Ươm “hạt giống đỏ” dưới chân núi Tản

Nhật Minh| 25/11/2022 05:59

(HNMCT) - Đưa bà con người Dao đến với Đảng - một hành trình đầy ý nghĩa và không ít gian nan nhưng đã đơm bông kết trái rực rỡ trong đồng bào Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) kể từ khi “hạ sơn, quần cư” dưới chân núi Tản Viên. Những “hạt giống đỏ” ấy đang tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới nơi rẻo cao Ba Vì hôm nay.

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Trạm Y tế thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì tổ chức tháng 8-2022. Ảnh: Lâm Nguyễn

Đảng viên đi trước

Nói đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nội, ai cũng biết chỉ duy nhất xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có bản người Dao dưới chân núi Tản Viên. Và nói đến công tác phát triển Đảng ở cơ sở, ai cũng hiểu hành trình đưa người Dao đến với Đảng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, như ông Dương Trung Liên, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Ba Vì chia sẻ: “Đảng bộ xã Ba Vì nhận thức ươm mầm “hạt giống đỏ” là nhiệm vụ quan trọng nên luôn quan tâm, lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng”.

Thế nên, câu chuyện phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Dao bắt đầu từ những năm 1946, thời điểm xã Ba Vì còn thuộc Tiểu khu miền núi huyện Bất Bạt (tỉnh Hà Tây cũ). Thế nên, từ một chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập chỉ với 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ xã Ba Vì đã phát triển thành 8 chi bộ trực thuộc, với tổng số 172 đảng viên đang sinh hoạt. Đáng chú ý, giai đoạn 2015 - 2020, công tác phát triển đảng viên mới của Đảng bộ xã Ba Vì luôn đạt và vượt chỉ tiêu mà Đảng bộ huyện Ba Vì đặt ra. Ông Dương Trung Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, Đảng bộ xã Ba Vì đã kết nạp 5 quần chúng ưu tú vào Đảng. Các thế hệ đảng viên dân tộc Dao ở xã Ba Vì đã và đang nỗ lực để phát huy tốt nhất vai trò, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương”.

Có thể thấy, khoảng cách địa lý khiến việc tiếp cận thông tin, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở nơi này còn nhiều hạn chế. Trong hoàn cảnh đó, vai trò của người đảng viên đã trở nên hết sức đắc dụng khi mỗi đảng viên được coi là một tuyên truyền viên trong phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào vùng dân tộc với mục tiêu trước tiên là xây dựng khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại địa phương.

Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đảng viên người Dao còn tích cực vận động đồng bào mình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn làng văn hóa”... Không thể không nói đến quãng thời gian 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đảng viên luôn đi đầu, làm gương. Anh Dương Kim Duy, Phó Bí thư Chi đoàn thôn Hợp Nhất, đã vận động đoàn viên, thanh niên trong thôn tích cực tham gia tổ giám sát cộng đồng, cùng đại diện các tổ chức hội, đoàn thể, dưới sự dẫn dắt của Chi bộ thôn, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, thực hiện.

Bên cạnh đó, các đảng viên người Dao tại xã Ba Vì còn gương mẫu tích cực trong phát triển kinh tế địa phương. Anh Triệu Sinh Viễn (sinh năm 1993, ở thôn Yên Sơn) là một điển hình. Phát huy truyền thống gia đình, anh Viễn đẩy mạnh sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây thuốc Nam. Anh đã nghiên cứu, phối trộn nhiều loại nguyên liệu để nấu cao, tạo sản phẩm thuốc Nam tiện dụng cho người tiêu dùng. Anh Viễn cũng chủ động tiếp cận với các kênh thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Bên cạnh nghề làm thuốc Nam vốn là truyền thống của người Dao, nhiều đảng viên người Dao còn đầu tư trồng chè xanh, dong giềng, cây bương, cây tre... kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Như anh Dương Kim Liêm (thôn Hợp Nhất) đã mở rộng chuồng trại trên diện tích hơn 1ha để phát triển đàn lợn hàng trăm con, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình...

Không giấu được niềm vui, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, những năm qua, cơ cấu kinh tế của xã Ba Vì tiếp tục chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Toàn xã hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 1,8% tổng số hộ toàn xã (theo chuẩn nghèo đa chiều mới). Đầu năm 2022, xã Ba Vì vinh dự đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới do UBND thành phố Hà Nội trao tặng. Trong thành quả đó có sự 
tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đảng viên người dân tộc Dao.

Chưa hết gian nan

Dù công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song, thẳng thắn nhìn nhận, hành trình đưa người Dao đến với Đảng vẫn còn nhiều gian nan.

Cho đến nay, xã Ba Vì vẫn là địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn nhất của Hà Nội. Do đời sống nhiều khó khăn nên đồng bào Dao gần như chỉ chú tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, ít dành thời gian tham gia các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. Cũng chính cuộc mưu sinh nhiều gian khó đó mà việc học tập của con em đồng bào Dao chưa được quan tâm đúng mức. Thế nên, trong cộng đồng người Dao ở xã Ba Vì có không ít trường hợp quần chúng tích cực, được nhân dân yêu mến, chính quyền tín nhiệm, nhưng lại không thể kết nạp Đảng do không bảo đảm các tiêu chí cần có.

Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong đồng bào Dao tại xã Ba Vì được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thực hiện thường xuyên nhằm củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên. Thế nên, dù khó khăn, Đảng bộ xã Ba Vì và Huyện ủy Ba Vì xác định luôn đặc biệt quan tâm, ươm những “hạt giống đỏ” trong đồng bào Dao. Trước tiên, Đảng bộ xã Ba Vì chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cố gắng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như nghe, nói chuyện thời sự, thông tin qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Địa phương cũng đặt báo, tạp chí về xây dựng Đảng để phát miễn phí cho cấp ủy chi bộ cơ sở... Bên cạnh đó là tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể tổ chức các cuộc sinh hoạt chi bộ tập trung, Đảng ủy xã Ba Vì đã triển khai quán triệt các nghị quyết thông qua nhóm zalo. Bí thư Chi bộ thôn Hợp Nhất Triệu Đức Thanh cho biết: “Cùng với đa dạng hình thức sinh hoạt, Chi bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên”.

Cũng dành mối quan tâm đặc biệt cho “bản Dao” nên Đảng bộ huyện Ba Vì thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở để có các giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm thúc đẩy mạnh phát triển Đảng trong đồng bào Dao. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Vì Phùng Tân Nhị cho biết, riêng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành 1 nghị quyết chuyên đề, 1 kế hoạch, 1 thông tri, 1 chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, xã Ba Vì nói riêng. Ngoài các văn bản chỉ đạo riêng cho xã Ba Vì và 6 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Đảng bộ huyện Ba Vì khóa XXIII đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2020 - 2025”, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bằng các đề án, kế hoạch công tác.

Hơn thế, để đẩy mạnh phát triển Đảng trong đồng bào Dao nói riêng, vùng dân tộc thiểu số của huyện nói chung, Ban Thường vụ Huyện ủy còn phân công các đồng chí trong Thường vụ phụ trách từng cơ sở Đảng. Trên cơ sở đó, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ươm “hạt giống đỏ” trong cộng đồng người Dao ở xã Ba Vì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ươm “hạt giống đỏ” dưới chân núi Tản