đột xuất, người thay thế chưa được huấn luyện kỹ về an toàn lao động nên trong lúc thực hiện cảnh quay anh này vô tình chạm vào hai dây mìn đã nạp pua, nhồi thuốc. Nhanh như cắt, chị Hồng xô người quay phim và người phụ máy ngã xuống. Sau tiếng mìn nổ chát chúa, hai người kia an toàn còn chị bị dập nát bàn tay trái.

Sau gần một tháng điều trị, phải cắt bỏ bàn tay, gia đình nhất quyết bắt chị Hồng nghỉ việc, từ bỏ cái nghề nguy hiểm này. Con trai cả của chị là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân còn nói sẽ trả gấp đôi số lương mà chị đang hưởng của công ty, thế nhưng chị thuyết phục chồng con cho chị tiếp tục công việc, vài năm nữa sẽ nghỉ hưu một thể. Chị bảo chị làm việc không phải vì tiền mà vì không muốn nhìn thấy tai nạn thương tâm của thợ mỏ. Giám đốc Đạt mời chị lên, nói chị đã gắn cuộc đời với thợ mỏ, với công việc hầm lò vất vả, nguy hiểm và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn bây giờ... Đạt chần chừ một lúc như dò ý chị rồi nói: “Chúng tôi sẽ rút chị lên làm Phó Giám đốc hoặc Chủ tịch Công đoàn, chị chọn đi”.

Chị Hồng im lặng một lúc rồi trả lời: “Tôi muốn tiếp tục công việc ở Ban An toàn lao động. Bài học xương máu mất một bàn tay càng làm tôi quyết tâm làm mọi việc có thể để mang lại sự an toàn cho thợ mỏ”.

Xúc động nắm lấy bàn tay còn lại của chị Hồng, Đạt như cảm nhận được nguồn sức mạnh tinh thần vô giá đang truyền sang anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thợ mỏ