Dòng chảy không bao giờ vơi cạn

Quỳnh Chi| 23/01/2020 08:56

(HNMCT) - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đã định danh Tản Viên Sơn là “Núi Tổ”. Từ đỉnh “Núi Tổ” xuôi xuống phía dưới là các bậc thềm thấp dần, tạo thành một vùng đất rộng lớn, được gọi là xứ Đoài vì nằm ở phía Tây của Kinh thành Thăng Long. Linh khí trời đất hội tụ đã góp phần hun đúc nên cốt cách người xứ Đoài, tạo nên dòng chảy tinh hoa xứ Đoài không bao giờ vơi cạn.

Núi Ba Vì, hồ Suối Hai

Mạch đất dồi dào linh khí

Cái tên xứ Đoài có từ bao giờ? Để trả lời, phải ngược về ngọn nguồn lịch sử. Địa danh Sơn Tây có từ thời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), kéo dài đến gần hết thập niên thứ ba của thế kỷ XVI với 10 đời vua nữa. Bắt đầu thời nhuận triều vua Lê - chúa Trịnh, từ năm 1527, vì tránh phạm húy vị chúa là “Tây” nên Sơn Tây đổi thành xứ Đoài (Đoài có nghĩa là Tây, ngược chiều với xứ Đông).

Cho đến thế kỷ XIX, nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) vẫn dùng từ “trấn Đoài” cho dù tên gọi Sơn Tây đã trở lại từ trước đó rất lâu. Trấn Đoài là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ gồm: Sơn Tây (trấn Đoài), Kinh Bắc (trấn Bắc), Hải Dương (trấn Đông), Sơn Nam (trấn Nam), là bốn thành trì bảo vệ kinh đô Thăng Long. Trấn Đoài bao gồm hầu như toàn bộ tỉnh Vĩnh Phú (cũ), huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) và hơn một nửa tỉnh Hà Tây (cũ). Còn xứ Đoài nay, theo cách hiểu thông thường thì hẹp hơn, gồm các huyện của tỉnh Sơn Tây (cũ).

Nói đến tinh hoa xứ Đoài phải đề cập đến đầy đủ các yếu tố: “Trời phù, đất trợ, nhân tài” (trời đất phù trợ, con người tài năng). Qua bao thăng trầm, xứ Đoài vẫn luôn là địa bàn quan trọng mang tính chiến lược, không chỉ bảo vệ cho kinh đô/Thủ đô mà còn làm hậu cứ vững bền cho công cuộc giữ nước.

Trời đã định, đã giao cho xứ Đoài vai trò ấy. Đất xứ Đoài có núi, có sông, có đồng bằng; thiên nhiên tuy không hoàn toàn ưu đãi nhưng lại ban cho nơi đây sự đa dạng hiếm có. Núi Tản là “Núi Tổ”, là “trấn sơn” của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ (“Nhất cao là núi Ba Vì”), một biểu tượng đẹp, mang tính vĩnh cửu. Núi Tổ là chót đỉnh, ngọn nguồn của những mạch đất dồi dào linh khí, xuôi xuống dưới, tạo thành những bậc thềm theo các tầng thấp dần, những chân đế vững chắc cho ngọn núi thiêng. Núi Tản không chỉ được muôn đời quân vương nước Việt ngưỡng vọng, tôn thờ, mà vua nhà Đường (Trung Quốc) còn nhận thấy núi ngự ở nơi đắc địa, giống như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam, khiến bao kế hiểm của nhà Đường định tiến quân xuống phương Nam đều bị chặn bởi núi thiêng của nước Đại Việt.

Phát lộ lớp lớp nhân tài

Trời ban cho xứ Đoài là “địa linh”, để từ ấy sinh ra “nhân kiệt”, làm rạng danh quê hương, đất nước.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1010, vua Lý Thái Tổ đi kinh lý phía Tây kinh thành, tới vùng “thập bát sơn” (18 ngọn núi, nay thuộc huyện Quốc Oai) đã nhận định: “Nơi đây sơn kỳ thủy tú (núi lạ sông đẹp), ắt có nhân kiệt địa linh”. Theo thuyết âm dương thì phía Tây là âm, phía Đông là dương. Đất xứ Đoài ở phía Tây, hội tụ tinh túy của đất trời, thời nào cũng sinh ra nhiều người tài năng, trí dũng và đạo đức sáng ngời, là trụ cột của quốc gia. Từ trong truyền thuyết, Tản Viên Sơn Thánh là bậc anh hùng cái thế, đứng đầu trong “tứ bất tử” nước Việt (gồm Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh), hiện còn hàng trăm đền thờ ở khắp vùng. Đáng nói, 3/4 vị thần mà vua Lý Thái Tổ thờ phụng ở Thăng Long đều phát tích ở trấn Sơn Tây..., đến đời thực là những bậc đế vương, lương đống như Phùng Hưng (761 - 802, trị vì ? - 791), Ngô Quyền (897 - 944, trị vì 939 - 944), Tô Hiến Thành (1102 - 1179)... đều là người xứ Đoài.

Là nơi có nền văn hóa, giáo dục sớm phát triển, xứ Đoài đã sinh ra nhiều trí thức tiêu biểu. Huyện Ba Vì có Tiến sĩ - Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh (1458 - 1540), Tiến sĩ - Thượng thư Trần Thế Vinh (1634 - 1701), Tiến sĩ - Thượng thư Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785), nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939)... Huyện Quốc Oai có Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417 - 1473), Hoàng giáp Kiều Phú (1447 - ?, người hiệu đính cuốn Lĩnh Nam chích quái); Hoàng giáp - Thượng thư Nguyễn Địch Tâm (1461 - ?, người soạn bộ Việt sử khảo giám gồm 10 quyển), nhà bác học toàn tài Phan Huy Chú (1782 - 1840, tác giả bộ sách bách khoa Lịch triều hiến chương loại chí)... Huyện Thạch Thất có Tiến sĩ - Giám sát ngự sử Đỗ Thê (1463 - ?), Tiến sĩ - Thượng thư Phí Thạc (1508 - 1585), Tiến sĩ - Thượng thư Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng, 1528 - 1613), Tiến sĩ - Lang trung Nguyễn Đăng Huân (1805 - 1839), danh nhân văn hóa Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965)... Huyện Đan Phượng có Tiến sĩ - Đô ngự sử Tạ Đăng Vọng (1644 - 1689), Tiến sĩ, Hữu thị lang Tạ Đăng Huân (1672 - 1741), Tiến sĩ - Cấp sự trung Tạ Đăng Đạo (1731 - ?)...

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xuất hiện nhiều Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT), sĩ quan cấp tướng tiêu biểu cho xứ Đoài anh dũng, kiên trung. Đó là Anh hùng LLVT Phùng Hạnh Phúc, Phùng Văn Lừu (thị xã Sơn Tây), Trung tướng - Anh hùng LLVT Khuất Duy Tiến, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Trung tướng - Tiến sĩ Khuất Việt Dũng (huyện Thạch Thất), Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Thu, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đệ (huyện Quốc Oai), Anh hùng LLVT Phan Xích, Lê Thao, Hoàng Hữu Chuyên (huyện Đan Phượng)...

Trong sự nghiệp Đổi mới, nhiều người xứ Đoài trong cương vị quản lý, nghiên cứu khoa học, giảng dạy... đã góp công lớn cho đất nước. Anh hùng Lao động Đỗ Văn Trí (huyện Quốc Oai) mở đầu cho khoán quản trong nông nghiệp. Tiến sĩ “nấm” Nguyễn Thị Lộc (huyện Quốc Oai) được nhận giải thưởng quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và được vinh danh bằng Giải thưởng Kovalevskaia... Họ là những nhân tố điển hình, thôi thúc, cổ vũ, động viên lớp trẻ xứ Đoài tiếp tục vươn lên những tầm cao mới.

Những di sản văn hóa độc đáo

“Núi Tổ” Tản Viên Sơn chiếm vị trí quan trọng cả về địa lý và trong tâm linh người Việt. Đôi câu đối tại đền Và (thị xã Sơn Tây, thờ Thánh Tản Viên) khẳng định: “Thần vi chi linh, địa vi chi linh, diệc nhân sùng vi chi linh, ngật nhĩ Đông cung Tây trấn/ Sơn đắc kỳ thuật, thủy đắc kỳ thuật, túc kim dục đắc kỳ thuật, diêu hô tiên trượng ước thư” (Thần linh thiêng, đất linh thiêng, vĩ nhân linh thiêng, cung Đông trấn Tây cao ngất/ Núi thành thuật, sông thành thuật, đạo đức thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ). Bằng trí tuệ, tài năng, các thế hệ người xứ Đoài đã biến những điều trong “sách ước” thành hiện thực.

Nhân kiệt xứ Đoài không chỉ ghi dấu với những chiến công bảo vệ Tổ quốc mà còn xây dựng nhiều công trình, sáng tạo nhiều loại hình nghệ thuật nay đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Vì thế, nói đến tinh hoa xứ Đoài còn phải kể đến các di tích như Thành cổ Sơn Tây, Thành phủ Quảng Oai, Phủ thành Quốc Oai, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng, đình So... Rồi là các loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian độc đáo như hát Dô ở Quốc Oai, hát Chèo Tàu Tượng ở Đan Phượng, múa hát Bài Bông ở Phú Xuyên... thể hiện tài năng và trình độ thẩm mỹ rất cao.

Cuối cùng, nói đến tinh hoa xứ Đoài còn phải kể đến đời sống văn hóa ở vùng đất được gọi là “đặc địa”. Về phương diện tâm linh là các lễ nghi thờ cúng thánh thần và các danh nhân tiêu biểu; là các lễ hội đình, đền, chùa, miếu và lễ hội làng nghề; những thuần phong mỹ tục như tục kết chạ, giao hảo giữa các làng... góp phần gắn kết tình nghĩa xóm giềng.

Người xưa thường nói: “Đất có lề”. Cái “lề” của vùng đất xứ Đoài dày dặn hiếm có, qua thời gian kết tụ thành tinh hoa. Nói một cách đầy đủ hơn, những thế hệ tài năng sống trong không gian cụ thể là xứ Đoài, được trời đất dung dưỡng, đã làm nên tinh hoa xứ Đoài, tạo lập một vùng văn hóa độc đáo, đặc sắc với nhiều tầng lớp.

Tinh hoa xứ Đoài là dòng chảy không bao giờ vơi cạn, không bao giờ ngừng nghỉ, khi được kết nối với những dòng tinh hoa khác thì càng thêm dồi dào, cuộn chảy, để tiếp tục bật lên những nhân tố mới làm cho đất nước hùng cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy không bao giờ vơi cạn