Nơi có 3 ''địa chỉ văn hóa dân gian''

Giang Bùi| 09/02/2021 14:44

(HNNN) - Đan Phượng - mảnh đất nằm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long có tới 3 “địa chỉ văn hóa dân gian” độc đáo và quý giá của quốc gia: Hội thả diều ở Bá Giang, ca trù ở xã Thượng Mỗ, hát chèo tàu ở Tân Hội. Trong thời hiện đại, Đan Phượng là một huyện văn hóa - nông thôn mới điển hình của cả nước.

Hội thả diều làng Bá Giang đã có lịch sử lâu đời. Ảnh: Ngọc Thành

Làng diều nghìn tuổi bên sông Hồng

Thần phả làng Bá Giang, xã Hồng Hà (Đan Phượng) chép lại, miếu làng thờ thần linh châu thổ, hay còn gọi là miếu Diều, rất linh thiêng. Miếu thờ Đức Thánh Cả, tên là Nguyễn Cả, một vị tướng tài ba từng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Khi ông từ quan về với dân làng, những lúc rảnh rỗi ông bày trò chơi thả diều với trẻ mục đồng trên bãi sông Hồng. Một hôm trời đất mù mịt, mây đen kéo đến, khi trời quang, người ta không thấy ông đâu, chỉ thấy một gò đất cao nổi lên, mới biết ông đã hóa. Thương tiếc ông, dân làng lập miếu thờ. Hội thả diều cũng từ đó được mở ra vào ngày rằm tháng Ba âm lịch hằng năm ở làng Bá Giang. Như một sự tri ân đối với đức Thánh Cả, làng diều nghìn tuổi trường tồn, bất biến với thời gian, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, một “địa chỉ văn hóa dân gian” độc đáo của Thăng Long - Hà Nội...

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Diều Bá Giang vừa được thành phố đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân, tâm đắc: Tiếng sáo là thứ để phân biệt trình (tay nghề) của người chơi. Nghe tiếng sáo, người ta có thể nhận biết được tâm trạng của người chơi. Lúc vui, người chơi thường gắn vào cánh diều chiếc sáo có tiếng chuông, tiếng ốc, chọn lúc gió to để thả, khiến sáo đổ hồi nhanh hối hả, rộn ràng, sống động. Khi có tâm sự riêng gửi gắm qua sáo diều, người ta gắn sáo có tiếng trầm, chậm, thả diều lúc gió nhẹ, chuông sẽ đổ chậm hơn, âm thanh trầm ấm, có lúc như nghẹn lại, day dứt...

Nguyễn Hữu Kiêm là con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Ngọ - người đã truyền nghề thành công cho con, cháu mình và rất nhiều người Bá Giang, để bây giờ làng diều nghìn tuổi thêm tỏa sáng và thăng hoa. Hiện CLB Diều có hơn bốn mươi thành viên, đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố và các nước bạn. Bản thân ông Kiêm vừa làm cố vấn cho các CLB tổ chức chương trình giao lưu, vừa là người truyền kỹ năng cho lớp sau. Như suối nguồn chảy mãi, làng diều Bá Giang hôm nay có rất nhiều người chơi diều có tiếng như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Đông, Phạm Quang Tập...

Chèo tàu có một không hai

Lễ hội hát chèo tàu ở Đan Phượng là để tưởng nhớ Trưng Nữ vương, Văn Dĩ Thành và các vị tướng lĩnh có công dựng nước và giữ nước. Theo ông Trần Minh Nhương, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, người đã dày công nghiên cứu, viết nhiều sách giới thiệu về văn hóa dân gian của quê hương, hát chèo tàu tổng Gối là một “địa chỉ văn hóa dân gian” đặc sắc, độc nhất vô nhị, chỉ có ở Tân Hội, Đan Phượng với những nghệ nhân có công khôi phục, truyền nghề như các cụ Tiến Thị Lục, Kim Thị Ba, Nguyễn Thị Năm…

Đặc sắc nhất trong Lễ hội hát chèo tàu là các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - những chiếc thuyền rồng bằng gỗ “bơi” tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người, trong đó có “bà chúa” tàu, hai “cái” tàu và 10 “con” tàu. “Bà chúa” tàu là người giỏi múa hát, gia đình song toàn; “cái” và “con” tàu phải là thiếu nữ từ 13 đến 16 tuổi, gia đình gia giáo, bản thân ngoan ngoãn, hát hay, múa giỏi. Trong diễn xướng chèo tàu không thể thiếu đôi tượng (voi) dựng phía sau mỗi tàu. Mỗi con voi có hai quản tượng là nữ cải trang thành nam. Nghĩa là những người tham gia diễn xướng đều là phụ nữ - và đây cũng là một trong những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.

Từ năm 1998 đến nay, Lễ hội hát chèo tàu được khôi phục và tổ chức thường niên, đánh dấu sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật chèo tàu ở Đan Phượng. Thế hệ nghệ nhân ưu tú hiện nay là các ông bà Ngô Thị Thu, Nguyễn Thị Tuyết, Đông Sinh Nhật, Nguyễn Hữu Yến - những người đã bỏ công sức, tâm huyết cùng các nhà nghiên cứu tham gia sưu tầm các bài hát dân gian để truyền dạy cho thế hệ sau. Họ cũng chính là những nhân tố chủ chốt thành lập, duy trì và phát triển CLB Hát chèo tàu Tân Hội hoạt động sôi nổi suốt 20 năm qua.

“Đất tổ” ca trù xứ Đoài

Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ hoạt động đều đặn tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Ảnh: Sơn Bình

Theo thần tích và truyền thuyết dân gian, vào những năm cuối thế kỷ XVII, trong dòng tộc Nguyễn Duy xuất hiện một người con gái tên gọi là Nguyễn Thị Hồng rất mực hiền thục, tư chất thông minh, vừa giỏi thơ ca lại hay nghề đàn hát, nhà trò (hát ả đào, hát ca trù). Bà nổi tiếng cả vùng, sau được vua Lê Chính Hòa sủng ái, phong Đệ nhị cung phi Hoàng hậu, phụ trách các phi tần và lễ nhạc cung đình, chuyên dạy hát ca trù phục vụ những cuộc đại lễ. Khi mất, theo nguyện vọng của bà, nhà vua đã tổ chức tang lễ đưa bà về an táng tại cánh đồng làng Thượng Mỗ. Nhân dân thương tiếc đã lập đền thờ bà bên đầm Giếng; bà được người dân gọi là “bà Chúa ca trù”. Lăng mộ, đền thờ còn đến ngày nay. Trong đền Đầm hiện còn bức hoành phi “Kim chi ngọc diệp” (tức cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời vua Lê Chính Hòa và còn những câu đối ngợi ca công đức của bà: “Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/ Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt”.

Từ khi “bà chúa ca trù” qua đời, con cháu dòng họ Nguyễn Duy mấy trăm năm nay vẫn dành tình yêu và tâm huyết giúp ca trù tỏa sáng cho đến hôm nay; trong đó có nghệ nhân Nguyễn Thị Tam - cháu đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn Duy, được coi là người gìn giữ nghiệp tổ ca trù. Được biết, với những cống hiến trong truyền dạy, lưu giữ ca trù, năm 2020 bà Tam được Thành phố Hà Nội đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Không để vốn cổ bị mai một trong thời hiện đại, bà Tam đề nghị và được UBND xã Thượng Mỗ thành lập CLB Ca trù từ tháng 2-2004. Từ đó đến nay, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng phách, tiếng trống vang lên khắp làng Đại Phú. Từ đây, những tài năng ca trù đã được chắp cánh và bay xa với Nghệ sĩ Nhân dân Thương Huyền, những “ca nương nhí” như Nguyễn Thị Lụa, Nguyễn Thị Hà My, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy, tay trống Nguyễn Duy Trung...

Vậy là mong muốn giữ nghiệp tổ của bà Tam đã thành hiện thực khi các thế hệ học trò do bà truyền dạy đã và đang nối mạch nguồn, đưa nghệ thuật ca trù Thượng Mỗ phát triển.

3 “địa chỉ văn hóa dân gian” - 3 loại hình nghệ thuật đặc sắc của Đan Phượng đã và vẫn đang được những nghệ nhân đam mê, nhiệt huyết trao truyền cho các thế hệ, để mỗi loại hình nghệ thuật tỏa sáng theo cách riêng, trường tồn theo thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi có 3 ''địa chỉ văn hóa dân gian''