Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thạch Thất quyết liệt xử lý vi phạm đất đai

Hoàng Sơn| 07/12/2022 07:16

(HNM) - Hiện nay, tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Thạch Thất có chiều hướng phức tạp, trong đó nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Mặc dù thời gian qua huyện Thạch Thất đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và ra quân xử lý, nhưng vi phạm ở lĩnh vực này vẫn tái diễn, đòi hỏi chính quyền các cấp cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý vi phạm.

Nhiều nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất).

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) cho thấy, tình trạng xây dựng nhà xưởng sản xuất trên đất công, đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Những vi phạm này diễn ra trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Hữu Trường cho biết, toàn xã hiện có hơn 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Do nhu cầu phát triển, đất sản xuất trong khu dân cư chật hẹp nên có 946 trường hợp xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất công ích. Để lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai, UBND xã Hữu Bằng đã xây dựng phương án trình UBND huyện hướng xử lý. Trong đó, ngày 4-11, UBND xã phối hợp với lực lượng liên ngành của huyện đã tiến hành giải tỏa 33 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp. Sau khi giải tỏa, huyện bàn giao cho địa phương quản lý để thực hiện dự án xây dựng Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng. Hiện xã đang hoàn thiện thủ tục báo cáo UBND huyện tiếp tục cưỡng chế 11 trường hợp khác để xây dựng Trường Tiểu học Hữu Bằng. Phần lớn vi phạm còn lại, UBND xã Hữu Bằng đang rà soát và xin chủ trương của huyện về biện pháp xử lý.

Không chỉ xã Hữu Bằng, tại xã Tiến Xuân cũng có hàng chục nhà xưởng với diện tích từ vài trăm đến vài nghìn mét vuông xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đầu tháng 11 vừa qua, huyện Thạch Thất đã tổ chức cưỡng chế một số công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, nhưng không xuể. UBND huyện tiếp tục giao xã Tiến Xuân rà soát, lập hồ sơ những vi phạm còn lại để cưỡng chế trong thời gian tới.

Theo Kết luận số 46/KL-STNMT-TTr ngày 7-1-2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng số trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Thạch Thất phải xử lý là 1.210 trường hợp, diện tích vi phạm gần 16ha. Đến nay, các xã, thị trấn mới xử lý được 431 trường hợp; số vi phạm còn phải xử lý trong thời gian tới là 779 trường hợp. Trong số đó có 743 trường hợp vi phạm trước ngày 1-7-2014, huyện đang rà soát, nếu phù hợp quy hoạch đất ở nông thôn sẽ hướng dẫn các xã xây dựng phương án xử lý theo Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Thông báo số 398/TB-VP ngày 18-9-2020 của Văn phòng UBND thành phố về chủ trương giao huyện Thạch Thất rà soát, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân đủ điều kiện.

Song song với xây dựng phương án xử lý, cưỡng chế giải tỏa các vi phạm, UBND huyện cũng đã kiểm điểm trách nhiệm đối với 14 tập thể, gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường và 13 xã để xảy ra nhiều vi phạm theo Kết luận số 46/KL-STNMT-TTr. UBND huyện cũng tạm dừng điều hành đối với Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng để tập trung xử lý vi phạm mới phát sinh.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng thông tin, để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, ngày 1-12-2022, UBND huyện Thạch Thất đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, xem xét trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, công chức địa chính ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Thạch Hòa, Bình Yên, Tân Xã… trong việc kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-11-2022. Khi có kết quả thanh tra, huyện sẽ xem xét kỷ luật từng tập thể, cá nhân liên quan.

Để công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đi vào nền nếp, hạn chế vi phạm phát sinh, UBND huyện Thạch Thất kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục thanh lý, chấm dứt hợp đồng thuê đất với những trường hợp quá thời gian quy định và những hợp đồng vi phạm Luật Đất đai; giải quyết những diện tích đất nông nghiệp công ích manh mún, xen kẹt trong khu dân cư. Đặc biệt, thành phố sớm đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã được HĐND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư để giải quyết nhu cầu thuê mặt bằng của các hộ sản xuất, góp phần hạn chế vi phạm đất đai…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất quyết liệt xử lý vi phạm đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.