Hành trình tìm kiếm đồng đội

Bảo Hân| 03/01/2023 06:29

(HNM) - Đón những ngày đầu tiên của năm 2023, Đại tá Trần Tường Huấn (sinh năm 1954, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) xốn xang cảm xúc sống lại kỷ niệm tròn 50 năm ngày nhập ngũ. Một nửa thế kỷ qua, khi ký ức về một thời bom đạn đã dần lùi vào quá khứ, ông cùng đồng đội vẫn miệt mài bước trên hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các liệt sĩ vô danh.

Ông Trần Tường Huấn (ngoài cùng bên trái) gặp thân nhân liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm phục vụ giám định ADN tại tỉnh Thanh Hóa.

“Tìm bạn về”

Ngày 6-1-1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chàng trai Hà Nội tròn 18 tuổi Trần Tường Huấn rời ghế nhà trường, lên đường nhập ngũ, vào Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Năm 1974, ông cùng hai Tiểu đoàn 76 và 78 thuộc Trung đoàn 59 nhận nhiệm vụ vào Nam tăng cường cho chiến trường Tây Nam Bộ và tham gia Trung đoàn 1 (Đoàn U Minh, Quân khu 9) với chức vụ Tiểu đội trưởng.

Năm 1975, ông Huấn bị thương khá nặng, được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y của Quân khu 9. 10 năm sau, lại chính vào ngày 6-1-1985, ông lập gia đình. Ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ tới khi nghỉ hưu.

Bước vào tuổi an nhàn nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh khi nhiều đồng đội đã vĩnh viễn không trở về, chưa xác định được tên tuổi, nơi chôn cất. Trong số này có hai người bạn học cùng lớp tại Trường THPT Chu Văn An (niên khóa 1970-1973), nhập ngũ cùng ông là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng. Trong một lần họp lớp, ông đề xuất cùng những người bạn thành lập nhóm “Tìm bạn về”.

Cuối tháng 5-2016, nhận ủy quyền từ gia đình hai liệt sĩ cùng manh mối duy nhất là hai tờ giấy báo tử, nhóm bắt đầu hành trình tìm kiếm. Sau hơn 2 năm vượt qua bao gian khó, lần từng manh mối, với sự giúp đỡ từ nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đồng đội cựu chiến binh cùng thời, nhóm đã tìm ra nơi chôn cất hai liệt sĩ. Qua kết quả giám định, hai gia đình cùng nhóm bạn đã rưng rưng đón nhận hài cốt hai người bạn học thất lạc sau 45 năm xa quê.

Không chỉ là thành viên tích cực của nhóm “Tìm bạn về”, với vai trò Phó Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1, Đoàn U Minh, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội), Đại tá Trần Tường Huấn đã hoạt động tích cực và có nhiều cơ duyên trong hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Tri ân nghĩa tình đồng đội

Trên hành trình đã đi qua, với Đại tá Trần Tường Huấn, khó khăn và thậm chí cả những bế tắc luôn chất chồng. Nhưng quyết tâm tìm bằng được đồng đội luôn được thắp lên mạnh mẽ trong trái tim của những người lính đã một thời dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Ông Huấn xúc động nhớ lại, từ đầu năm 2019 đến nay, ông trực tiếp cùng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1, Đoàn U Minh, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) khảo sát nơi diễn ra các trận đánh của trung đoàn ở mặt trận Vĩnh - Trà, xác định nơi chôn cất liệt sĩ ban đầu, cụm mộ liệt sĩ được quy tập, lập danh sách liệt sĩ hy sinh từng trận, tổ chức đi thăm viếng kết nối thân nhân liệt sĩ các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa. Hàng trăm gia đình đã được kết nối, hướng dẫn lập hồ sơ giám định ADN… Sau tất cả sự nỗ lực tìm kiếm, ông Huấn và đồng đội đã xác định được danh tính của 45 liệt sĩ.

Chia sẻ về hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, ông Huấn cho biết đó là công việc rất khó, mất nhiều thời gian công sức, tiền bạc. Hầu hết các cựu chiến binh phải tự bỏ tiền túi với tổng cộng hàng trăm triệu đồng để tham gia chuyến đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh vùng miền Tây Nam Bộ. May mắn là nhóm “Tìm bạn về” và Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 1, Đoàn U Minh, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) luôn nhận được sự ủng hộ tinh thần của đồng đội, các cựu chiến binh và đặc biệt là chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân địa phương.

Từ cuối năm 2020 đến nay, ông Huấn cũng đã tự trích hơn 100 triệu đồng từ những khoản lương hưu và trợ cấp thương binh để đi tìm hiểu, kết nối thông tin tìm kiếm đồng đội. Bước vào tuổi 70, bản thân là thương binh 2/4, nhưng với lòng tri ân sâu sắc nghĩa tình đồng đội, ông Huấn không nề hà khó khăn. Trong các chuyến đi từ Bắc vào Nam kéo dài nhiều ngày trời, từ lúc lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể đến tìm kiếm nhân chứng, thu thập tài liệu, xác minh thông tin, ông Huấn luôn là người đề xuất ý tưởng, cổ vũ tinh thần các đồng đội với quyết tâm đưa các liệt sĩ trở về quê nhà.

Tự hào về người cựu chiến binh trên 45 năm tuổi Đảng, một công dân gương mẫu trên địa bàn phường, Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, ông Huấn và gia đình luôn chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định tại nơi cư trú. Việc làm của ông đã nhân lên nghĩa cử cao đẹp về tình đồng chí, đồng đội, nêu gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

Với nhiều thành tích tiêu biểu, ông Trần Tường Huấn được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố Hà Nội năm 2020 và bằng khen của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đó là những động viên quý giá để ông tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình tìm kiếm đồng đội