Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi

17/07/2021 14:42

(HNMCT) - Hà Nội hiện còn hơn 100 nhà máy cũ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng để trở thành những không gian công cộng, không gian sáng tạo, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế bền vững và đẩy nhanh quá trình hội nhập. Để làm được điều này, cần vai trò của Nhà nước cùng hệ thống cơ chế chính sách phù hợp. Dưới đây là một số ý kiến của những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội):
Hà Nội có nhiều tiềm năng chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo đòi hỏi sự đa dạng, biến đổi theo thời gian, có không gian cho sự kiện đông người, và các nhà máy cũ có thể đáp ứng yêu cầu này, thậm chí có thể ngăn chia một cách linh hoạt cho các nhu cầu sử dụng khác nhau. Nếu như không gian sáng tạo cần có tính văn hóa, mới lạ, kích thích trí tưởng tượng, đáp ứng nhu cầu về việc tạo dấu ấn cá nhân mới mẻ của người sáng tạo thì các nhà máy thường có các kiến trúc mang giá trị di sản (tính văn hóa), hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác với không gian dân dụng thông thường, giúp khơi gợi ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng của người làm nghệ thuật sáng tạo.

Nhiều nhà máy cũ vốn có kiến trúc đẹp, có sẵn khung công trình, hạ tầng kỹ thuật, chi tiết công nghiệp để có thể sử dụng và trang trí mà không tốn nhiều chi phí. Hơn nữa, những nhà máy cũ đang chờ giải tỏa ở Hà Nội thường nằm ở vị trí trung tâm đô thị, trung tâm khu dân cư, rất dễ kết nối với công chúng nên có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm sáng tạo đến với cộng đồng. Bởi vậy, Hà Nội có thể chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo kết hợp với việc bảo tồn di sản công nghiệp nhằm giữ lại ký ức đô thị, ký ức về hành trình lao động sản xuất, xây dựng xã hội Việt Nam hiện đại. Việc xây dựng các không gian sáng tạo trên khu đất của các nhà máy cũ có thể đem lại vị thế mới, tiện ích công mới, dịch vụ mới và sức sống mạnh mẽ cho khu đất, qua đó tăng giá trị bất động sản của khu đất và khu vực lân cận, đồng thời tạo ra bản sắc cho bất kỳ dự án nào trên khu đất đó.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Không gian sáng tạo Heritage Space:
Cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng sáng tạo

Như một “làn sóng ngầm”, các nhóm, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà làm phim dù khó khăn nhưng họ vẫn sáng tạo vì đam mê. Theo một khảo sát, Hà Nội hiện có gần 180 nhóm, tổ chức không gian sáng tạo nhưng sau 3 năm (2018 - 2021), con số này đã bị mất đi 1/3. Tuy có sự ra đời của các nhóm mới nhưng họ không xuất hiện hoặc không được giới thiệu ra công chúng, do đó, cộng đồng sáng tạo chưa thực sự được nhiều người biết đến.

Nguyên nhân của việc nhiều nhóm sáng tạo “biến mất” một phần do họ không nhận được sự hỗ trợ, một phần do chưa có cơ chế chính sách để họ được hoạt động chuyên nghiệp. Vì thế, muốn phát triển các không gian sáng tạo, Thành phố cần tăng cường nguồn lực, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và xây dựng chính sách phù hợp. Hạ tầng ở đây chính là các cơ sở công nghiệp, các nhà máy cũ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phải xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy cũ một cách hợp lý, hài hòa, thậm chí có thể xã hội hóa. Chúng ta đã có chính sách về nhà ở xã hội thì cũng cần tạo cơ chế để có thể thử nghiệm và áp dụng cho việc thành lập không gian sáng tạo tại các nhà máy cũ, dù chỉ trong thời gian ngắn. Cần tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, chẳng hạn như cho phép các nhóm chuyên hoạt động sáng tạo cộng đồng được đăng ký hoạt động như các tổ chức phi lợi nhuận để trao cho họ cơ hội chứ không thể “trói” họ bằng các chính sách đang áp dụng cho doanh nghiệp hiện nay. Cùng với đó, Nhà nước cũng nên có nguồn quỹ riêng cho lĩnh vực sáng tạo văn hóa để khuyến khích những người làm sáng tạo. Đó là những việc phải làm, và nếu làm được thì công nghiệp văn hóa và các không gian sáng tạo ở Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Ông Lê Quang Bình, Điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống:
Nhà nước có vai trò điều tiết để phát triển không gian sáng tạo tại các nhà máy cũ

Để các nhóm sáng tạo nhỏ lẻ có thể phát triển được, cần phải có các không gian văn hóa sáng tạo với những quy mô khác nhau, thậm chí Hà Nội cần có những không gian ở tầm quốc tế. Để làm được điều này, cần xây dựng một kế hoạch hành động riêng về “Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa” để triển khai Đề án phát triển Công nghiệp văn hóa.

Cơ sở hạ tầng ở đây chính là các không gian văn hóa sáng tạo đủ lớn, đa chức năng được chuyển đổi từ nhà máy cũ. Sau đó, cần tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các nhà máy cũ ở Thủ đô theo tiêu chí và phù hợp với việc chuyển đổi thành các không gian văn hóa sáng tạo, không gian công cộng, hạ tầng xã hội khác nhau, từ đó lựa chọn các nhà máy có thể tiến hành chuyển đổi. Mở rộng mạng lưới, hệ sinh thái cơ sở hạ tầng đến các không gian hoang hóa, nhàn rỗi trong đô thị (kể cả đất công, đất của doanh nghiệp, đất tư nhân) để đưa vào danh mục khuyến khích phát triển không gian văn hóa, không gian sáng tạo dài hạn và ngắn hạn. Đồng thời, xây dựng mô hình doanh nghiệp bất động sản xã hội để chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy cũ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo.

Nhà nước cần giữ vai trò điều tiết để nhà máy cũ có thể phát triển thành các không gian sáng tạo và không bị “lái” sang thị trường bất động sản. Muốn vậy, Nhà nước cần điều chỉnh các nguồn lực đất đai, tài chính, xã hội để phát triển không gian sáng tạo tại các nhà máy cũ. Có thể thành lập một doanh nghiệp xã hội có khả năng quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa hoặc lựa chọn 3 nhà máy phù hợp để thử nghiệm 3 mô hình quản lý khác nhau, đó là tư nhân, hợp tác công - tư (PPP) và hợp tác xã. Nếu có cách quản lý tốt, đặc biệt, với vai trò điều tiết của Nhà nước sẽ khơi dậy tiềm lực để phát triển các không gian sáng tạo tại các nhà máy cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi