Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu sân chơi cho trẻ ngoại thành

Tú Minh| 17/04/2021 16:23

(HNNN) - Thiếu sân chơi cho trẻ em là một thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở Hà Nội, cả ở nội thành và ngoại thành. Thiếu sân chơi, trẻ em, đặc biệt là trẻ sống ở ngoại thành, dễ sa đà vào trò chơi thiếu lành mạnh, vô bổ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đuối nước...

Thiếu sân chơi, trẻ em rất dễ sa đà vào những trò chơi thiếu lành mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Thành Nam

Chơi chung với người lớn

Bất cứ ai khi về vùng ngoại thành Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em chơi đùa ở những nơi không an toàn. Ngày nghỉ cuối tuần, đám trẻ trong xóm hò nhau ra ngoài đường chơi. Con đường bê tông là nơi có nhiều xe máy, công nông chạy qua. Mỗi khi thấy xe là đám trẻ lại dạt vào lề, đợi xe qua lại ùa ra. Cứ thế cuộc vui của chúng không chỉ bị gián đoạn nhiều lần mà còn đối diện với nguy hiểm. 

Ở ngoại thành không dễ tìm thấy một sân chơi đúng nghĩa dành riêng cho trẻ em. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng phần nhiều vẫn là do các địa phương thiếu kinh phí hoặc chưa quan tâm đầy đủ đến việc này. Hơn nữa, từ lâu đã hình thành quan niệm rằng ngoại thành đất rộng người thưa, trẻ em tha hồ chạy nhảy, rồi ở ngoại thành lắm trò vui gắn với thiên nhiên, tha hồ khám phá trải nghiệm... Trên thực tế, nhận xét đó chỉ đúng với thời cách đây đã khá xa. Ở quê bây giờ, trẻ không còn bắn bi, nhảy dây, đánh khăng, nặn đất như ngày xưa nữa. Đất nông nghiệp bị thu hẹp, đường bê tông hóa, trẻ chỉ có thể chơi vài trò đá bóng, đi xe đạp dưới lòng đường, bơi lội ở ao hồ hay chơi game, thậm chí đánh bài... Những trò chơi đó hoặc là không an toàn, hoặc là không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Phụ huynh bận bịu với công việc, không phải lúc nào cũng kiểm soát được hoạt động của con; trẻ thì chưa ý thức được đầy đủ về nguy cơ từ một số trò chơi mà mình tham gia nên khi bạn bè rủ rê, lôi kéo thì rất dễ nhiễm phải thói hư tật xấu.

Ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch HĐND xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết: “Trên địa bàn xã hiện không có sân chơi đúng nghĩa dành cho thiếu nhi. Chỉ có vài sân chơi nhỏ có cầu trượt, xích đu, thú nhún do tư nhân đầu tư để kinh doanh. Trẻ em trong xã hiện nay đang chơi chung sân chơi với người lớn. Đó là khoảng sân trước nhà văn hóa các thôn, nơi thường diễn ra các hoạt động đá bóng, đánh cầu của thanh niên, thể dục dưỡng sinh cho người già”. Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Bí thư Huyện đoàn Mỹ Đức, cũng chia sẻ, hiện tại mỗi xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức đều có sân chơi chung dành cho người dân tại các nhà văn hóa. Tuy nhiên, sân chơi riêng có các thiết bị, đồ chơi dành cho trẻ em như xích đu, cầu bập bênh thì hiện chỉ có 3 xã kêu gọi được nguồn xã hội hóa nên mới có, đó là xã Đồng Tâm, Phú Xuyên, Lê Thanh.

Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em cũng xảy ra tại các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Oai... Trước thực trạng này, nhiều năm qua, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các thôn mở cửa nhà văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ em. Tuy nhiên, số lượng nhà văn hóa hiện còn thiếu. Theo báo cáo của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả khảo sát công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và công tác đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố hiện chỉ có 2.330/2.528 thôn, 1.689/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa. Nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung nhà văn hóa, trang thiết bị nghèo nàn nên chưa hấp dẫn trẻ.

Thêm vào đó, tuy quỹ đất để xây dựng sân chơi cho trẻ em ở ngoại thành không thiếu nhưng nhiều năm qua, do không được quy hoạch và thiếu kinh phí xây dựng, không huy động được nguồn vốn xã hội hóa nên việc tạo sân chơi đúng nghĩa cho trẻ không được như mong muốn. Hơn nữa, dù ở ngoại thành không thiếu nhà văn hóa nhưng thiết chế này chủ yếu dùng để hội họp hoặc tổ chức sinh hoạt chung, không có hoạt động chuyên biệt dành cho thiếu nhi. Thế nên, để có một không gian vui chơi với đầy đủ các thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm cho trẻ em ở ngoại thành là điều khó khăn đối với nhiều địa phương.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Theo ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Oai, trước thực trạng các sân chơi trên địa bàn huyện hầu hết đều phục vụ cho người dân nói chung, chưa có sân chơi riêng cho các em thiếu nhi, vừa qua Phòng Văn hóa huyện Thanh Oai đã đề đạt ý kiến mong muốn mỗi xã, thôn đều có một sân chơi riêng dành cho trẻ em, chỉ có như vậy thì mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí của các em thiếu nhi. Chứ như hiện nay, chỉ có sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em ở khu trung tâm huyện thì không giải quyết được vấn đề vui chơi của trẻ; ít nhất thì trẻ em tại những thôn, xã xa đến đó khá bất tiện, không thể tới thường xuyên. “Thực tế ở các huyện ngoại thành, quỹ đất có sẵn, thậm chí trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa các thôn đều bố trí sẵn khu vui chơi giải trí trong thôn, xóm, tổ dân phố. Nghĩa là mặt bằng đã có, nhưng do nguồn lực của huyện có hạn, chưa tìm được nguồn xã hội hóa nên chưa thể xây dựng nhiều sân chơi dành cho trẻ em. Thêm vào đó là những bất cập trong cơ chế phát triển văn hóa, thể thao trong xã. Hiện tại chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào quy định huyện hỗ trợ cho địa phương nên nhiều nơi muốn hỗ trợ cũng không được”, ông Trần Văn Lợi nói.

Thiết kế một sân chơi an toàn dành cho trẻ không phải là việc khó, và cũng không quá tốn kém. Trên thực tế, nhiều năm qua tại Hà Nội, nhóm Think Playground đã kết hợp cùng chính quyền một số nơi xây dựng sân chơi sáng tạo, lành mạnh bằng vật liệu tái chế với chi phí rất thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Chính vì thế, để giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ em ở vùng ngoại thành, đầu tiên cần thay đổi nhận thức rằng nhu cầu vui chơi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ngoại thành là không hề nhỏ; tiếp đó là sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết đoán của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu sân chơi cho trẻ ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.