Xuân về trên đất Phù Tang

Thu Hằng| 21/03/2019 11:15

(NSHN) - Mùa xuân, hoa anh đào với vẻ đẹp thuần khiết và nhẹ nhàng đã làm chiếc cầu nối giúp Nhật Bản xích lại với cộng đồng thế giới, truyền đi thông điệp về một đất nước tươi đẹp và yêu hòa bình.

(NSHN) - Mùa Xuân, hoa anh đào với vẻ đẹp thuần khiết và nhẹ nhàng đã làm chiếc cầu nối giúp Nhật Bản xích lại với cộng đồng thế giới, truyền đi thông điệp về một đất nước tươi đẹp và yêu hòa bình.

Hoa anh đào bên tháp truyền hình Tokyo


Lần đầu tiên, tôi đến Tokyo vào một ngày cuối tháng Hai có tuyết rơi dày trắng xóa. Suốt dọc con đường từ sân bay về khách sạn, tôi thấy những bông tuyết trắng bám đầy trên những tán cây cổ thụ không hoa cũng chẳng có lá. Thế nhưng chỉ một tuần sau đó, trên truyền hình và báo chí Nhật Bản bỗng phát lên những bản tin căng tràn sức sống – bản tin về sự ấm dần lên của thời tiết và xuất hiện những chấm màu hồng dự báo thời điểm nở bung của hoa anh đào trải dài từ Nam đến Bắc Nhật Bản. Người Nhật tươi tỉnh hẳn ra, họ nói cười khi hướng ánh mắt về phía những cây cổ thụ trơ trụi đầy mong chờ.

Và rồi một buổi sáng ngủ dậy, tôi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của Tokyo: Vô vàn những bông hoa trắng muốt, hồng hào, thắm thiết đậu trên những cây cổ thụ trụi lá hôm nào… Tôi biết, thế là mùa xuân đã về trên đất Phù Tang.

Nhẹ bước trên bất kỳ con đường, góc phố nào ở Tokyo cũng bắt gặp những cây hoa anh đào (sakura) bung nở rợp trời.


Nhật Bản đón năm mới chính thức theo lịch dương nhưng năm tài chính của đất nước này lại khởi đầu vào cuối tháng Ba. Đây cũng chính là khoảng thời gian hoa Sakura đạt đến độ “mãn khai” tức là nở rộ đẹp nhất.

Người Nhật yêu hoa một cách trân quý, đặc biệt là hoa anh đào, không chỉ bởi đây là loài hoa mang trong mình tinh thần võ sĩ đạo mà vì nó còn là biểu tượng, là đặc trưng của văn hóa Nhật Bản với sức sống mãnh liệt: Dù ở hoàn cảnh khốn cùng, khắc nghiệt nhất vẫn luôn phải vươn lên, không bao giờ đầu hàng số phận.

Nhật Bản từ lâu được coi là xứ sở hoa anh đào


Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản hoang tàn bởi bom đạn, hoa anh đào càng được coi là biểu tượng của một đất nước đau thương nhưng vững vàng với tinh thần đoàn kết, không ngại gian khổ, phấn đấu hết mình cho công cuộc tái thiết dựng xây.


Không gian hoa anh đào bên các khối cao ốc

Từ một nước không có tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ vào năm 1968. Nhiều người Nhật nói rằng, khi ấy, giữa cảnh hoang tàn, đói khát sau chiến tranh, họ tưởng chừng gục ngã. Nhưng vẻ đẹp rực rỡ của hoa anh đào đã tiếp cho họ thêm sức mạnh, và họ đồng lòng cùng nhau để vực dậy một nước Nhật như ngày hôm nay. Người Nhật đã chứng minh cho thế giới rằng, nếu biết phát huy sức mạnh của từng cá nhân, biết liên kết vạn người như một thì sức sống mãnh liệt ấy sẽ trở thành tài sản vô cùng quý báu.

Và hoa anh đào trở thành sứ giả hòa bình. Nước Nhật tặng hoa anh đào cho nhiều quốc gia trên thế giới như một cách để thể hiện mong muốn được chung sống hòa bình.

Năm nay, hoa anh đào Nhật Bản nở sớm là do trong suốt tháng 10 thời tiết ấm áp khiến chồi non của cây có thêm dinh dưỡng tồn tại trong mùa đông, đẩy nhanh thời gian hoa nở. Cư dân tại tỉnh Kochi là những người đầu tiên được ngắm hoa anh đào tại đất nước võ sĩ đạo vào ngày 18-3.


Cao điểm mùa hoa anh đào Nhật Bản thay đổi theo mỗi năm, phụ thuộc vào thời tiết. Anh đào nở sớm nhất ở Okinawa vào đầu tháng Giêng cho đến tận tháng Năm ở Hokkaido. Nhưng thời điểm hoa anh đào khoe sắc rực rỡ nhất ở tất cả mọi nơi trên đất Nhật thường vào khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư.

Người dân chèo thuyền phía dưới những tán anh đào đẹp mắt


Vào thời gian này, các loại xe cộ đi chậm lại cho du khách ngắm hoa dọc đường, các du thuyền thả trôi lững lờ theo dòng nước soi bóng ngập tràn hoa. Những người già yếu, tàn tật không đi được, các em bé ẵm ngửa được đẩy chầm chậm trên xe về phía các gốc hoa. Người dân Nhật thường dành một ngày hoa anh đào nở đẹp nhất để đưa gia đình đi dã ngoại, thưởng hoa.

Cảnh tượng nên thơ với những nhành anh đào mọc vươn ra hồ từ hai bên bờ


Trong tiết trời vẫn còn tàn dư hơi lạnh của mùa Đông, dưới những tán mây hoa quyến rũ, sakura tung lượn trong gió mang theo mùi hương ngọt ngào dịu dàng, nam phụ lão ấu cùng gia đình, bè bạn, đồng nghiệp quây quần bên nhau, ăn những món ngon, nhấm nháp rượu sake cay nồng... Người Nhật gọi đó là Hanami (ngắm hoa). Đây là một lễ hội lớn, có lịch sử cả ngàn năm và được coi là quốc lễ của người Nhật.


Thật dễ dàng hòa mình vào lễ hội Hanami ở bất cứ nơi đâu trên đất Phù Tang. Tại Tokyo, du khách có thể ngắm hoa ở công viên Ueno-onshi-koen, công viên Sumida, công viên Yoyogi, công viên Asukayama, sông Meguro, công viên Inokashira, Koishikawa Korakuen, vườn thực vật Koishikawa, công viên tưởng niệm Showa, công viên Koganei, núi Takao…

Lễ hội ngắm hoa Hanami


Tổ chức lễ hội Hanami, vui chơi ăn uống với nhau dưới những tán hoa anh đào cũng là một cách mà nhiều người Nhật làm mới lại bản thân, thoát khỏi sức ép của cuộc sống đầy áp lực tại một xã hội công nghiệp luôn đòi hỏi đầy khắc nghiệt. Với du khách, vượt trên ý nghĩa của một thú vui tao nhã, lễ hội ngắm hoa anh đào vào mùa xuân ở Nhật Bản là cả nghệ thuật thụ hưởng cuộc sống khi con người hòa vào vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về trên đất Phù Tang