Nâng cao sức cạnh tranh cho ''ngành công nghiệp không khói''

Quỳnh Dương| 19/11/2022 13:42

(HNMCT) - Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế chung trên thế giới nhằm tạo ra những nét đặc trưng, khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của từng địa phương. Nhằm nâng sức cạnh tranh cho du lịch bằng tài sản sở hữu trí tuệ, mới đây, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia đã triển khai dự án Phát triển tài sản trí tuệ cho du lịch tại đảo Bali.

Những kiến trúc mới lạ, độc đáo bằng tre nứa là điểm nhấn trong các chương trình du lịch sinh thái trên đảo Bali.

Vốn là một địa điểm du lịch nổi với tên gọi “Hòn đảo thiên đường”, Bali hấp dẫn du khách bởi những ngôi đền thờ Hindu cổ kính, các bãi biển xanh trong bên bờ cát trắng, những thửa ruộng bậc thang mênh mông, những ngôi làng truyền thống và ẩm thực đặc sắc...

Dù hằng năm Bali luôn thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế, song, để đổi mới và nâng cao sức hấp dẫn của hòn đảo, chính quyền địa phương liên tục sáng tạo và phát triển những sản phẩm du lịch mới thông qua việc cải tiến các chương trình tham quan, nâng cao chất lượng hàng lưu niệm cùng các dịch vụ đi kèm. Việc triển khai dự án phát triển tài sản trí tuệ cho du lịch tại đảo Bali từ tháng 6-2022 cũng nhằm khuyến khích khai thác một cách sáng tạo nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đặc sắc để phát triển “ngành công nghiệp không khói”.

Dự án ban đầu tập trung vào hai nội dung, gồm ẩm thực và sinh thái. Tổng Giám đốc Cục Sở hữu trí tuệ Indonesia Ir. Razilu cho biết: “Bali sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống, có thể hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch và kinh tế cả ở cấp độ khu vực và quốc gia. Cả hai nội dung được lựa chọn để thúc đẩy phát triển sản phẩm sở hữu trí tuệ đều là lĩnh vực tiềm năng, có thể giúp làm mới du lịch tại hòn đảo này. Du lịch là một phần của nền kinh tế sáng tạo, không thể tách rời tài sản trí tuệ”.

Một trong những sản phẩm trí tuệ phục vụ du lịch ra đời sau khi dự án được triển khai là chương trình trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên tại khu nghỉ dưỡng Ulaman Eco. Ẩn mình trong làng Kaba Kaba, Ulaman Eco thu hút mọi du khách muốn trải nghiệm du lịch thân thiện môi trường với dịch vụ tiện ích độc đáo như những ngôi nhà trên cây, nhà hàng, biệt thự được làm hoàn toàn bằng tre nứa...

Ruộng bậc thang Tegalalang cũng là nơi có thể phát triển sản phẩm du lịch sinh thái. Đây là những cánh đồng lúa được trồng theo kiểu subak - một hệ thống thủy lợi của người Bali. Mô hình trồng lúa này được du nhập vào Indonesia từ thế kỷ VIII. Khách du lịch có thể hòa mình với thiên nhiên và những bờ ruộng trải dài, trùng điệp. Từ ruộng bậc thang, người dân Bali đã sáng tạo ra những món đồ lưu niệm liên quan như tranh vẽ, các sản phẩm từ rơm rạ và đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ tính độc quyền để sản phẩm không bị sao chép, làm nhái.

Với du lịch ẩm thực, Bali có nhiều món ăn truyền thống có thể phát huy, tạo ra những sản phẩm trí tuệ thu hút khách du lịch như món cơm Jinggo được nấu từ một loại gạo đặc biệt ở Bali. Sau khi chín, cơm được chia thành từng nắm nhỏ, ăn kèm với các loại thịt, gia vị, nước xốt. Hay món Bebetu được làm từ gà, vịt. Sau khi nhồi hỗn hợp gia vị như hẹ, tỏi, gừng, ớt, đậu phộng, gà và vịt sẽ được ướp khoảng 8 giờ, sau đó đem hấp hoặc nướng. Đây là món ăn mà hầu hết du khách đều muốn thử. Các nhà quản lý du lịch cho rằng, hệ thống ẩm thực phong phú của Bali sẽ là cơ sở để xây dựng nhiều chương trình du lịch cũng như các sản phẩm sáng tạo.

Ngoài hai lĩnh vực nói trên, Bali còn rất nhiều sản phẩm hữu ích cho việc phát triển du lịch. Theo ông Ir. Razilu, các sản phẩm sáng tạo của Bali có thể đăng ký sở hữu trí tuệ gồm đồ thủ công bằng bạc của Celuk, Gianyar; chế biến muối truyền thống ở Amed, Karangasem, Kusamba, Klungkung và các đồn điền cà phê của Kintamani, Bangli. Tất cả những sản phẩm đó được đăng ký sở hữu trí tuệ với Chính phủ để bảo vệ quyền sử dụng và đóng góp vào sự phát triển du lịch, kinh tế địa phương.

Ông Ir. Razilu cho rằng, ngoài khuyến khích sáng tạo các sản phẩm trí tuệ, dự án còn nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mà người dân địa phương tạo ra để phát triển du lịch. “Hầu hết những người làm du lịch không thực sự hiểu tầm quan trọng của đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do mình sản xuất. Chính vì vậy, một thực tế đáng buồn là có tới 800 họa tiết trên các tác phẩm bằng bạc ở Bali đã được đăng ký sở hữu trí tuệ bởi các doanh nhân nước ngoài. Điều này có nghĩa, các nghệ nhân Bali không thể sử dụng những họa tiết nói trên cho những tác phẩm chế tác sau này, dù đó chính là họa tiết mà họ sáng tạo ra”.

Tương tự như việc gìn giữ tài sản, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch được sáng tạo ra cũng là một công cụ đắc lực trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch trong lòng khách hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao sức cạnh tranh cho ''ngành công nghiệp không khói''