Kinh nghiệm bảo tồn dân ca ở nước bạn Lào

Hảo Nguyễn| 01/08/2019 14:13

(HNMCT) - Nước bạn Lào có trên 6 triệu dân, khoảng 46 bộ tộc, tạo thành nền văn hóa phong phú về tiếng nói, văn học, nghệ thuật... Nhân dân các bộ tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ở “đất nước triệu voi” đã thu được nhiều thành quả to lớn.

Điệu múa truyền thống Lào.

Dân ca như nước uống, cơm ăn, hơi thở

Lào được gọi là đất nước lễ hội vì có rất nhiều lễ hội trong năm. Người Lào gọi lễ hội là “bun” (nghĩa là phúc - lễ hội là làm phúc, chúc phúc cho mình và cho mọi người). Vì lẽ đó, lễ hội là một cách thức kết nối cộng đồng rất hiệu quả. Trong các lễ hội, nội dung biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống luôn là phần nổi bật nhất.

Với người dân các bộ tộc Lào, dân ca như nước uống, cơm ăn, hơi thở. Vì thế, người Lào tự đúc kết tính cách Lào nổi bật là “Khôn Lào mặc muôn” (Người Lào thích vui). Không có khoảng cách giữa người biểu diễn và người xem vì tất cả cùng hòa vào không khí lễ hội, một khán giả có thể nhanh chóng chuyển thành một vũ công, một nghệ sĩ không chuyên cùng biểu diễn với các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Dân ca Lào rất phong phú, có nhiều loại và mỗi loại mang sắc thái riêng của từng miền, từng dân tộc, từng địa phương nhưng đều rất giàu âm điệu và được phổ biến rộng rãi. Vì thế, người Lào dù sống ở đâu cũng đều biết đến các loại hình dân ca trên đất nước mình như lăm, khắp, kạp, ăn nẵng xử...

Lăm là các loại hình dân ca phổ biến nhất, được yêu thích nhất. Lăm có nhiều loại nhưng tập hợp thành hai nhóm là Lăm xẳn và Lăm nhao. Lăm xẳn là những bài ca ngắn, sáng tác ứng khẩu nhằm diễn đạt tâm tư, tình cảm. Lăm xẳn có các tiểu loại là: Lăm loòng (âm điệu ngân dài, bổng trầm), Lăm vay (ở Trung Lào, nhịp điệu sôi nổi), Lăm tạy (hay Lăm xỉphăn đon, ở Nam Lào, âm điệu dịu dàng, uyển chuyển), Lăm tắt (nhịp điệu êm ái, trầm bổng, mở đầu là tiếng “ồ” ngân dài và tiếng hò reo đế theo), Lăm tơi (hay Lăm tỡi, nhịp điệu sôi nổi, dồn dập, là loại lăm phổ biến nhất của Lào, được biểu diễn bởi một trai và một gái, vừa hát vừa múa theo điệu khèn). Còn Lăm nhao là những bài trường ca, được sáng tác chủ yếu bởi những nghệ nhân. Trong các bài Lăm, nhiều thể loại thơ được sử dụng để làm sinh động nội dung diễn tả.

Ngoài Lăm, người Lào còn biểu diễn nhiều loại hình ca múa nhạc khác như Khắp (phổ biến ở Bắc Lào, là những khúc ca ngắn giống các điệu hò), Xỡng (dân ca đơn giản, thường kèm theo múa), Ăn nẵng xử (đọc diễn cảm, ngâm vịnh theo nội dung bài thơ, câu chuyện), I kê la khon (ca nhạc kịch cổ), Loọng phêng (những bài hát mới hoặc được tách từ I kê la khon). Về múa, các loại hình múa dân gian phổ biến nhất là múa Bẵng phay, Lăm phen, Xỉ nuôn, Cò thạt, Đoọc bua (hoa sen). Khi múa hát, người Lào sử dụng nhiều nhạc cụ như Khen (khèn bè), Koong (trống), Koong tũng (trống cơm)...

Phát huy sức mạnh quy ước của cộng đồng

Đáng chú ý là người Lào từ xưa không chỉ thích vui mà còn luôn có ý thức sống vui nhưng không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Họ luôn nêu cao tinh thần tự quản lý bằng những quy định được thống nhất trong cộng đồng và cùng nhau thực hiện. Đó là tục tổ chức 12 ngày lễ hội trong năm, quy định tục tổ chức lễ làng, 15 điều quy định... 

Trong thời hiện đại, bên cạnh việc tiếp tục phát huy hiệu quả quản lý bằng các quy ước của cộng đồng, công tác quản lý văn hóa ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào còn được thực hiện bởi một hệ thống với phân cấp rõ ràng, gắn với quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Tất cả đều hướng vào mục tiêu phủ kín phong trào hoạt động văn hóa. Trong các giải pháp có giải pháp quan trọng là chăm lo hạt nhân, tức là các nghệ nhân giỏi nghề, có khả năng tập hợp, trao truyền các bài dân ca, sáng tác lời mới dựa trên các làn điệu cổ truyền... Cụ thể, cả chính quyền và cộng đồng xã hội đều ưu ái chăm lo cho những người có công lớn trong việc sưu tầm, phổ biến và nâng cao các làn điệu dân ca là các mỏ lăm (ca sĩ) và mỏ khen (nhạc công, thổi khèn bè). Họ là nòng cốt trong việc duy trì và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng vì vừa có thể sáng tác vừa trực tiếp biểu diễn, tổ chức trao truyền các bài hát, điệu múa, các ngón nghề nghệ thuật biểu diễn độc đáo của các dân tộc Lào...

Trong chủ trương quản lý văn hóa nói chung của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có nội dung quan trọng là bảo tồn và phát huy nền văn hóa các dân tộc theo hướng đa chủ thể, bảo đảm sự bình đẳng của tất cả các chủ thể khi tham gia các hoạt động văn hóa. Còn trong nội dung cụ thể là quản lý di sản văn hóa dân tộc, cả hai hình thái di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều được chú trọng. Vì thế, người Lào tự tin rằng, dân ca Lào có thể tiếp tục được lưu truyền lâu dài, giúp người Lào không chỉ thích vui mà còn được tận hưởng niềm vui do chính mình tạo ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm bảo tồn dân ca ở nước bạn Lào