Lan tỏa mô hình trang trại hữu cơ

Bạch Thanh| 09/09/2022 06:23

(HNM) - Những năm gần đây, khu vực ngoại thành Hà Nội xuất hiện nhiều trang trại trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Đây không chỉ là kế sinh nhai của người dân, mà hơn hết là vì một hệ sinh thái an toàn, vì tương lai bền vững của nền nông nghiệp. Điều đáng mừng là mô hình này đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng...

Chăm sóc rau tại trang trại trồng rau, củ, quả hữu cơ (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên).

Từ những mùa quả ngọt...

Đến thăm trang trại dưa Tâm An (thôn Thái Lai, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn), chúng tôi ấn tượng với hệ thống nhà lưới và cả những chú sóc đáng yêu chạy quanh vườn. Chị Chu Thị Thủy, người quản lý kỹ thuật của trang trại dưa Tâm An cho biết: Muốn dưa ngọt không quá khó, chỉ cần tăng cường bón phân kali; muốn giảm chi phí, dùng phân hóa học; muốn vườn dưa xanh tốt, sạch sâu bệnh thì sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hữu. Nhưng ở trang trại dưa Tâm An, quy trình sản xuất hữu cơ được thực hiện nghiêm ngặt, phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật được làm từ 100% phế phẩm, phụ phẩm trong vùng và những loại nguyên liệu như chuối, trứng, cá, cám gạo, gừng, tỏi, ớt…

“Nhìn vườn dưa kết trái từ 100% sản phẩm tự nhiên, cho ra những trái dưa thơm, ngọt, giàu dinh dưỡng là niềm hạnh phúc vô bờ. Con đường này thật khó khăn nhưng may mắn đang có nhiều người cùng đồng hành...”, chị Chu Thị Thủy chia sẻ. Được biết với quy mô ban đầu 2.600m2 nhà lưới, dự kiến mỗi năm trang trại thu hoạch 25 tấn dưa các loại.

Trên cánh đồng vùng đất bãi ven sông Hồng của xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên là những khu vực sản xuất hữu cơ được quy hoạch bài bản với đủ loại rau, củ, quả. Bà Đồng Thị Vinh, người đầu tiên làm nông nghiệp hữu cơ một cách bài bản trên vùng đất bãi ven sông Hồng này cho biết: "Khi đất đói, nghèo thì cây trồng còi cọc và dễ sâu bệnh; khi đất khỏe cây trồng sẽ tốt tươi. Cải tạo đất làm nông nghiệp hữu cơ không dễ nhưng khi đã làm được thì đất trả ơn người, cho những mùa rau, quả bội thu".

Chia sẻ về bí quyết làm nông nghiệp hữu cơ, bà Đồng Thị Vinh cho hay: Trước kia vùng đất bãi ven sông Hồng ở xã Hồng Thái vốn trồng chuối, sau một thời gian đất cằn, trồng cây nghẹt rễ, khó lên. Vì thế, bà đã chuyển hướng trồng chuối sang sản xuất rau, củ quả. Bà trồng ngô, đậu tương, nhưng... không thu hoạch. Thân cây, bắp ngô, hạt đậu được gom lại, ủ hoai mục và bón trả lại đất. Trong vùng có nhiều đầm cá, mỗi khi có cá chết, bà lại thu mua về ngâm ủ với men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng. Thay vì tận dụng tối đa diện tích gieo trồng rau, củ, quả, bà để lại một phần diện tích trồng hoa và trồng gừng, tỏi, ớt… để làm thuốc bảo vệ thực vật.

... đến nông nghiệp hữu cơ lan rộng

Những mô hình nông nghiệp hữu cơ ở thành phố Hà Nội đang được nhân rộng trong cộng đồng. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay thành phố Hà Nội đã có hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả.

“Làm nông nghiệp hữu cơ không nhàn, người nông dân bất kể sớm tối quẩn quanh đủ việc với thửa ruộng của mình. Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng sinh ra từ làng, bươn chải đủ nghề mưu sinh và làm giàu, tôi luôn trăn trở mình phải làm gì để những người xung quanh có công ăn việc làm, thành công từ chính quê hương, từ chính đồng ruộng; có nhiều nông sản ngon, sạch, không hóa chất được đưa tới trường học, đưa tới mỗi gia đình... Làm được như vậy tôi mới thấy cuộc đời có ý nghĩa”, bà Đồng Thị Vinh, chủ nhân của những trang trại trồng rau, củ, quả hữu cơ tại xã Hồng Thái chia sẻ. Không chỉ lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ cho hơn 30 hộ dân cùng quê, bà Đồng Thị Vinh còn lên tận tỉnh Hà Giang dạy làm nông nghiệp hữu cơ cho bà con đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định: Áp dụng phương thức canh tác hữu cơ, cây phát triển đều, không sâu bệnh, năng suất ổn định, mẫu mã nông sản đẹp. Đặc biệt, phương thức canh tác không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học... đã tạo ra môi trường sản xuất trong lành, không còn nỗi lo bệnh tật do tiếp xúc với hóa chất độc hại. Với cách làm nông nghiệp lý tưởng này, rất cần những người thực, việc thực truyền cảm hứng cho các hộ dân trong vùng. Mong rằng thời gian tới, Phú Xuyên ngày càng có nhiều trang trại sản xuất hữu cơ.    

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, để xây dựng và hình thành được những trang trại nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức, nhưng khi đã vượt được ngưỡng khó, đất đai được cải tạo, nông dân thuần thục với quy trình thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực sự là một “nghề” hạnh phúc. Nông dân sống vui, khỏe, có thu nhập tốt trên chính thửa ruộng của mình. Đáng quý là những người làm nông nghiệp hữu cơ luôn mở cửa trang trại để khách hàng đến tham quan, tìm hiểu, từ đó lan tỏa mô hình này.

Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, mỗi năm sẽ mở rộng 300-500ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Hy vọng với những trang trại “đầu tàu” làm nông nghiệp hữu cơ như trên sẽ tiếp tục là động lực lan tỏa cuộc sống xanh, hạnh phúc tới cộng đồng làm nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa mô hình trang trại hữu cơ