Câu lạc bộ ''Trái tim người lính Phù Đổng'' Sóc Sơn: ''Tiếp lửa'' truyền thống anh hùng

Ngô Ngọc| 18/04/2021 05:44

(HNNN) - Với ý tưởng tiếp nối mạch nguồn lịch sử anh hùng của địa phương, phát huy giá trị truyền thống văn hóa trên quê hương Sóc Sơn huyền thoại, sau 4 năm âm thầm chuẩn bị (từ đầu năm 2017), đúng dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn đã chính thức ra mắt, đi vào hoạt động.

Đây là đơn vị cấp huyện thị đầu tiên trên cả nước thành lập và hoạt động theo Điều lệ của Câu lạc bộ “Trái tim người lính Việt Nam”, diễn đàn có hơn 100.000 thành viên có mặt ở khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Người thân tặng ảnh nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ “Núi Đôi” - liệt sĩ Trần Thị Bắc cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại lễ ra mắt CLB “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn.

Từ một ý tưởng tâm huyết

Tôi biết Đại tá, nhà báo Ngô Văn Học, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân khu 1 đã gần 20 năm, khi mới bước chân vào nghề làm báo, biết khả năng làm việc không mệt mỏi của ông, sự đa tài của ông, nhưng khi được ông mời dự lễ ra mắt Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn (CLB), tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ. Trao đổi thêm mới biết, ông đã manh nha ý tưởng thành lập CLB từ đầu năm 2017, rồi cứ âm thầm chuẩn bị, vận động thành viên tham gia, các nhà tài trợ ủng hộ.

Đại tá, nhà báo Ngô Văn Học cho biết, Sóc Sơn nổi tiếng với huyền thoại Thánh Gióng, nhưng đây cũng là vùng đất anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Suy nghĩ làm sao để khơi dậy mạnh mẽ, phát huy truyền thống anh hùng, tuyên truyền, quảng bá để nhiều người biết tới lịch sử của quê hương luôn đau đáu trong ông.

Đem suy nghĩ nói với các cựu chiến binh, ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên CLB như Ngô Bích Sen, Nguyễn Tân Chính, Trần Danh Bảng, Lê Kim Sơn, Lê Văn Chừng, Đào Quang Đới, Mai Thị Dần, Nguyễn Thị Lý... Vậy là họ cùng nuôi dưỡng ý tưởng “Theo dấu chân Phù Đổng” rồi thống nhất thành lập Ban vận động Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn.

Không ồn ào, họ lặng lẽ tìm hướng đi riêng, thông qua CLB Văn hóa Báo Quân đội Nhân dân, các chương trình như “Tiếp lửa truyền thống”, “Thắp sáng hồn quê”... giao lưu với các cựu chiến binh, học sinh trên địa bàn huyện nhằm góp phần giáo dục truyền thống và tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người đã hiến dâng cả tuổi xuân, cuộc sống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đặc biệt, thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia viết sử” do Huyện ủy Sóc Sơn phát động, từ năm 2018 đến năm 2020, Ban vận động “Trái tim người lính Phù Đổng” được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn tin tưởng mời tham gia tổ sưu tầm tư liệu. Các thành viên Ban vận động “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tiếp cận nhiều nhân chứng lịch sử, sưu tầm hàng trăm lá thư, nhật ký thời chiến, kỷ vật chiến trường..., trong đó có thông tin về sự kiện ra đời Tiểu đoàn mang tên “Phù Đổng” - dấu ấn lịch sử của quê hương.

Đó là ngày 28-1-1966, hàng nghìn người dân cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể mang theo cờ, khẩu hiệu nô nức đổ về tập trung tại sân kho Đội 2, thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn) để tiễn đưa người thân lên đường nhập ngũ.

Trong không khí tưng bừng của buổi lễ giao quân, đồng chí Nguyễn Văn Tỵ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đa Phúc hồi đó đã trịnh trọng tuyên bố: “Hôm nay, trên mảnh đất Tân Minh, thay mặt Huyện ủy, UBND huyện Đa Phúc, tôi tuyên bố quyết định thành lập Tiểu đoàn mang tên “Phù Đổng” và trao lá cờ mang dòng chữ “Tiểu đoàn Phù Đổng quyết chiến quyết thắng” cho các đồng chí. Đây là niềm tin yêu và cũng là lời nhắn nhủ của hậu phương gửi ra tiền tuyến. Ngày mai ra mặt trận, các đồng chí hãy phát huy truyền thống “Theo dấu chân Phù Đổng”, chiến đấu quên mình, lập công xuất sắc, góp phần cùng toàn quân và toàn dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Những nguồn tư liệu lịch sử quý báu mang tính nhân văn sâu sắc đó chính là cơ sở để Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn” vào năm 2020 gây tiếng vang trong dư luận.

Những kết quả đó cùng sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các vị nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đã “tiếp lửa”, thôi thúc các thành viên Ban vận động thêm quyết tâm trong việc thành lập, đưa CLB sớm đi vào hoạt động.

Và những bất ngờ thú vị

Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn diễn ra nghiêm túc, đầm ấm với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và hoành tráng hơn nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Bất ngờ nhất là tại lễ ra mắt, CLB đã vận động nhiều cá nhân trao các kỷ vật thời chiến cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tiếp nhận các kỷ vật thời chiến là tấm ảnh nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Bắc - nguyên mẫu trong bài thơ “Núi Đôi” nổi tiếng của nhà thơ Vũ Cao; võng, cây rút dép cao su, hộp thuốc cá nhân, các cuốn nhật ký... từ các cựu chiến binh, người thân liệt sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xúc động cảm ơn đóng góp của mỗi cá nhân và CLB “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn. Theo bà, đây chính là những hành động thiết thực nhất để giúp thế hệ hôm nay và ngày mai hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đầy hào hùng của dân tộc nói chung và mảnh đất anh hùng Sóc Sơn nói riêng.

Còn MC Hạnh Phúc (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết, dù đã dạn dày kinh nghiệm nhưng anh vẫn rất hồi hộp khi được mời dẫn chương trình. Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Hội đồng điều hành Câu lạc bộ “Trái tim người lính Việt Nam” thì khẳng định: Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn là đơn vị cấp huyện thị đặc thù đầu tiên trên cả nước hoạt động theo Điều lệ của CLB “Trái tim người lính Việt Nam”, nhận được sự bảo trợ truyền thông của “Trái tim người lính Việt Nam” - diễn đàn có hơn 100.000 thành viên có mặt ở khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Làm được điều này, đòi hỏi tâm huyết, công sức rất lớn của Ban vận động Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn và cá nhân Đại tá, nhà báo Ngô Văn Học.

Doanh nhân Trịnh Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Năng cho biết: Sau khi được gặp gỡ các bác trong Ban vận động thành lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn, tôi hiểu rõ hơn về tôn chỉ mục đích của CLB, thấy nội dung hoạt động rất phong phú và mang tính nhân văn sâu sắc. Tôi cùng một số doanh nhân khác trên địa bàn huyện đã lập tức thống nhất đóng góp ủng hộ và đồng hành cùng CLB. Theo ông Toàn, đặc điểm nổi bật, đáng quan tâm là CLB không chỉ là nơi kết nối các cựu chiến binh mà còn hướng tới những người trẻ tuổi, thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ...

Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn Ngô Bích Sen khẳng định: Thời gian tới, CLB sẽ tích cực hướng tới những người trẻ tuổi, giáo viên dạy sử tại các trường phổ thông trong huyện, theo tinh thần “từ trái tim đến trái tim” để vận động tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, kỷ vật thời chiến. Để tiếp lửa truyền thống, CLB sẽ tạo nguồn cảm hứng cho hội viên tích cực tham gia sáng tác các tác phẩm viết về các cựu chiến binh, liệt sĩ và thân nhân. Đồng thời, CLB sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng điều hành CLB “Trái tim người lính Việt Nam”, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan chức năng của huyện để tổ chức giao lưu, hội thảo... nhằm tôn vinh - tri ân mảnh đất, con người Sóc Sơn anh hùng.

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương, từ nay đến năm 2027, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, CLB “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn tập trung xuất bản 2 tập sách theo chủ đề: Sóc Sơn vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, và Bảo vệ Tổ quốc - Sóc Sơn trên những chặng đường mới”.

Đó là kế hoạch và những bước đi hết sức bài bản để Sóc Sơn “tiếp lửa” truyền thống anh hùng cho thế hệ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu lạc bộ ''Trái tim người lính Phù Đổng'' Sóc Sơn: ''Tiếp lửa'' truyền thống anh hùng