Chợ Mía một tháng sáu phiên

Hà Nguyên Huyến| 10/04/2020 10:12

(HNMCT) - Dân gian quan niệm: Địa điểm chọn làm chợ cũng ví như đàn kiến tìm thấy vị trí thích hợp để xây tổ. Trong các địa bàn dân cư, ban đầu một số người tụ họp với mục đích trao đổi vật phẩm cần thiết hằng ngày, sau đó dân quanh vùng tới thêm, theo thời gian đông lên mà thành chợ. Bài viết này xin đề cập đến chợ Mía ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, qua đó góp thêm góc nhìn về chợ như là một thành tố không thể thiếu trong tổng thể đời sống văn hóa - xã hội từ làng quê cho đến thị thành.

Chợ trong làng cổ

Với đa số chợ quê, rất khó tìm được câu trả lời thỏa đáng về thời gian hình thành và phát triển. Riêng chợ Mía nằm trên địa bàn làng Đông Sàng, xã Đường Lâm thì khác, có lẽ bởi chợ gắn liền với giai thoại mà lần theo đó, ta thấy bóng dáng chợ Mía từ thuở xa xưa.

Đó là khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, thời vua Lê - chúa Trịnh, Thanh Đô vương Trịnh Tráng trong một lần giong thuyền ngược sông Hồng đến địa bàn xã Đường Lâm bây giờ, ngang qua vùng bãi thấy có một người con gái cắt cỏ đang cất tiếng hát: “Tay cầm bán nguyệt (cái liềm) xênh xang/ Muôn vàn ngọn cỏ lai hàng tay ta”. Ngạc nhiên trước khẩu khí của câu hát, chúa bèn cho ghé thuyền vào và vô cùng sửng sốt trước dung mạo “sắc nước hương trời” của nàng. Người con gái cắt cỏ đó chính là Nguyễn Thị Ngọc Dong, người làng Nam Nguyễn (nay thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm). Cảm phục trước nhan sắc và tài văn thơ, chúa bèn đón bà vào cung và nàng trở thành cung phi được sủng ái nhất. Trên đất làng Đông Sàng hiện nay còn có một ngôi đền linh thiêng, được dân quanh vùng gọi là đền Phủ hoặc đền Mẫu. Tục truyền nơi đây là phủ đường của chúa Trịnh mỗi khi chúa và cung phi Ngọc Dong về thăm quê Đường Lâm. Sau khi bà mất, dân quanh vùng lấy nơi đây để thờ phụng bà và gọi bà với một cái tên thành kính: Bà Chúa Mía!

Bà Chúa Mía có công với vùng đất này, dấu ấn để lại là việc hưng công tôn tạo chùa Mía, mở chợ Mía và bến đò Mía (bến đò Hà Tân bây giờ). Chùa Mía có tên chữ là Sùng Nghiêm tự, là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng xứ Đoài. Theo căn cứ ấy, với ý nghĩa chợ là một thành tố không thể thiếu trong đời sống xã hội ở nơi “chúa biết tên” thì có thể suy đoán chợ Mía được hình thành vào năm 1632 - cùng thời điểm chùa Mía được tôn tạo.

Trải mấy trăm năm, chợ Mía đóng vai trò quan trọng là nơi giao thương của một cộng đồng cư dân đông đúc. Hình ảnh chợ quê có hai dãy cầu chợ đối diện nhau, bên cạnh là những quán lá “liêu xiêu” khi vãn chiều, tan chợ đã đi vào nỗi nhớ của bao lớp người sinh ra và lớn lên trên vùng đất này.

Vậy mà chợ Mía có một lần phải chuyển địa điểm, ấy là vào những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 - 1968) của đế quốc Mỹ. Chiến tranh kết thúc, không ai bảo ai, chợ Mía lại chuyển về địa điểm cũ. Lại nhộn nhịp một tháng sáu phiên, rơi vào các ngày một và ngày sáu âm lịch hằng tháng (mùng một, mùng sáu, mười một, mười sáu, hai mốt và hai sáu)...

Chợ - thành tố song hành với cộng đồng cư dân

Có thể khẳng định: Chợ quê là cái “cửa mở” của các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Trong Tục ngữ ca dao Việt Nam của Vũ Ngọc Phan có câu: “Chợ Mía mới mở mà to/ Các thầy Mông Phụ thường dò xuống chơi”.

Xã Đường Lâm có 9 làng, mỗi làng tùy vào đặc trưng riêng mà hình thành những nghề cơ bản. Có thể kể ra Mông Phụ làm ruộng, làm thợ (mộc, nề); Cam Thịnh làm giá đỗ, đan lát và buôn lá dong, hoa quả vào dịp Tết Nguyên đán; Cam Lâm thì chè tươi, ổi, nhãn, chổi sể và củi cành... Riêng Đông Sàng, địa phương có chợ nên buôn bán nhỏ và nấu kẹo “bộn đường” là nghề chính.  

Thời gian trôi đi, mọi thứ có thể thay đổi, riêng câu ca dao sưu tầm nói trên của cụ Vũ Ngọc Phan đối với làng Mông Phụ đến bây giờ vẫn đúng. Việc đi chợ trong quan niệm cũ phần đông dành cho phụ nữ, nhưng đàn ông làng Mông Phụ rất thích đi chợ, song thường chỉ là đi chơi. Nếu ai đó bận rộn cả năm thì phiên chợ “hăm sáu Tết” - phiên chợ Mía cuối cùng của một năm, các “thầy” Mông Phụ thường có mặt.  

Cách đây vài mươi năm, từ trong huyết quản anh em tôi thích chăn nuôi gà như bất cứ người đàn ông nào trong làng. Nhà tôi không có vườn, bốn bề tường xây đá ong cao vút nhưng vẫn có một khoảnh đất vài chục mét vuông để chăn nuôi gà Mía. Khoảng năm 1969 - 1970, sau gần một năm chăm sóc, nhà tôi có khoảng mươi chú gà trống thiến. Mẹ tôi mang đi chợ Mía bán một số gà để lấy tiền trang trải mấy ngày Tết.

Tôi nhớ mãi khi ông khách người làng Đông Sàng nâng niu một con gà mà ngày thường anh em tôi gọi là “chúa đàn”. Con gà này từ đầu, mỏ tới chân, móng, cựa; từ lông mao ngũ sắc đến lông vũ tuyền một màu lĩnh (vải lĩnh), trọng lượng trung bình 3 - 4kg... , không thể chê bất cứ một điểm nào. Đám đông xúm lại, ai cũng tấm tắc khen. Mẹ tôi ra giá 36 đồng, năn nỉ mãi cuối cùng ông khách bảo: “Để cho tôi, ra năm tôi dâng lễ đền Mẫu!”. Mẹ tôi nói: “Ông đã nói thế tôi lấy đúng 32 đồng”. Không ngần ngại, ông khách xòe tiền ngay, mà 32 đồng năm ấy tương đương với một chỉ vàng.

Nhìn lại văn hóa chợ quê

Như đã nói, chợ là “cái cửa mở” mang thông tin của mọi vùng đất đến với nhau. Trong hoàn cảnh cụ thể thì chợ quê đóng vai trò là “nhà điều hành thị trường và kích thích sản xuất” bên cạnh những giá trị phi vật thể khác.

Vài năm nay chợ quê đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Chẳng biết có phải lúc hình thành chợ quê thường ở vào những địa điểm thuận tiện cho giao thương mà đến bây giờ hầu như chợ nào cũng là một phần nguyên nhân gây ách tắc giao thông, lượng rác thải hằng ngày đủ gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan. Đặc biệt, một yếu tố mang đến quyết định phải thay đổi là: Trong thời đại thông tin bùng nổ và nhu cầu tiêu dùng không còn như xưa, chợ quê không còn đóng vai trò “cửa mở” nữa! Vì vậy, việc sắp xếp lại chợ đối với bất cứ nơi nào, ở thành thị hay nông thôn, cũng là hết sức cần thiết.

Những năm gần đây do nhu cầu tiêu dùng của cư dân trong vùng nên ngày nào chợ Mía cũng đông đúc, nhộn nhịp dù không phải là ngày phiên. Chợ họp từ mờ sáng cho đến sâm sẩm tối, nhân viên môi trường không thể nào dọn dẹp xuể. Vào mùa lễ hội, xã Đường Lâm có tới 7 di tích được xếp hạng quốc gia nên khách ra vào nườm nượp. Vài năm nay du lịch tâm linh hình thành nên khách đông gấp bội. Trong mùa du lịch, có khi xe chở du khách tham quan chùa Mía xếp dài từ quốc lộ 32 vào đến bãi trông giữ xe nằm ngay trong chợ, nên giao thông ở khu vực này thật là bất tiện. Vì thế, sắp xếp lại chợ Mía đã trở thành một đòi hỏi bức thiết đối với các cấp chính quyền và người dân địa phương.

Đã có một địa điểm mới cho chợ nhưng không làm sao sắp xếp được! Nguyên nhân dẫn đến sự thể này là do ai cũng cho rằng hàng thịt là tươi sống, vào chợ thì không thể bán được. Hơn nữa có quan niệm rằng Bà Chúa Mía lập chợ ở đây là để cho người Đông Sàng hưởng lợi, vì thế người Đông Sàng có quyền quyết định địa điểm chợ... Đã nhiều lần chính quyền xã phối hợp với Công an thị xã Sơn Tây can thiệp, nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Các phản thịt lại chềnh ềnh ngay bên đường...

Cứ thế, nhức nhối và phản cảm. Mãi cho đến năm 2019, Thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng cho xã Đường Lâm một ngôi chợ thật khang trang. Các cơ quan chức năng lại động viên người dân, kể cả dùng biện pháp cưỡng chế. Công an thị xã Sơn Tây và lực lượng trật tự địa phương “chốt” cả tháng trời để duy trì trật tự... Nhờ vậy đến nay chợ Mía đã hoạt động ổn định. Lần đầu tiên người dân xã Đường Lâm có một ngôi chợ mang dáng dấp của văn minh thương nghiệp.

Tuy vậy, chợ Mía vẫn là chợ quê đúng nghĩa. Nếu có khác thì chỉ là hàng hóa được xếp theo trật tự. Chợ đáp ứng cho nhu cầu của những gia đình trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu là tự sản tự tiêu. Sáng sớm, rau củ từ các làng, các vùng xung quanh được đưa về. Hàng thịt, hàng khô không thiếu một thứ gì, và chợ cũng chỉ họp từ sáng đến trưa là tan.

Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân quê vẫn mang hình ảnh chợ chiều chạng vạng ven đê hay dưới gốc bàng, gốc đa nơi đầu làng, cuối xóm. Mớ tép riu tươi rói vừa mua, mớ rau tập tàng mới hái nồng nàn đỏ lửa trong bếp nhà ai. Khói rơm thơm làm bước chân người xa nhà lỗi nhịp khi không kịp về làng. Chiều nay, ai chẳng có những chiều như thế, những chiều xôn xao nơi cái chợ làng thân thương trong ánh ngày sắp tắt...

Chợ Mía xửa xưa, vì thế mà vẫn còn đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ Mía một tháng sáu phiên