Paris - hình mẫu đặc biệt về quy hoạch đô thị bên sông

Quỳnh Dương| 16/05/2021 06:25

(HNNN) - Là thành phố được hình thành từ thế kỷ VI, trải qua nhiều biến động của lịch sử, song Paris luôn là hình mẫu mà nhiều đô thị hướng đến. Từ đồ án cải tạo đô thị quy mô lớn của luật sư Georges Eugene Haussmann vào cuối thế kỷ XIX đến những quy hoạch mang tính kế thừa sau này đã mang đến cho thủ đô nước Pháp nằm ở đôi bờ sông Seine một vẻ đẹp hoa lệ, lãng mạn đến ngỡ ngàng và trở thành hình mẫu đặc biệt về quy hoạch đô thị hai bên bờ sông.

Một góc thành phố Paris nhìn từ trên cao.

Thành phố Paris mà chúng ta biết ngày hôm nay là kết quả của một đồ án quy hoạch, hay đúng hơn là một dự án cải tạo đô thị do luật sư Georges Eugene Haussmann đứng đầu vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Năm 1853, chỉ 1 năm sau khi trở thành vua nước Pháp, Napoleon III đã triệu hồi Georges Eugene Haussmann, lúc đó 44 tuổi, về Paris để giao cho chức vụ Giám đốc quản lý thành phố, đảm nhiệm việc cải tạo lại toàn bộ thủ đô. Đội ngũ chính của ông bao gồm kỹ sư Eugene Belgrand phụ trách mảng cấp và thoát nước, kỹ sư Adolphe Alphand phụ trách thiết kế cảnh quan và nhà làm vườn Jean-Pierre Barillet-Deschamps phụ trách về cây xanh. Tất cả đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ.

Thời điểm đó, Paris vẫn là một đô thị trung cổ chật chội với nhà cửa lộn xộn và đường phố hẹp. Bên cạnh đó, phần lớn thành phố nằm trên một vùng đất thấp bên bờ phải sông Seine nên thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Hệ thống thoát nước yếu kém và có tới 40% căn nhà trong thành phố không kết nối với hệ thống này khiến cho mỗi khi ngập lụt, nước thải chảy tràn trên đường gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật nghiêm trọng. Cùng lúc đó, cách mạng công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn nông dân di cư ra thành phố trong khi hệ thống hạ tầng đô thị yếu kém và ngành vệ sinh dịch tễ chưa ra đời. Paris trở thành đô thị với nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng và môi trường sống.

Một trong những công việc đầu tiên mà Georges Eugene Haussmann thực hiện là vẽ bản đồ chi tiết thành phố Paris. Ông cho dựng những cây cột gỗ có kích thước cao hơn các công trình xung quanh để tạo thành các điểm khảo sát. Chi tiết được mô tả trên một bản đồ tỷ lệ 1:5000 có kích thước 3,7m x 4,5m. Theo quan điểm của Georges Eugene Haussmann, một thành phố vĩ đại cần một môi trường sống lành mạnh trước khi cần những công trình hoành tráng. Do đó, ông đã chọn y tế công cộng chứ không phải kiến trúc là trung tâm của đồ án quy hoạch cải tạo Paris. Thoát nước thải và chống ngập hiệu quả, cung cấp đủ nước sạch, thắp sáng đường phố, bố trí đủ nghĩa trang và xây dựng công viên là những mục tiêu đầu tiên được đặt ra.

Ba vấn đề cấp bách đối với hệ thống thoát nước thải của Paris là gia tăng quy mô, chống tràn ngược và chuyển cửa xả khỏi thành phố và tránh xa nguồn nước sinh hoạt. Haussmann đã cho xây dựng một hệ thống thoát nước dưới lòng đường và gom nước thải vào hai cống lớn trong khu trung tâm trước khi thoát ra hạ lưu sông Seine, nằm xa về phía Tây Bắc thành phố. Hệ thống cống gom này đủ lớn để con người có thể dễ dàng di chuyển và thực hiện công việc bảo dưỡng trong lòng cống. Hệ thống thoát nước này sau đó trở thành mẫu mực trên thế giới và phần lớn hệ thống vẫn hoạt động tốt cho tới hôm nay.

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng môi trường sống, bản quy hoạch Paris của Haussmann thiết lập nhiều công viên công cộng mới và có quy mô lớn khắp Paris như một “liều thuốc giải độc” cho một thành phố đông người và chật chội. Bản quy hoạch phân bố đều các công viên ra các khu vực khác nhau của thành phố. Bên cạnh những công viên lớn, Haussmann cũng xây dựng nhiều công viên nhỏ trong các khu dân cư. Trong vòng chưa đầy 20 năm, diện tích mảng xanh của thành phố tăng gấp 10 lần, đạt tổng diện tích 1.800ha.

Về giao thông, quy hoạch cải tạo do Haussmann đề xuất nhấn mạnh vào đường vành đai rộng và các trục đại lộ. Lấy sông Seine làm trung tâm, nhiều cây cầu đã được xây dựng để kết nối hai bờ, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Kế thừa những lợi ích to lớn từ bản quy hoạch cải tạo của Haussmann, các chính quyền thành phố Paris sau này dù triển khai nhiều dự án xây dựng và cải tạo, song vẫn dựa trên nền tảng do ông để lại. Vì thế, thành phố ngày nay là sự kết hợp tinh tế giữa những kiến trúc cổ kính và hiện đại. Đặc biệt, trong quá trình phát triển đô thị, chính quyền Paris luôn chú trọng phát triển các không gian xanh gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí phát thải, đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế.

Những khu đô thị thông minh tại Paris và vùng phụ cận được bố trí xây dựng, sắp xếp một cách hài hòa, gần gũi với thiên nhiên với những công nghệ tiên tiến. Đáng chú ý là những khu sinh thái gần kề sông Seine như Clichy-Batignolles, bao gồm những tòa nhà với những bức tường xanh kết hợp công nghệ tái tạo các nguồn năng lượng và một công viên rộng tới 10ha; Khu phố sinh thái Austerlizt là những tòa nhà dành cho văn phòng. Điểm độc đáo của công trình này là các phần giống như những hình khối ghép chồng nhau, lắp đặt những trang thiết bị thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và gần gũi trong không gian văn phòng làm việc cũng như mở tầm nhìn bao quát gần như toàn cảnh thành phố Paris. Trong lòng đất phía dưới khu phố này là hệ thống đường tàu điện luôn nhộn nhịp với những con tàu ngày đêm ra vào ga Austerlizt.

Theo các nhà quy hoạch, Paris là một quần thể hoàn hảo, được tạo nên bởi những đại lộ dài hun hút, những tượng đài, cung điện và công trình kiến trúc hoành tráng mà vô cùng tinh tế. Tất cả kết hợp với nhau hài hòa như bức tranh của một nghệ sĩ tài hoa. Đây cũng được xem như một hình mẫu đặc biệt và độc đáo về quy hoạch đô thị hai bên bờ sông mà chính tài năng lỗi lạc cùng với tầm nhìn vượt thời đại của những con người như Haussmann đã làm nên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Paris - hình mẫu đặc biệt về quy hoạch đô thị bên sông