Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Thanh Bình: Miệt mài giữ nhịp chèo xưa

Mỹ Linh| 08/01/2023 06:00

(HNMCT) - Biết đến nghệ thuật chèo từ sớm, thành công cũng đến từ rất sớm nhưng bất cứ ai tiếp xúc với NSND Đoàn Thanh Bình đều nhận thấy bà là người giản dị. Bà bảo: “Tôi lớn lên rồi chọn chèo như một định mệnh. Thế rồi cứ thế đắm chìm, say sưa biểu diễn với mong muốn duy nhất là được sống với nghề và bằng nghề. Thế thôi, những thứ khác phù phiếm lắm!”.

1. Nhắc đến NSND Đoàn Thanh Bình, công chúng yêu nghệ thuật chèo thường nhắc đến vai Thị Kính, vai diễn kinh điển biểu trưng cho tính cách nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Vai diễn này được bà, bằng tài năng và giọng ca trời phú, thể hiện rất thành công. Đem sự ngưỡng mộ ấy chia sẻ cùng bà, tôi chỉ nhận được nụ cười xòa giản dị: “Có gì đâu, thế hệ chúng tôi ngày ấy chỉ có hát và hát, không bị phân tâm vào nỗi lo cơm áo gạo tiền như các bạn trẻ bây giờ nên có nhiều thời gian rèn nghề”.

Thực ra là do bản tính khiêm tốn của bà, chứ nhìn vào những tấm bằng khen, giải thưởng mà bà có được qua những hội diễn chuyên nghiệp hoặc không chuyên cũng đủ thấy, ngoài giọng hát trời cho là cả một nỗ lực vượt bậc từng ngày để khẳng định mình.

NSND Đoàn Thành Bình may mắn sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ cải lương và đặc biệt, bà nội của bà chính là cụ Cả Tam, một cây đa cây đề trong làng hát chèo chốn Hà thành những năm đầu thế kỷ XX. Những tưởng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bà đam mê nghệ thuật chèo là điều đương nhiên, nhưng tôi đã bất ngờ khi biết rằng bà học hát chèo từ bà nội của mình là vì… sợ.

"Ngày ấy, các làn điệu chèo hay được hát lời mới, không mấy khi hát lời cổ nên tôi không ấn tượng lắm. Học hát là vì sợ bà chứ chả thích gì đâu" - bà vui vẻ chia sẻ.

Thế rồi, dần dà bằng tình yêu thương và sự động viên từ bà, cô bé 10 tuổi Đoàn Thanh Bình đã thêm tự tin và hát nhuần nhuyễn những làn điệu chèo như “Đường trường duyên phận”, “Vãn cầm”… và được bà nội khen chất giọng “màu”, vang, trường canh tốt. Ở thời điểm ấy, chính cô bé Thanh Bình cũng không biết rằng, bà nội đã mong muốn mình sau này trở thành người nối nghiệp.

Mãi đến năm 1971, khi bà nội mất, lời trăn trối “muốn có đứa cháu theo nghiệp mình” mới được GS.NSND Trần Bảng nhắn lại và trở thành nguồn động viên, niềm an ủi khiến cô bé Thanh Bình quyết tâm theo nghiệp chèo như bà nội đã trăn trở gửi gắm.

2. Về Nhà hát Chèo Việt Nam, nghệ sĩ Thanh Bình được gửi sang học Trường Trung cấp Sân khấu - Điện ảnh (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) và được học nghề với những bậc thầy của làng chèo khi đó như nghệ sĩ Trần Thị Xuân, Dịu Hương, cụ Lê Hiền, Năm Ngũ, Thúy Lan… Sau này, khi có những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật, bà gọi bước ngoặt đó là “một may mắn lớn nhất trong cuộc đời” vì khoảng thời gian này bà đã được học hỏi từ những giọng ca  “khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật chèo.

Cũng tại Nhà hát Chèo Việt Nam, bà không chỉ được thể hiện khả năng trong nhiều vai diễn khác nhau mà còn bắt đầu làm quen với việc đứng lớp, trợ giảng cho các thầy cô, hướng dẫn học sinh khóa dưới. Cảm nhận được ý nghĩa của việc đào tạo đội ngũ kế cận, lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo tới nhiều người hơn, năm 1996 khi ở tuổi 42, bà quyết định dừng công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam và trở thành giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

15 năm gắn bó với mái trường, bà không ỷ lại vốn liếng có được sau nhiều năm làm nghệ thuật mà luôn học hỏi, rèn luyện nhiều hơn. Bà dành nhiều thời gian nghe lại băng đĩa của NSND Minh Lý để học cách hát tất cả các làn điệu chèo sao cho thật chuẩn xác. Với bà, khi biểu diễn thì có thể nhập vai theo nhân vật một cách bản năng, nhưng khi dạy cho học trò thì cần hát chuẩn từng chữ.

Nghệ sĩ Thanh Bình tâm sự: “Lúc nào tôi cũng muốn học thêm, mở mang kiến thức để làm nền tảng và truyền thụ cho học trò của mình một cách tốt nhất. Chính vì thế, tôi đã nghe đi nghe lại đến hàng ngàn lần băng đĩa của NSND Minh Lý để học bằng được kỹ thuật, cách “nhả chữ”, bẻ chữ sao cho rõ nét tròn vành mà vẫn phải đảm bảo giai điệu chèo gốc thật chuẩn. Tôi nhận ra rằng, thế hệ đi trước rất tài tình trong việc truyền tải tâm trạng nhân vật đến người nghe. Những điệu chèo buồn thương nghe vô cùng da diết, những câu hờn giận, trách móc được các cụ luyến láy rất tài tình… Những giọng ca như NSND Minh Lý chính là “khuôn vàng thước ngọc” đáng để nhiều thế hệ hậu bối học hỏi”.

Cũng nhờ sự ham học hỏi, yêu nghề, bền bỉ với nghề cùng phương châm học nghề là phải chăm chỉ và chuyên tâm, bà đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều người đạt danh hiệu, thành tích cao trong các kỳ liên hoan nghệ thuật như NSND Tự Long (Nhà hát Chèo Quân đội), NSƯT Bá Dũng (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Hồng Tươi (Nhà hát Chèo Hải Dương)…

Nghệ sĩ Thanh Bình dừng biểu diễn khá sớm, khi đang ở đỉnh cao, thăng hoa trong nhiều vai diễn, được ghi nhận với nhiều giải thưởng cao quý, để trở thành giảng viên. Nhiều người tiếc cho bà. Nhưng bà thì cho rằng, hào quang sân khấu hay giải thưởng không quan trọng. Với bà, việc giữ nghề và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ mới là niềm hạnh phúc lớn nhất.

NSND Đoàn Thanh Bình trong trích đoạn “Tuần Ty - Đào Huế”.

3. Đến và ở lại với nghệ thuật chèo suốt 50 năm qua, có thể nói, dường như lúc nào nghệ sĩ  Thanh Bình cũng ăn ngủ cùng chèo. Sau khi nghỉ hưu, bà cùng người bạn đời và cũng là người bạn nghề, người thầy của mình là NSƯT Vũ Ngọc rong ruổi dạy hát chèo khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngoài tham gia dạy hát cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, bà còn tham gia các dự án dạy hát chèo được xã hội hóa như Dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”, vài dự án biểu diễn như Đông Kinh Cổ Nhạc và các lớp học dạy hát chèo online cho những khán giả yêu thích chèo trong và ngoài nước…

Vài năm trước khi nghỉ hưu, nghệ sĩ Thanh Bình cùng những người đồng tâm nguyện với mình thành lập Giáo phường Đình làng Việt với mong muốn nối bước người xưa, làm hồi sinh không khí rộn rã của những chiếu chèo. Đây cũng là cách bà đưa các học trò của mình trở về không gian diễn xướng gần gũi với nghệ thuật chèo, đó chính là chiếu chèo sân đình.

Giờ đây, tuy không tham gia giảng dạy nữa nhưng nghệ sĩ Thanh Bình vẫn sẵn sàng mở lòng với bất cứ ai vì yêu nghệ thuật chèo mà tìm đến. Ngôi nhà của vợ chồng bà tại khu Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thỉnh thoảng trở thành một sân khấu thu nhỏ để những người yêu mến nghệ thuật chèo cổ đến đây học hỏi, giao lưu.

Nhìn vào cách bà đắm say truyền dạy và số lượng người tìm đến ngôi nhà của ông bà vẫn còn nhiều, tôi lạc quan cho rằng nghệ thuật chèo vẫn có chỗ đứng vững chãi trong ánh sáng hào nhoáng của cuộc sống hiện đại ngoài kia. Và, những gì mà vợ chồng bà cùng các cộng sự đang làm chính là nhịp nối quan trọng để giai điệu chèo tiếp tục ngân vang, để những mầm xanh của chèo truyền thống tiếp tục vươn lên đầy sức sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Thanh Bình: Miệt mài giữ nhịp chèo xưa