''Cánh tay nối dài'' phòng, chống dịch

Kim Vũ| 02/03/2021 06:26

(HNM) - Khác với điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng tốt ở các khu chung cư mới, một số khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp nhưng không vì thế mà công tác phòng dịch Covid-19 bị lơi lỏng. Những "cánh tay nối dài" là các cán bộ tổ dân phố, tổ tuyên truyền, giám sát dịch Covid-19 cộng đồng đã không quản ngại khó khăn, luôn có nhiều cách phòng dịch thiết thực, hiệu quả.

Các thành viên tổ tuyên truyền, giám sát dịch Covid-19 cộng đồng vận động người dân thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế bằng loa di động tại nhà G3, khu tập thể­ Phương Mai (quận Đống Đa).

Lan tỏa những việc làm ý nghĩa

Thời gian qua, những chiếc loa di động luôn được kéo dọc 3 khu tập thể, sân chung, ngõ nhỏ của tổ dân phố số 7 phường Thành Công (quận Ba Đình) để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, theo Tổ trưởng tổ dân phố số 7 (phường Thành Công) Nguyễn Văn Thắng, việc rà soát người trở về từ vùng dịch, hoặc có tiếp xúc với F1 cũng được đặc biệt coi trọng. "Ngày 16-2-2021, phát hiện có trường hợp tiếp xúc với F1 thuê trọ trong khu vực của tổ dân phố. Biết tin, tổ tuyên truyền, giám sát dịch Covid-19 cộng đồng đã báo cáo với chính quyền địa phương, đồng thời thuyết phục để công dân này chấp hành quy định cách ly y tế", ông Nguyễn Văn Thắng kể lại. 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, một việc làm rất thiết thực cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhà B3 khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa). Đó là, các tổ dân phố ở đây đã huy động nguồn xã hội hóa để mua nước sát khuẩn tay và luôn treo một lọ trước cửa ra vào mỗi tầng cho người dân và khách sử dụng. Chị Lê Thị Hạnh, một người dân sống tại tầng 4 nhà B3 khu tập thể Trung Tự cho biết: “Việc treo lọ nước sát khuẩn tay ở cửa vào của mỗi tầng không chỉ nhắc nhở mọi người khử khuẩn tay mà còn giúp chúng tôi nâng cao ý thức phòng dịch”.

Còn tại nhà E3 khu tập thể Phương Mai (quận Đống Đa), công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất bài bản. Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 11 (phường Phương Mai) Phan Văn Yên thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sống tại 5 nhà tập thể tổng vệ sinh dọn dẹp sân chơi chung, gầm cầu thang; phối hợp với Trạm Y tế phường phun thuốc khử khuẩn khu vực công cộng. “Mọi thông tin cơ bản về phòng, chống dịch đều được viết trên 6 bảng tin, đồng thời cập nhật trên nhóm Zalo của tổ dân phố”, ông Phan Văn Yên kể.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) Lê Thị Nga cho hay, phường có 60 nhà tập thể cũ, cư dân sinh sống đông lại có nhiều người đến thuê trọ nên việc quản lý, rà soát, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gặp khó khăn hơn. Nhưng nhờ có các cán bộ tổ dân phố nên công tác phòng, chống dịch ở khu tập thể được thực hiện hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp phòng, chống dịch ra cộng đồng.  

Tăng kết nối người dân với chính quyền

Hiện thành phố Hà Nội có hơn 1.500 chung cư, tập thể cũ, với lượng dân cư đông đúc. Trước tình hình này, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý các nhà chung cư, tập thể cũ này, đã tăng cường các biện pháp vận hành để cùng người dân phòng, chống dịch tốt hơn. 

Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả tối đa, các địa phương đã nhanh chóng kiện toàn và kích hoạt tổ tuyên truyền, giám sát cộng đồng. Tại phường Phương Mai (quận Đống Đa), UBND phường đã kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ này trong tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ quy định, tham gia phòng, chống dịch.

Tương tự, UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) cũng kiện toàn 71 tổ tuyên truyền, giám sát dịch Covid-19 cộng đồng với 213 người tham gia. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Đặng Thị Hồng, các tổ này đã phối hợp với Công an phường chủ động tuần tra, rà soát, nhắc nhở các hộ kinh doanh ở tầng 1 các khu tập thể tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch, tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của thành phố. Trong khi đó, 20 tổ tuyên truyền, giám sát dịch Covid-19 cộng đồng và 133 trưởng cầu thang tại 82 nhà tập thể cũ phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cũng thường xuyên giám sát, truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan đến dịch. 

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang thông tin, toàn quận hiện có 438 đơn nguyên tập thể cũ. UBND quận thường xuyên chỉ đạo các phường luôn sẵn sàng phương án để ứng phó kịp thời khi có sự cố về dịch bệnh xảy ra tại đây. Còn theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Lê Tất Thành, quận có 196 nhà chung cư, tập thể cũ, được xây dựng từ những năm 1980 đến 1990. UBND quận đã chỉ đạo các phường dán thông báo khuyến cáo các quy định phòng dịch tại chân cầu thang và đặt dung dịch sát khuẩn tay để người dân sử dụng. Trong thời gian tới, các phường trong quận sẽ duy trì cách làm này.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, những cán bộ tổ dân phố, thành viên tổ tuyên truyền, giám sát dịch Covid-19 cộng đồng đang đóng góp tích cực, thực sự là “cánh tay nối dài” kết nối người dân với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các khu tập thể cũ trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Cánh tay nối dài'' phòng, chống dịch