Họa sĩ Lê Văn Xương - chàng lãng tử của Hà Nội phố

Thu Hằng| 19/10/2019 14:30

(NSHN) - Trong không khí se se lạnh của những ngày thu Hà Nội, công chúng yêu hội họa Thủ đô có dịp ôn lại ký ức về một Hà Nội đã xa, về “chốn kiều thơm” của Thạch Lam, Vũ Bằng qua tranh của họa sĩ Lê Văn Xương.

Một họa sĩ lãng tử hào hoa

Hiện diện trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam suốt mấy thập kỷ qua nhưng dường như tên tuổi của họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988) chưa được giới sưu tập và công chúng biết đến rộng rãi.

Ông xuất thân trong một gia đình khá giả chuyên làm đồ gỗ ở Nam Định. 12 tuổi, ông lên Hà Nội học. Năng khiếu hội họa bộc lộ từ rất sớm, với sự giúp đỡ của người anh rể là họa sĩ Lã Chấn Hưng, Lê Văn Xương tiến bộ rất nhanh trong việc học mỹ thuật. Tuy nhiên, ông không thi vào trường mỹ thuật chính quy, mà mời thầy về dạy tại gia.

Lê Văn Xương kết bạn với các họa sĩ tài năng như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Thọ…, cùng nhau đi thưởng ngoạn, vẽ tranh, nhờ đó mà tay nghề hội họa ngày càng điêu luyện.

Năm 1939, Lê Văn Xương vào Sài Gòn lập nghiệp, đến cuối năm 1951, ông trở ra Hà Nội sinh sống. 

Vào tháng 4-1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân “Hà Nội ba sáu phố phường” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là một triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ, thu hút được giới yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông.

Trong lưu bút của gia đình họa sĩ còn giữ lại lời bày tỏ của họa sĩ Trần Quang Trân: “Trong nhiều lần đến xem triển lãm họa phẩm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đây mới là lần đầu tôi được thỏa mãn trong đời khó tính - xin thú thật - của tôi về phương diện mỹ thuật”.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, họa sĩ Lê Văn Xương tham gia Hội Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục sáng tác hội họa và điêu khắc, từng đi ký họa tại các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị. Ông có tranh tham gia triển lãm của 12 nước xã hội chủ nghĩa được tổ chức tại Liên Xô (cũ) năm 1958.

Năm 1975, đất nước thống nhất, họa sĩ Lê Văn Xương quay vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và sáng tác. Ông qua đời tháng 10-1988. Năm 1997, ông được truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Có một dòng tranh “phố Xương” về Hà Nội

Nhắc đến dòng tranh về phố Hà Nội, nhiều người nhớ ngay đến tranh Bùi Xuân Phái với những ngõ nhỏ, phố nhỏ thâm trầm, cổ kính hình thành nên khái niệm "phố Phái". Ít người biết rằng, trước Bùi Xuân Phái, Lê Văn Xương cũng khá thành công với dòng tranh về phố Hà Nội. 

Sinh thời, hai họa sĩ kết giao bằng hữu, thường đi thưởng ngoạn phong cảnh Hà Nội và cùng nhau vẽ. Mỗi người một phong cách.

Hà Nội trong tranh của Lê Văn Xương là hiện thân của Hà Nội ba sáu phố phường với những không gian phố sáng sủa, thanh thoát, gợi cảm giác êm đềm của cuộc sống thị thành yên bình và đầy sự tĩnh lặng đến an nhiên.

 “So với Bùi Xuân Phái, Lê Văn Xương vẽ Hà Nội ở một cảm xúc khác:  Đầy sinh khí, tươi vui, trong sáng mà cũng không kém phần thâm trầm. Vẽ về Hà Nội trong những tháng năm khốn khó, lửa đạn, nhưng tranh Lê Văn Xương luôn lãng mạn, đậm chất thơ. Đây là điều hiếm có. Họa sĩ phải hiểu, phải yêu những cảnh vật ấy lắm, phải trải nghiệm tình cảm trước chúng nhiều lắm, mới “chộp” được chúng trong cái vẻ bình thản và hồn nhiên đến vậy” – nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét.

Mảng tranh vẽ Hà Nội những năm 1950-1960, trong đó, những tranh sơn dầu khổ nhỏ thể hiện phố phường đất Tràng An thanh lịch đem đến bao nỗi niềm hoài cảm cho những ai nặng lòng với một Hà Nội thời quá vãng, từng được Thạch Lam, Vũ Bằng và nhiều tác giả văn chương mô tả qua những trang tuyệt bút.

Lê Văn Xương có cách nhìn, cách thể hiện Hà Nội rất riêng biệt, với một bảng màu khác lạ so với nhiều tác giả cùng thời. Trong tranh vẽ Hà Nội, ông tả nhân vật dù với kích thước rất nhỏ nhưng thật sinh động qua trang phục, dáng điệu từng người… Bầu không khí yên bình trong tranh của ông cũng cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay.

Xem tranh của ông, ta bỗng rưng rưng khi bắt gặp đâu đó một góc phố thân quen, một con đường cũ, hàng hiên che mưa nắng rêu phong phủ bóng... qua những cái tên gợi nhớ, gợi thương như: Cổng Đình Yên Ninh, Ngõ Hàng Giấy, Ô quan chưởng, Nhà thờ Cửa Bắc, Bờ hồ Hoàn kiếm, Ngõ Huyện...

Có những bức ông vẽ khi đang sống tại Hà Nội, nhưng cũng có những bức ông vẽ khi đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Hà Nội trở thành miền ký ức lung linh, vương màu hoài niệm mà ông nâng niu, lưu giữ trên từng nét cọ.

Giới sưu tập tranh còn lưu giữ nhiều tác phẩm của Lê Văn Xương như một họa sĩ tiên phong về đề tài phố xưa của Hà Nội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Lê Văn Xương - chàng lãng tử của Hà Nội phố