Những gia đình giữ rừng ở Thủ đô

Dương Linh| 07/01/2023 06:22

(HNM) - Dưới tán rừng ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) có 19 gia đình thanh niên xung phong năm xưa tình nguyện gắn bó với màu xanh của rừng. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, các gia đình nơi đây đã và đang nỗ lực hết mình để bảo tồn, hồi sinh và phát triển tài nguyên rừng, góp phần giữ “lá phổi xanh” cho Thủ đô.

Các thành viên “làng” cựu thanh niên xung phong trồng rừng (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) thăm cánh rừng của một gia đình.

“Làng“ thanh niên trồng rừng

Theo chân cán bộ Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đến xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) thăm “làng” cựu thanh niên xung phong trồng rừng mới thấy được thành quả của sự gian lao, vất vả mà gần 40 năm qua họ đã nếm trải để quản lý, gìn giữ, bảo vệ rừng.

Trưởng ban liên lạc Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô Trần Văn Tré cho biết: “Năm 1985, Xí nghiệp Trồng rừng thanh niên Hà Nội (Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô) thành lập, gồm hơn 400 thanh niên từ các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì… Trong 5 năm, xí nghiệp có nhiệm vụ phủ xanh 2.000ha đất trống, đồi núi trọc ở vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Vì. Năm 1989, xí nghiệp đổi tên thành Lâm trường Thanh niên Hà Nội. Sau 5 năm, nhiều bạn trẻ sống và làm việc cùng nhau, quá trình đó đã gắn kết họ. Xí nghiệp đã có hàng chục cặp vợ chồng tình nguyện gắn bó với đất rừng Ba Vì. Lãnh đạo lâm trường đã tạo điều kiện ủng hộ xây dựng “Làng thanh niên xung phong” tại xã Cẩm Lĩnh để các gia đình trẻ được giao đất, giao rừng, tặng gạch xây nhà ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với rừng...”.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tấn - Đinh Thị Lan Phương (cùng sinh năm 1961) là những đầu tàu của “làng” thanh niên xung phong trồng rừng ngày đó. Là người xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), tháng 8-1986, học xong Trường Quản lý kinh tế Hà Nội, ông Tấn được Thành đoàn Hà Nội nhận về Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô công tác, trở thành cán bộ cốt cán của Lâm trường Thanh niên Hà Nội khi ấy. Cô gái Đinh Thị Lan Phương là cô nuôi dạy trẻ, người dân tộc Mường xã Ba Trại (huyện Ba Vì) xinh đẹp, giỏi giang cũng xung phong đi trồng rừng từ tháng 5-1985 ở xã Yên Bài. Ở đây, hai người đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng năm 1988, gắn bó với “làng” từ bấy đến nay. Gia đình họ đang quản lý 10ha rừng, trong đó nhiều giống cây quý đã có tuổi đời 20 năm.

Chỉ cho chúng tôi thấy cánh rừng keo lai bạt ngàn hơn 4 năm tuổi đang độ lớn của một gia đình trong “làng”, ông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ: “Năm 1989, 19 hộ thanh niên xung phong đã được giao đất, giao rừng, thành lập “làng”. Các gia đình ở “làng” trực tiếp trồng, quản lý và bảo vệ diện tích 236,1ha đất trống đồi núi trọc tại 3 xã: Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Sơn Đà (huyện Ba Vì). Mỗi hộ quản lý 7-10ha rừng với đa dạng cây như bạch đàn, thông, keo, sao và một số cây bản địa...”.

Tiếp lời chồng, bà Phương kể: “Trước kia, khu vực này là quả đồi cây tái sinh, phải đánh gốc, lấp giao thông hào của bộ đội, khó khăn ban đầu không kể xiết. Điều kiện sống khắc nghiệt, không có nước ăn, không có điện. Ban ngày, chúng tôi đi cuốc hố, gánh phân, trồng cây phát rừng. Tối đến nhà nào nhà nấy, vợ cạo sắn, chồng thái sắn để chăn nuôi, tay nứt nẻ hết…”.

Tham gia thanh niên xung phong trồng rừng từ năm 18 tuổi, bà Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1967, người xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) đã gặp ông Ngô Văn Cẩm (sinh năm 1966, người xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) rồi nên duyên vợ chồng và hiện đang nhận chăm sóc 4ha rừng.

“Dưới đồng bằng thì chả biết con vắt ra sao, lên đây, vắt bò chả thiếu chỗ nào, nhiều hôm tôi khóc sưng mắt. Nhưng tuổi trẻ mà, chúng tôi đã lấy niềm vui, sự lạc quan để vượt qua mọi khó khăn khi ấy”, bà Thắm kể.

Trong số 32 thành viên của “làng” từ khi thành lập, hiện chỉ còn 2 người đang công tác tại Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng, cũng là thành viên trẻ nhất “làng”, trong đó có chị Hoàng Thị Luyến (sinh năm 1972). 17 tuổi, chị Luyến đã say mê trồng rừng. Khi nhận quyết định, chị tự sắm một cái cuốc, mang theo 10kg gạo, như bao thanh niên xung phong trồng rừng khác.

“Bố mẹ tôi đều là người làm lâm nghiệp. Khi còn nhỏ, hằng ngày theo bố đi kiểm tra rừng, tôi đã thích rừng, yêu cây xanh. Năm 1990, tôi làm đơn xung phong đi trồng rừng, nhưng vì chưa đủ tuổi nên chờ mãi một thời gian sau mới được nhận vào làm. Thực sự, khi bước vào nghề, nếu không quyết tâm, không yêu nghề sẽ không làm nổi”, chị Luyến kể lại.

“Trước đây khó khăn, nguồn sống là củi, không có gì ăn, dân buộc phải phá rừng. Bản thân tôi với ông Phùng Văn Tiến, những năm trước thay phiên nhau nằm đêm ở nghĩa trang để giữ rừng. Sau đó, tôi phải phối hợp với chính quyền, đi từng gia đình vận động, tuyên truyền thì tình trạng phá rừng mới đỡ dần. Nhiều năm nay, địa bàn không xảy ra vụ phá rừng nào”, ông Nguyễn Văn Tấn kể thêm.

Tiếp nối, gắn bó và sẻ chia

Trải qua gần 40 năm gắn bó với nhau, không chỉ cùng trồng rừng, bảo vệ rừng, các gia đình cựu thanh niên xung phong nơi đây còn tương trợ, chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống.

Bà Phùng Thị Lân (sinh năm 1959), người nhiều tuổi nhất của “làng” nói: “Trước kia, cán bộ, đội viên thương yêu nhau như anh em, cùng ăn cơm tập thể, cùng dậy sớm tập thể dục, leo núi chữa cháy rừng và tăng gia sản xuất... Đến nay, các gia đình ai có việc gì, chúng tôi vẫn xúm vào làm giúp nhau, tình cảm như anh em một nhà”.

Hiện nay, cơ bản các hộ gia đình cựu thanh niên xung phong trồng rừng đều có nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định nhờ việc tiếp tục quản lý, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, làm vườn.

“Nếu không có sự đoàn kết gắn bó thì không vượt qua được khó khăn. Càng khổ chúng tôi càng thương nhau. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, chúng tôi đều coi rừng như máu thịt. Rừng phải gắn bó với người, còn khỏe chúng tôi tiếp tục trồng rừng”, bà Đinh Thị Lan Phương thổ lộ.

Ông Ngô Văn Thông, Trưởng thôn Phú Phong (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) nhận định: “Nhiều năm qua, các hộ gia đình cựu thanh niên xung phong đều đoàn kết, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Không chỉ quản lý, bảo vệ rừng, họ còn góp sức xây dựng thôn Phú Phong phát triển”.

Chia tay chúng tôi, đi dọc cánh rừng ngát xanh, ông Nguyễn Văn Tấn tự hào: “Diện tích vườn rừng từ ban đầu giao cho 19 gia đình như thế nào, đến nay 236,1ha rừng vẫn nguyên vẹn như thế. Thành quả của lực lượng thanh niên xung phong trồng rừng là như vậy. Không những thế, hiện có 3 người con của các gia đình theo nghề cha mẹ, đang làm việc tại trung tâm nơi chúng tôi từng công tác. Nhà tôi cũng có cháu gái theo cha mẹ làm lâm nghiệp”.

Mùa xuân đang về. Các cánh rừng Ba Vì cũng khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống của mùa xuân. Dưới tán rừng trải dài, những mầm xanh mới đang được các gia đình cựu thanh niên xung phong nâng niu, bởi họ đều chung mong muốn bảo vệ rừng để cân bằng môi trường sinh thái, giúp Thủ đô thêm xanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những gia đình giữ rừng ở Thủ đô