Sống nhạt

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên| 03/07/2022 07:02

(HNMCT) - Ngân mở mắt nhìn vào màn đêm, một màu tối đen, thăm thẳm và huyền bí. Cô nằm yên lặng, có tiếng dế kêu ri ri từ khu vườn phía sau nhà vọng vào. Tất cả với Ngân chỉ có thế.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Ngân không tò mò với âm thanh phía xa xa, sau khu vườn, tiếng dòng suối chảy, tiếng một con chim lạc loài nào đó kêu thảng thốt trên rặng tre cuối vườn. Hay hình ảnh những ngôi sao từng hấp dẫn tuổi thơ của Ngân, dù cô bé Ngân có tưởng tượng đến thế nào cũng không thể nhìn ra những chòm sao bọ cạp, sư tử, tiên nữ, cá voi, bồ câu hay tắc kè... Ngân cũng quên luôn những ngày tháng cô tò mò theo mẹ đi bắt châu chấu đêm trên cánh đồng với những con đom đóm bay lên kỳ diệu cùng tiếng ếch nhái râm ran một buổi tối mùa hạ như tối nay. Không, chẳng gì có thể khiến Ngân thấy bận tâm. Tất cả đã bị ngăn lại bởi một bức tường vững chãi, vô cảm.

Ngân đang sống như một đám rêu bám trên đá giữa dòng suối đời xô bồ, mặc cho dòng nước đẩy đưa. Ngân sống trầm lặng, tương lai của cô là một con đường bằng phẳng, vốn cũng chẳng có gì để chờ đợi. Những tưởng tương lai bất định hay một quá khứ u ám, mờ mịt làm tâm hồn Ngân thấy sợ hãi, nhưng không, chẳng có gì khiến Ngân bận lòng suy nghĩ. Tâm hồn cô dường như chai lì, cảm xúc chỉ còn là thứ gì chẳng rõ rệt. Không ham muốn, không mong cầu cũng chẳng hoài niệm. Tất cả trong Ngân là một màu trắng, nhàn nhạt, chán nản.

Một ngày của Ngân sẽ diễn ra thế này. Ngủ dậy, ăn sáng, chờ khách đến làm đẹp, ăn trưa, ngủ, chờ khách, đóng cửa, ăn và lại ngủ. Công việc diễn ra ngày ngày, lặp đi lặp lại. Những lúc không có khách, Ngân chìm đắm vào điện thoại với những ứng dụng dễ khiến người ta không thể dứt ra được. Những bộ phim dài, ý nghĩa nhưng tốn quá nhiều thời gian thường không phải lựa chọn của Ngân. Nhan nhản những thước phim ngắn, hài hước, chẳng nội dung, không thích có thể lướt qua, chẳng hại gì. Còn sách ư? Ngân chỉ mở vài trang đã thấy rối mắt, buồn ngủ. Có vài cuốn nói về chủ đề nghệ thuật, kinh doanh, Ngân vứt lăn lóc, góc nọ góc kia rồi cuối cùng yên vị trong bao xác rắn của cô đồng nát. Ngân thi thoảng cũng đi tụ tập với bạn bè, đi ăn, uống rượu, đi hát... Những niềm vui hội ngộ hân hoan, chất men say của bia rượu tưởng như sẽ hóa lỏng tâm hồn Ngân để từ đó cô có thể bật thốt ra những đau đớn, day dứt trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng không, càng uống Ngân càng tỉnh, cô không cười, không khóc như bạn mình, cô càng lặng lẽ hơn. Đưa bạn bè về nhà, một mình Ngân đi trên con đường vắng, Ngân tưởng như cả thế giới chỉ còn mỗi mình cô.

Nhà Ngân có bốn người. Bố đi làm xa, nhà còn mẹ, Ngân và em gái. Mẹ Ngân chỉ biết làm việc nhà như một cái máy, một bà nội trợ đảm đang nhưng họa hoằn mới nói chuyện với các con. Ba mẹ con chẳng mấy khi tâm sự chuyện gì. Bà sống vật vờ như một cái bóng, với nỗi đau đớn bị phản bội. Ngân biết hết đấy chứ. Nhưng cô chẳng thể nào an ủi được mẹ, hay khá hơn cô có thể thay đổi bằng cách nói chuyện với bố, hoặc cá tính hơn nữa Ngân có thể làm mọi thứ rối tung lên để người đàn ông ấy hiểu mình còn phải có trách nhiệm với gia đình.

Thế nhưng, sau tất cả, Ngân đã lựa chọn giống như mẹ, im lặng và chịu đựng. Cô nghĩ chẳng thể nào thay đổi được những gì gọi là số phận. Có lẽ mẹ cô và gia đình cô phải như thế, Ngân sợ hãi rằng nếu cô làm gì đó thì gia đình sẽ tan nát, cô có thể mất đi mọi thứ. Đó có thể là bố, là mẹ, là em gái. Ngân đang đứng trong một hạnh phúc chòng chành, và rất có thể nó đã chẳng còn gì vì vốn dĩ nó đã sẵn mong manh và ngầm ẩn chứa một sự tan vỡ trong vô hình. Ba người trong một căn nhà, ba nỗi niềm riêng ẩn chứa trong mỗi người, không thể nói ra và cũng không cần chia sẻ.

Nhà Ngân rất yên ắng, không tiếng phàn nàn, không lời chửi mắng, không cả những câu nói chuyện tầm phào. Đến bữa mạnh ai nấy ăn, không ai nói với ai một câu nào. Ăn xong ai vào việc nấy, mỗi người một cái điện thoại, một thế giới riêng biệt, âm thanh duy nhất trong nhà là từ chiếc điện thoại, và tiếng cười khe khẽ của em gái Ngân mỗi khi nó xem một đoạn clip hài hước nào đấy. Ngân không để ý tới không khí buồn tẻ ấy, và cô càng không muốn thay đổi nó. Thay đổi làm gì? Thôi thì cứ thuận theo cái lẽ nó phải như thế.

Công việc của Ngân cũng chẳng khá hơn. Ngân học một nghề và đi làm một nghề khác. Nghề kiếm tiền của Ngân là nghề sáng tạo, nhưng Ngân vẫn cứ đi theo đường lối cũ, cô ngại tìm hiểu, ngại thay đổi. Khách đến với cửa hàng của Ngân ngày một thưa thớt hơn, Ngân cũng chẳng quan tâm đến. Nhà cô không giàu nhưng số tiền bố gửi về đủ cho ba mẹ con sống dư dả. Ngân không đặt ra mục tiêu gì cho mình, Ngân luôn sợ mình sẽ không đạt được, sợ thất vọng, sợ đau đớn. Tự bản thân Ngân đã ngăn chặn bước phát triển của mình, mỗi khi có ý tưởng gì đó chỉ mới đang le lói là sẽ bị dội ngay gáo nước lạnh để dập tắt. Ngân sống trong sự mờ nhạt, Ngân đã quen như thế, Ngân không cần cá tính, không cần sự nổi bật, Ngân chẳng cần đến sự thay đổi.

Ngân giống như một kẻ đi trong đường hầm mà mãi không tìm được lối ra, khi đôi mắt đã quen dần với tăm tối, kẻ đó cũng bắt đầu chán nản, tự huyễn hoặc bản thân và quên luôn mục đích ban đầu của mình. Có thể đường ra còn xa, hoặc chỉ còn vài bước chân nữa là tới, nhưng chính sự thất vọng đã khiến Ngân dừng lại và chấp nhận rằng mình sẽ bị lạc vĩnh viễn. Ngân đã buông xuôi, Ngân thả trôi cuộc đời mình cho dòng sông số phận.

Những người mới quen sẽ cho rằng Ngân biết "sống đủ", nghĩa là chỉ cần như thế, hạnh phúc với những gì mình đang có, không mong cầu gì hơn, một lối sống giản dị mà nhiều người mong ước. Nhưng thực tế thì không như thế, trong Ngân hai từ “hạnh phúc” thường trốn biệt, chỉ thấy sự chán nản, buồn bã nhiều hơn. Lạ hơn nữa là Ngân không muốn thoát ra khỏi trạng thái ấy. Ngân sống giữa những bức bối xung quanh mình giống một con bọ rơi vào mạng nhện, thôi giãy giụa, nằm im chờ đợi tới lúc từ giã cõi đời.

Trên mặt Ngân thảng hoặc lắm mới thấy nụ cười, mặt cô chẳng tỏ ra nét vui, cũng chẳng thấy nét buồn. Đứng giữa bạn bè cùng trang lứa, nét đẹp và phong thái của Ngân hòa trộn, không nhận ra nét riêng biệt nào của mình. Ngân từng yêu vài người, thời gian đều không lâu. Có lẽ ở Ngân, người đàn ông không tìm thấy điều thú vị nào cần khám phá, nên họ lặng lẽ rút lui. Ngân cũng chẳng lấy thế làm buồn. Thôi thì "vạn sự tùy duyên". Cái duyên của Ngân còn lo đỏm dáng ở tận nơi nào nên chưa tới. Nỗi đau của mẹ chính là bài học, là tấm gương to lớn để Ngân soi vào và cẩn trọng với mọi người khác giới, nhất là những kẻ đang muốn tán tỉnh cô. Một tảng băng lạnh lẽo và vô vị. Phải, Ngân đã, đang và sẽ là như thế.

Thi thoảng vào cuối tuần, Ngân về nhà bà nội ở ngoại thành để chơi. Ngân cùng bà nấu cơm và nói chuyện, những lúc ấy Ngân lại hoạt bát hẳn dù rằng cô vẫn thường kiệm lời, nghe nhiều hơn là nói. Bà đã già, mắt lòa, tai điếc, bà cũng chẳng nghe thấy Ngân nói gì. Bà thường kể với Ngân cùng một câu chuyện Ngân nghe đến thuộc làu. Chuyện về một người phụ nữ nọ đi qua đường gặp một đứa bé rơi xuống hố nước sâu cạnh đường. Đứa bé kêu cứu, người phụ nữ giả không nghe thấy gì và đi thẳng. Trên đường vắng tanh chỉ có bà và đứa bé. Không có người vớt lên, đứa bé đuối sức dần và chết chìm. Đứa bé chết đi với sự oán hận khôn cùng. Về sau, người phụ nữ đó cũng bị mù mà không rõ nguyên nhân.

Bà nội bảo với Ngân đó là nhân quả bà phải gánh vì đã vô tâm với đứa trẻ hoạn nạn kia. Không biết có phải bà đang kể chuyện để ám chỉ cách sống của Ngân không hay là do cô đã suy nghĩ nhiều. Ngân đã từng đặt mình vào địa vị người phụ nữ trong câu chuyện để tự an ủi mình với cách sống chỉ biết mình, sợ gặp rắc rối, có thể bà cô nghĩ hoàn cảnh của đứa trẻ chẳng may cũng là trò lừa đảo nào đó do người lớn bày ra đang đầy nhan nhản ngoài xã hội. Một sự lo xa, cẩn trọng quá mức dễ khiến con người vô cảm với hoạn nạn và nỗi đau của người khác, dần xa rời và đánh mất đi sự thiện lương của chính mình. Có phải Ngân cũng đang như thế?

Buổi trưa ở nhà bà rất yên ắng, chỉ có tiếng gà mái đẻ trưa thi thoảng lại kêu lên "oác oác", tiếng cái quạt điện cũ quay qua quay lại, cánh quạt khô dầu kêu lên rin rít. Nằm ngủ trưa cạnh bà luôn giúp Ngân có một cảm giác yên bình. Ngân tưởng như mình là cô bé năm nào luôn được bà vỗ về, chăm bẵm. Bây giờ thân xác thì lớn mà sao lòng lại muốn mình cứ bé mãi, cứ hồn nhiên, thơ ngây có phải hơn không, làm người lớn mệt lắm.

Vừa về tới nhà thì Ngân gặp Đào. Đào rủ Ngân đi thiện nguyện cùng nhóm của Đào. Lên với trẻ em vùng sâu, vùng xa, chúng nghèo khó, thiếu thốn mà rất nghị lực và vô cùng thiện lương. Nghe Đào nói mà Ngân cũng cứ bình thường với một khuôn mặt dửng dưng như không, nhưng trong lòng Ngân đang dậy sóng. Có lẽ nào đây sẽ là bước ngoặt trong đời Ngân, những ngọn lửa nhỏ và ấm áp kia sẽ chụm lại cùng xua tan băng giá trong lòng cô. Ngân se sẽ gật đầu. Trong lòng cô đang sống dậy một niềm vui vừa kỳ lạ vừa quen thuộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống nhạt