Làng lưới đánh cá duy nhất giữa lòng Thủ đô

Minh Phú| 15/03/2023 14:49

(NSHN) - Không giáp biển cũng chẳng gần sông nhưng từ hàng trăm năm qua, người dân thôn Trần Phú, xã Minh Cường (huyện Thường Tín) làm nghề đan lưới đánh cá. Đây là làng nghề duy nhất ở Hà Nội sản xuất lưới đánh cá, được UBND thành phố công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống năm 2012.

Sản xuất lưới đánh cá tại gia đình ông Phạm Quang Viễn, thôn Trần Phú (xã Minh Cường).

Nghề sản xuất lưới ở thôn Trần Phú tương truyền có từ thế kỷ XIV do Thánh mẫu Trần Thị A truyền dạy cho người dân để đánh bắt cá, tôm mưu sinh. Trải qua hàng trăm năm, nghề đan lưới nay vẫn được các thế hệ người dân Trần Phú gìn giữ, phát triển. Dù không gần vùng biển, gần sông lớn nhưng Trần Phú vẫn là làng nghề lưới đánh cá nổi tiếng Việt Nam.

Anh Phạm Quang Vinh, một người sản xuất lưới đánh cá ở Trần Phú tâm sự: Trước đây, để làm ra một tấm lưới đánh cá, người dân phải làm hoàn toàn thủ công từ khâu se sợi tơ, sợi gai rồi đan lại với nhau. Khi tấm lưới hoàn thành, tiếp tục thắt phao, kẹp chì mới hoàn thành một chiếc lưới đánh cá. Vì làm thủ công như vậy nên để đan được mỗi tấm lưới đòi hỏi rất nhiều công lao động. Song, hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên chúng tôi sử dụng các loại lưới ni lông do nhà máy dệt sẵn, có độ bền, chắc. Từ tấm lưới đó, chúng tôi cắt rồi may theo định hình của mỗi loại lưới đánh tôm, đánh cá khác nhau… Nhờ vậy mà tiết kiệm rất nhiều nhân lực và năng suất, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn.

Ở thôn Trần Phú, gia đình ông Phạm Quang Viễn có thâm niên sản xuất lưới đánh cá lâu năm với sản phẩm chủ lực là lưới lồng, lưới bát quái... “Xưởng sản xuất của gia đình tôi có hơn 10 lao động làm việc trực tiếp. Ngoài ra, nhà tôi cung cấp nguyên liệu cho hơn 20 đầu mối trong và ngoài thôn về chia cho các hộ gia công tại nhà. Nhờ nghề này, có những năm gia đình tôi kiếm được tiền tỷ”, ông Viễn nói.

Từ những tấm lưới lớn, người dân thôn Trần Phú (xã Minh Cường) cắt may thành những chiếc lưới đánh cá.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Trần Phú Đinh Thị Phương, thôn có hơn 900 hộ dân thì có đến 90% số gia đình có người tham gia làm nghề đan lưới. Trong đó, có khoảng 40 cơ sở sản xuất quy mô vừa và lớn; còn lại các hộ tham gia vào công đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm lưới cước và các mặt hàng khác… Nếu như trước kia, lưới Trần Phú chủ yếu phục vụ nhu cầu đánh bắt cá, tôm thì ngày nay, nhiều hộ gia đình trong thôn còn dùng lưới để sản xuất các thiết bị thể thao như lưới cầu môn bóng đá, bóng rổ, lưới giàn leo cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, che chắn chuồng trại trong chăn nuôi hay các công trình xây dựng khác…

Đặc biệt, từ năm 2012, khi thôn Trần Phú được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Làng nghề truyền thống, xã Minh Cường đã có phương án thường xuyên nâng cao hiệu quả sản xuất làng nghề; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng quỹ phát triển làng nghề; tổ chức tập huấn, liên kết giữa các hộ sản xuất, kinh doanh tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm dịch vụ hấp dẫn.

Nghề sản xuất lưới đánh cá đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Cùng với cách bán hàng truyền thống, người làng nghề đã áp dụng thêm hình thức thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Thống kê của xã Minh Cường cho thấy, hiện có 66 cơ sở sản xuất ở xã bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như Zalo, Facebook, Shopee…  Sản phẩm lưới đánh cá của địa phương được tiêu thụ từ Hải Phòng đến Nam Định, Thái Bình, vào cả thành phố Hồ Chí Minh… Nghề đã mang lại thu nhập cho các hộ ước đạt khoảng 400 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Minh Cường Trịnh Hùng Sơn dẫn chứng: Ngay cả trong những thời điểm khó khăn của dịch Covid-19 (năm 2021, 2022) thì sản xuất và kinh doanh lưới tại làng nghề Trần Phú vẫn duy trì ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung chỉ đạo, đầu tư phát triển làng nghề, đưa làng nghề trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của xã, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Làng nghề là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Minh Cường.

Ngoài phát triển làng nghề truyền thống, toàn xã Minh Cường có 20 công ty vừa và nhỏ, khoảng 500 hộ gia đình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho 96,7% lao động địa phương. Xã cũng có 270ha đất sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, Minh Cường đã chuyển đổi được hơn 85ha sang mô hình lúa - cá. “Vụ chiêm bà con cấy lúa. Thu hoạch lúa xong thì giữ nguyên gốc rạ, tháo nước vào để thả cá. Cá sẽ ăn ốc, gốc rạ và lúa chét nên tiết kiệm được chi phí thức ăn. Làm lúa - cá thu nhập đạt khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm”, Chủ tịch UBND xã Minh Cường Trịnh Hùng Sơn cho biết.

Nhờ phát huy hiệu quả nghề truyền thống bên cạnh nghề nông, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Minh Cường xấp xỉ 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,9%. Mới đây, xã Minh Cường được Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng lưới đánh cá duy nhất giữa lòng Thủ đô