Những ''cầu nối'' nơi thôn bản

Nhật Minh| 28/11/2021 05:30

(HNMCT) - Trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tháng 11 hằng năm, những người có uy tín cao nơi các thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) càng được nhắc nhớ nhiều hơn. Họ thực sự là những chiếc “cầu nối” nghĩa tình và bền bỉ để gắn kết Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS, để nối liền vòng tay bản làng trong tình đoàn kết dựng xây đời sống mới.

Những người có uy tín ở thôn bản vùng đồng bào DTTS Hà Nội nhận giấy khen của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội.

Từ những việc tưởng là nhỏ

Theo thống kê của Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội, vùng đồng bào DTTS Thủ đô hiện có 152 người có uy tín cao, có tiếng nói quan trọng trong đời sống cộng đồng. Trong số đó có 101 người (66,4%) dân tộc Mường, 3 người (2%) dân tộc Dao, 48 người (31,6%) dân tộc Kinh. Trong 152 người thì có 38 trưởng thôn, 43 cán bộ nghỉ hưu, 32 người sản xuất kinh doanh giỏi, 3 thầy mo - thầy cúng, 1 già làng và những người có uy tín tham gia các lĩnh vực khác. Họ thực sự là những trụ cột vững chắc ở các thôn bản thuộc 14 xã DTTS của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

Không chỉ đi đầu trong các hoạt động lớn, mang tính bề nổi ở những “vùng sâu, vùng xa” của Thủ đô, mà ngay cả trong những “sự vụ” tưởng nhỏ bé, chỉ là việc riêng của hộ gia đình, họ cũng có mặt, nâng đỡ cuộc sống của dân bản bằng uy tín và cái tâm trong sáng của mình. Chẳng nói đâu xa, những người có uy tín đã chủ động cùng tổ hòa giải địa phương vận động hòa giải thành công hàng chục vụ việc liên quan tới mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai..., góp phần tạo nên sự bình yên của thôn, xóm. Chính họ là người luôn tâm huyết và bền bỉ tham gia duy trì phong tục, tập quán, tập tục, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, giải quyết các mối quan hệ với cộng đồng và với chính quyền. Ông Hoàng Văn Sáng (83 tuổi), người có uy tín tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, khiêm tốn chia sẻ: “Trọng trách mà chúng tôi đang giữ mặc dù không mấy to lớn, nhưng cũng góp phần giữ vững mối đoàn kết toàn dân, giúp mọi người dân các vùng đồng bào DTTS thêm yêu thương nhau, gắn bó với cộng đồng và xã hội”.

Thực tế cho thấy, bằng kinh nghiệm của mình, người có uy tín đã tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, hòa giải thành công nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp, mâu thuẫn trong bà con dân bản; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trở về hòa nhập cộng đồng. Hơn thế, họ còn là nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua việc tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “3 không”, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như thực hiện các quy ước, hương ước...

Chính họ là những người luôn đi đầu, nhiệt tình vận động, hướng dẫn người thân và bà con trong thôn cùng nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, người có uy tín còn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, các buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, họ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, tham gia đóng góp ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhất là tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hà Nội ghi nhận: “Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Nối thêm những nhịp cầu

Không thể phủ nhận, những năm qua Hà Nội luôn quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Điều này góp phần không nhỏ thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS của Thủ đô.

Vai trò của người uy tín đã được khẳng định trong thực tế đời sống, đúng như bà Nguyễn Thị Huệ, người có uy tín tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Người có uy tín phải là tấm gương sáng, mẫu mực, luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm gương cho cộng đồng dân cư. Người có uy tín cần không ngừng học tập để nâng cao nhận thức của mình, từ đó có thể phát huy tốt vai trò của mình trong xã hội”. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ này ở địa phương đang đối diện với một số rào cản khiến những người làm công tác dân tộc không thể không tính tới.

Đầu tiên là độ tuổi trung bình của người có uy tín đang già hóa. Theo thống kê của Ban Dân tộc Thành phố, độ tuổi trung bình của người có uy tín hiện nay là 60, trong đó, người cao tuổi nhất là 86 tuổi, người trẻ nhất là 34 tuổi. Ðiều này đồng nghĩa, họ chủ yếu dùng kinh nghiệm và hiểu biết truyền thống của mình để giúp sức cho cộng đồng, nên dễ gặp khó trước những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là trong xu thế hội nhập và thích ứng công nghệ 4.0. Rào cản đó khiến họ gặp khó khăn nhất định khi tiếp cận với giới trẻ. Đó là chưa kể sự biến động về đội ngũ người có uy tín hằng năm tại địa phương do độ tuổi ngày càng cao nên người ra khỏi danh sách nhiều hơn số lượng bổ sung.

Đáng nói hơn, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người có uy tín ở địa phương tuy đã được quan tâm, song vẫn chưa tương xứng với lượng công việc mà họ đảm nhận. Mức hỗ trợ tùy theo nhóm, theo phân cấp, theo địa phương, mức thăm hỏi, tặng quà... được quy định cụ thể trong Quyết định 12/2018/QĐ-TTg, chu đáo là thế song nếu đặt trong đời sống thực tế thì chỉ mang tính động viên, chứ “không thấm vào đâu” so với chi phí, lượng công việc cũng như quãng đường liên thôn bản mà họ phải đi mỗi ngày...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội mới đây (ngày 8-10), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đề cao vai trò những người có uy tín trong đồng bào DTTS: “Họ là lực lượng quan trọng, cần tạo điều kiện để những người có uy tín phát huy vai trò của họ. Họ chính là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, vừa là người tuyên truyền, vừa là người thực hiện, cho nên công tác biểu dương, khen thưởng cho đội ngũ này cần được thực hiện kịp thời...”.

Thế nên, để nối thêm những nhịp cầu nơi thôn bản, Hà Nội cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nâng cao hơn nữa chế độ, chính sách cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm cho người có uy tín; mở rộng các hoạt động biểu dương người có uy tín tiêu biểu; tạo điều kiện thuận lợi nhất để những chiếc “cầu nối” đắc lực đó thể hiện tâm huyết của mình với cộng đồng.

“Người có uy tín đã góp phần quan trọng thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại thôn, bản và khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ''cầu nối'' nơi thôn bản