Cơ hội cho cả hai phía

Ðoan Trang Nguồn: (ghi)| 16/03/2020 13:13

(HNNN) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) vừa được Nghị viện Châu Âu thông qua, mở ra một giai đoạn mới trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Trước thời cơ lớn và cũng là thách thức không nhỏ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, các cơ quan quản lý đã có những bước chuẩn bị như thế nào? Phóng viên Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của đại diện các đơn vị liên quan và người dân về vấn đề này.

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội:
Hiệp định rất có lợi cho ngành Thủ công mỹ nghệ

EVFTA mang lại cơ hội cho cả hai bên. Thông qua Hiệp định, các bạn hàng châu Âu sẽ có cơ hội tìm đến Việt Nam dễ dàng hơn, đồng thời đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong nước phát triển các kênh bán hàng vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu là thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm rất cao, chưa kể yêu cầu về môi trường sản xuất, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, giờ làm việc, chế độ ưu đãi, chế độ bảo hiểm cho người lao động... Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở Việt Nam bởi trong tương lai họ cần phải đầu tư một cách nghiêm túc hơn nữa về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và quy mô sản xuất, thậm chí là cả tư duy, nhận thức nhằm đáp ứng những tiêu chí khắt khe của thị trường châu Âu.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa tại các làng nghề, các cơ quan chức năng cần phổ biến, giải thích và hướng dẫn thực hiện các điều khoản của Hiệp định đến từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, không chỉ là những định hướng chung mà cần rõ yêu cầu cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần phổ biến cho doanh nghiệp làng nghề nắm vững các đặc điểm, yêu cầu của mỗi thị trường trong Liên minh Châu Âu, nhất là các vấn đề liên quan tới văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng tại từng quốc gia, vì mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và trong từng thời điểm khác nhau họ có thể thực hiện các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan để bảo vệ hàng hóa của họ. Làng nghề cũng cần được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại quốc tế để đưa hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường châu Âu hiệu quả.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (Làng nghề mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội):
Chúng tôi ý thức rõ về yêu cầu đặt ra

Là chủ một cơ sở sản xuất mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh, tôi rất mừng khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam được Nghị viện Châu Âu thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai chúng tôi có nhiều cơ hội để xuất khẩu mặt hàng thủ công sang các nước châu Âu. Để chuẩn bị đón bắt cơ hội, cơ sở sản xuất của tôi đã tăng cường khâu thiết kế mẫu mã, phát triển thêm xưởng sản xuất và các đối tác vệ tinh nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất khi có những đơn hàng lớn.

Về môi trường sản xuất, ngay từ bây giờ chúng tôi đã áp dụng công nghệ để giảm bụi, giảm tiếng ồn, trang bị đồ bảo hộ cho người lao động... Về chế độ lao động, các lao động gắn bó với cơ sở sản xuất của tôi lâu dài có chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Không chỉ đến khi Hiệp định EVFTA được thông qua chúng tôi mới có những động thái này, mà từ trước đây các hộ kinh doanh trong làng nghề đã ý thức rõ rằng, việc bảo đảm môi trường sản xuất, nâng cao chất lượng lao động cũng là một cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm của làng nghề đạt được những tiêu chuẩn chung để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ).

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ:
Khắc phục khó khăn về hạ tầng, hỗ trợ xúc tiến thương mại

Là một huyện có nhiều làng nghề, chúng tôi hiểu được những lợi thế và cả thách thức đặt ra khi Hiệp định EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua. Để đón đầu cơ hội sắp tới do Hiệp định EVFTA mang lại, những năm qua huyện Chương Mỹ đã triển khai chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý, phát triển thương hiệu của các làng nghề. Năm 2015, sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa đã được công nhận “Nhãn hiệu mây tre đan tập thể Phú Nghĩa”, nhãn hiệu đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và đã được chỉ dẫn địa lý trên toàn cầu.

Hằng năm, UBND huyện tuyên truyền về các tiêu chuẩn để hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu làng nghề theo các quy định hiện hành. Tiếp đó, UBND huyện giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm; trích một phần kinh phí từ nguồn khuyến công hằng năm của huyện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Cụ thể: Năm 2017, UBND huyện hỗ trợ Công ty TNHH Việt Quang (xã Phú Nghĩa), Công ty TNHH mây tre Thái Hòa (xã Trường Yên) tham gia Hội chợ tôn vinh làng nghề huyện Phú Xuyên; hỗ trợ Công ty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơn tham gia Hội chợ hàng Việt thành phố Hà Nội...

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các làng nghề tại huyện Chương Mỹ có thể gặp khó khăn như việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động. Liên quan tới môi trường sản xuất, trên địa bàn huyện có 35 làng nghề được công nhận, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan xuất khẩu và đồ gỗ thủ công mỹ nghệ; các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, các làng nghề chủ yếu nằm đan xen trong khu dân cư nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải sản xuất phát sinh được xử lý bằng cách cho lắng lọc sơ bộ tại các hộ gia đình rồi thải ra hệ thống tiêu thoát chung của khu vực.

Việc bố trí quỹ đất để dần di chuyển các cơ sở sản xuất làng nghề ra khỏi khu vực dân cư và mở rộng quy mô, giảm ô nhiễm môi trường cũng như tiếng ồn còn chậm do việc huy động nguồn vốn bên ngoài để xây dựng hạ tầng gặp khó khăn... Đây là những vấn đề sẽ được huyện quan tâm khắc phục để phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:
Cần thay đổi tâm lý “đèn nhà ai nhà nấy rạng”

Nhờ Hiệp định EVFTA, chúng ta có cơ hội thuận lợi để xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm thủ công đến các quốc gia giàu có mà ở đó mức thu nhập bình quân đầu người rất cao, khả năng chi tiêu và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công cũng rất lớn. Tiếp đó, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại các làng nghề có thể học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là các quốc gia có thế mạnh về sản xuất hàng thủ công để có được sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường từ lâu được đánh giá là khó tính. Bên cạnh đó, các làng nghề trong nước còn có cơ hội thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi nhận được máy móc thiết bị, nguyên vật liệu từ các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, vì đây là Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển tại châu Âu nên chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ cũng như quy trình sản xuất bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, an toàn... Đây là thử thách rất lớn đối với các làng nghề bởi hiện nay môi trường sản xuất tại đa số làng nghề chưa đáp ứng được những tiêu chí đó. Đường sá còn hẹp, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong các làng nghề vẫn đang sản xuất theo thói quen tự do, cơ sở vật chất còn lạc hậu, môi trường sản xuất chưa đáp ứng tiêu chuẩn cao...

Tiếp đó, các thị trường quốc tế có sự đòi hỏi cao về chất lượng, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng, khối lượng hàng hóa lớn trong khi việc tổ chức dây chuyền sản xuất để đáp ứng những yêu cầu này tại các làng nghề đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề vẫn đang hoạt động trong tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Cần phải thay đổi điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho cả hai phía