Mở ra không gian hội họa sáng tạo

Bảo Châu| 09/04/2022 07:29

(HNMCT) - Lấy hình tượng hổ như nguồn cảm hứng chính để sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, thiết kế, bao gồm từ chất liệu truyền thống tới chất liệu của thời đại mới, nhóm Nghệ sĩ trẻ của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam dưới sự định hướng của giám tuyển, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã tạo ra những tác phẩm thể hiện sức sáng tạo của tuổi trẻ. Từ ngày 25-3, nhóm đã phối hợp với UBND phường Hàng Trống tổ chức triển lãm “Hổ dạo phố” tại đình Nam Hương (số 75 Hàng Trống, Hoàn Kiếm). Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 25-6.

“Kéo” du khách đến với tuyến phố đi bộ

Tiếp theo dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” diễn ra trong năm 2020 với nỗ lực đánh thức sức sống và giá trị của dòng tranh Hàng Trống cũng như của chính ngôi đình Nam Hương, năm nay, nhóm Nghệ sĩ trẻ thực hiện dự án mới mang tên “Hổ dạo phố”. Đó là một triển lãm với hơn 30 bức tranh thể hiện sự sáng tạo, cách nhìn mới mẻ của các nghệ sĩ trẻ về giá trị văn hóa dân tộc. Triển lãm thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là những người trẻ.

Các tác phẩm của nhóm Nghệ sĩ trẻ với sự đồng hành của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã đem đến cho người xem góc nhìn mới về hình tượng hổ. Đó không chỉ là hình tượng thường được nhắc đến xưa nay, mà còn mang nét riêng, phong phú hơn qua sức sáng tạo của từng nghệ sĩ. Từ những chú hổ trông dữ dằn, oai nghiêm đến hình tượng "ông ba mươi" gần gũi, dễ thương. Sử dụng đa dạng chất liệu như sơn mài, sơn dầu..., phong cách thể hiện phong phú, các nghệ sĩ trẻ khẳng định sự kế thừa tinh hoa của thế hệ nghệ sĩ đi trước và sự trau dồi, sáng tạo không ngừng trên hành trình nghệ thuật.

Theo họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung, Trưởng nhóm Nghệ sĩ trẻ, nhóm tổ chức triển lãm này với mong muốn “kéo” du khách đến với phố đi bộ sau khoảng thời gian dài giãn cách do dịch Covid-19 hoành hành. Hơn nữa, năm nay là năm Nhâm Dần nên nhóm chọn khai thác hình tượng hổ trong dân gian.

“Trong thời gian gấp rút 1 tháng, hơn 20 họa sĩ trẻ đã chuẩn bị tác phẩm của mình từ những ý tưởng được ấp ủ từ lâu. Sử dụng chất liệu phong phú, chọn tên triển lãm "Hổ dạo phố" và địa điểm trưng bày là đình Nam Hương bên hồ Hoàn Kiếm, các tác phẩm xoay quanh hình tượng con hổ quen thuộc, tạo cảm giác mới mẻ, mang đến cho người xem và du khách sự vui tươi sau những ngày dịch bệnh căng thẳng. Qua cái tên này, chúng tôi muốn truyền cảm hứng và sức sống mới cho năm Nhâm Dần với niềm tin và hy vọng vào sự phục hồi trong mọi lĩnh vực đời sống” - họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung chia sẻ.

Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Hàng Trống Trịnh Ngọc Trâm, trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, kịp bắt nhịp với việc quận Hoàn Kiếm được chấp thuận mở lại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Đảng ủy - UBND phường tán thành ý tưởng của nhóm Nghệ sĩ trẻ và ngay lập tức đã tích cực phối hợp với nhóm trong công tác chuẩn bị tổ chức triển lãm tại đình Nam Hương.

“Ý tưởng của nhóm Nghệ sĩ trẻ được thể hiện tại một không gian linh thiêng là đình Nam Hương, gắn liền với không gian đi bộ sẽ làm phong phú thêm các hoạt động trong khu vực hồ Hoàn Kiếm, nâng cao giá trị di tích, danh thắng và góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch” - bà Trịnh Ngọc Trâm nhấn mạnh.

Ghi dấu nét riêng

Họa sĩ Nguyễn Hà Anh, thành viên nhóm Nghệ sĩ trẻ, mang đến triển lãm bức tranh “Mậu Dần”. Mậu Dần là năm tuổi của Hà Anh, vì vậy đây là một tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, có thể hiểu tranh chân dung hổ cũng là chân dung nữ họa sĩ. Còn họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung đóng góp bức “Cuộc hành trình” với hai hình ảnh đối lập: Con hổ thường hoạt động đơn độc và chú kiến thường sống theo đàn; tuy khác biệt nhưng trong bức tranh cả hai chung sống hòa bình, tạo cho người xem cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, gợi ý tứ về ước vọng bao la về một thế giới hòa bình mà con người luôn hướng tới.

Theo họa sĩ Kim Hiền, đến với triển lãm lần này, những điều ấn tượng nhất đều liên quan đến hổ, một trong những loài vật gắn bó mật thiết với văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh, con người Việt Nam và tinh thần Việt Nam.

Chính vì vậy, Kim Hiền mang đến các tác phẩm thể hiện nhịp sống, con người, văn hóa truyền thống của dân tộc. Họa sĩ đã góp 5 bức tranh, đó là 2 bức “Hổ nhí” và các bức “Đêm”, “Khúc giao mùa”, “Tròn tròn”. Kim Hiền ấn tượng với bộ tranh “Hổ nhí”, đó là một đôi cô - cậu bé có sắc thái đối lập nhưng không mất đi nét trẻ thơ, vẻ tinh nghịch cũng như đặc tính của linh vật hổ. Kim Hiền ví von, rằng cô gái đại diện cho những con cọp tương lai trong nhà, như bông hoa hồng có gai. Những chú hổ đại diện cho nội tâm cậu bé với nhiều vẻ khác nhau song đều dịu dàng, ấm áp, vui vẻ và tinh nghịch.

Cũng theo họa sĩ Bùi Kim Hiền, nếu như triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” là “sợi dây” kết nối chất liệu truyền thống của Việt Nam là sơn mài và lụa với tranh Hàng Trống, có phần "thuần truyền thống" thì “Hổ dạo phố” là triển lãm đánh dấu nét thời đại mà nhóm Nghệ sĩ trẻ đang sống.

Sáng tạo từ truyền thống

Tuy không là thành viên trong nhóm Nghệ sĩ trẻ nhưng họa sĩ trẻ Vàng Hải Hưng rất quan tâm đến triển lãm “Hổ dạo phố”. Họa sĩ Vàng Hải Hưng cảm nhận, điều tuyệt vời nhất là các nghệ sĩ trẻ tham gia triển lãm lần này có sự hướng dẫn của người thầy, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, người đã đưa hơi thở đương đại và cái nhìn mở tới các họa sĩ trẻ.

Nhóm Nghệ sĩ trẻ mang đến chất liệu, màu sắc, kỹ thuật và ý tưởng vượt khỏi "vùng an toàn", đem lại cho các bức tranh ở “Hổ dạo phố” màu sắc tươi mới, nét vui nhộn đúng với cuộc sống tinh thần những người trẻ. Và điều quan trọng là tất cả tạo ra sự chuyển động đồng điệu trong không gian linh thiêng, giàu tính lịch sử.

Họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn bày tỏ sự tâm đắc với ý tưởng sáng tạo thể hiện qua "Hổ dạo phố". Anh nhấn mạnh: “Tôi luôn cố gắng để các bạn trẻ không bị mặc cảm, được thoải mái, tự do, không gò bó thì mới cho ra được tác phẩm chất lượng. Tôi muốn kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề mang tính sống còn của di sản văn hóa nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. Đồng thời, tôi muốn khơi gợi tình yêu đối với di sản văn hóa truyền thống, không chỉ di sản của Việt Nam mà còn là các nền văn hóa khác, dân tộc khác. Không gian triển lãm đậm đặc truyền thống nhưng không nên đóng khung trong truyền thống. Ở đó còn có hiện đại. Ngôi đình Nam Hương vừa được trùng tu và tác phẩm có sự tiếp nối về thời gian, sự chuyển tiếp của nghệ thuật đương đại”.

Có thể khẳng định, triển lãm “Hổ dạo phố” ghi dấu ấn kết hợp giữa nghệ thuật đương đại và không gian văn hóa truyền thống, hứa hẹn mở ra nhiều triển lãm khác có ý nghĩa thúc đẩy hội họa Việt Nam phát triển. Đây là tín hiệu đáng mừng, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở ra không gian hội họa sáng tạo