MAOUDC - lá chắn ngầm bảo vệ Tokyo khỏi bị ngập lụt

Thu Hằng| 19/07/2022 11:48

(NSHN) - Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) tương đối hẹp và đông dân cư. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng cùng hoạt động khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến một số khu vực của thành phố bị sụt lún. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tần suất các trận bão lũ.

Hệ thống MAOUDC giúp Tokyo đối phó với lũ lụt.

Để ngăn lũ lụt, Chính phủ Nhật Bản đã thiết kế một công trình thoát nước quy mô lớn dưới lòng đất, có chức năng như một chiếc phễu, giúp đưa lượng nước lớn thoát ra ngoài để bảo vệ thành phố trước thủy thần.

Nằm ở độ sâu 22m dưới lòng đất, công trình ngầm chống ngập này có tên đầy đủ là Kênh xả nước ngầm khu vực đô thị (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel - MAOUDC). Đây là công trình phòng, chống lũ lụt lớn nhất thế giới, được cho là lá chắn ngầm bảo vệ Tokyo khỏi bị ngập lụt. 

Công trình được xây dựng ở thành phố Kasukabe, tỉnh Saitama (thuộc Vùng thủ đô Tokyo), khởi công năm 1992 và hoàn thành năm 2006 với tổng chi phí 230 tỷ yên (2,2 tỷ USD).

Chiếc giếng khổng lồ này đủ lớn để chứa một tàu con thoi hoặc tượng Nữ thần Tự do.

MAOUDC gồm 5 hầm chứa bằng bê tông cao 70m, đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km. Cùng với đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m. Bể kiểm soát tối quan trọng này được gọi là “Pantheon” (Ngôi đền) do có 59 cột trụ lớn, mỗi cột rộng 2m và tổng trọng lượng nặng 500 tấn nâng đỡ khiến nó trông giống như điện thờ một vị thần Hy Lạp và được kết nối với 10 máy bơm công suất lớn. 

Khi mực nước của các sông Nakagawa, Kuramatsu, Oroko Tone, Kênh 18 và sông Komatsu gần đó dâng cao, nước sông sẽ được đưa về 5 hầm chứa hình trụ khổng lồ của MAOUDC. Sau đó, nước trong các trụ sẽ chảy qua hệ thống đường hầm dẫn đến sông Edo, nơi có đường thủy rộng, để xả lũ và điều tiết mực nước. Nước đổ ra sông qua hệ thống 6 cửa xả. Kích thước một cửa xả nước đủ để một chiếc tàu điện ngầm có thể chạy qua.

Cơ chế MAOUDC (Graphics: New Economy).

MAOUDC hoạt động khoảng 7 lần mỗi năm, đặc biệt trong mùa mưa bão từ tháng 6 đến cuối tháng 10 tại Nhật Bản. Nước sẽ tự động chảy vào hệ thống và sẽ được bơm ra khỏi bể chứa chính khi đủ sức chứa.

Với hệ thống MAOUDC, Tokyo chủ động trong việc bơm nước mưa ra sông để chống ngập lụt khi cần thiết. Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống thoát nước này có thể xử lý được lượng mưa trên 550mm liên tục trong 3 ngày - lượng mưa sẽ gây ngập các ga tàu điện ngầm nếu không xử lý.

Khách tham quan chụp ảnh cùng hệ thống MAOUDC.

Sự ra đời của hệ thống MAOUDC đã giúp Tokyo có thể giảm tới 90% thiệt hại do mưa lũ trong khu vực gây ra. Các nghiên cứu chính thức cho thấy, tới nay, hệ thống này đã giúp Nhật Bản tiết kiệm tới 148 tỷ yên tiền khắc phục thảm họa.

Khi không vận hành, hệ thống MAOUDC mở cửa đón khách tham quan. Đây cũng được coi là một biện pháp để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý thảm họa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
MAOUDC - lá chắn ngầm bảo vệ Tokyo khỏi bị ngập lụt