Nghệ sĩ ưu tú Bùi Trung Hải: Không ảo tưởng với quá khứ vàng son

Vân Thảo| 05/06/2022 05:01

(HNMCT) - Là con trai của nhà làm phim gạo cội Bùi Đình Hạc, một trong những “cây đa cây đề” của điện ảnh cách mạng Việt Nam, Bùi Trung Hải thừa nhận anh chịu ảnh hưởng nhiều từ bậc sinh thành. Nhưng với niềm đam mê mãnh liệt dành cho điện ảnh cộng với sở thích “luôn luôn cố gắng để hoàn thiện kiến thức cũng như cảm xúc”, Bùi Trung Hải đã tạo dựng được vị trí riêng để tự tin khẳng định “tôi có thế mạnh khác”.

NSƯT Bùi Trung Hải.

1. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật với cha là nhà làm phim thành danh ở cả hai thể loại phim truyện và tài liệu - đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bùi Đình Hạc cùng mẹ là PGS.TS.NSND múa Nguyễn Thị Hiển, Bùi Trung Hải được sống trong bầu không khí nghệ thuật từ nhỏ. 5 - 6 tuổi anh đã theo chân bố nhiều tháng trời đi sơ tán, làm phim, thậm chí anh còn tham gia đóng phim “Hoa thiên lý” với vai quần chúng. Khi mẹ anh được phân công công tác tại Hải Phòng 2 năm với vị trí biên đạo múa, mẹ cũng mang anh theo. Vì thế, với anh, nghệ thuật rất gần gũi, thân quen như “ngôi nhà có bố, có mẹ”.

Tuy vậy, cái sự thích nghệ thuật ấy của Bùi Trung Hải chỉ đơn thuần là thích. Cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, anh vẫn chưa xác định theo đuổi nghệ thuật lâu dài nên quyết định đăng ký thi Đại học Bách Khoa Hà Nội và trúng tuyển với số điểm khá cao, trên 25 điểm. Đến khi quyết định theo đuổi điện ảnh, Bùi Trung Hải sang Liên Xô (cũ) học chuyên ngành Quay phim tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên Xô (VGIK) từ năm 1986 - 1992.

Tốt nghiệp về nước, anh được giao đảm nhận phần hình ảnh trong phim “Cỏ lau” của đạo diễn Vương Đức. Tiếp đến, cảm thấy kiến thức học ở Liên Xô là chưa đủ, Bùi Trung Hải quyết định học tiếp và chọn điện ảnh Pháp. Anh học tiếng và sau đó tham gia chương trình học tập về nghệ thuật điện ảnh và văn hóa Pháp tại Trung tâm điện ảnh CIRNEA (Paris, Pháp) từ tháng 12-1995 đến tháng 2-1996.

Kết quả học tập của Bùi Trung Hải là phim ngắn “Mưa mùa hạ” (do anh viết kịch bản kiêm đạo diễn) được chọn vào chương trình tranh giải chính thức của Liên hoan phim (LHP) ngắn Clermont - Ferrand lần thứ 14, năm 2002. Ngoài ra, bộ phim còn được tuyển chọn tham dự chương trình tranh giải chính thức của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ dành cho phim ngắn sinh viên của các trường điện ảnh năm 2002 và được mời tham dự nhiều LHP khác tại Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Philippines...

2. Cũng trong thời gian này, Bùi Trung Hải tham gia thực hiện bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”. Ngoài vai trò quay phim chính, anh còn là thành viên của tổ đạo diễn, tham gia chọn diễn viên. “Tôi không bó buộc mình chỉ là quay phim” - Bùi Trung Hải thú nhận - “mặc dù bố tôi có nhiều kinh nghiệm về nghề nhưng tôi lại có thế mạnh là được đào tạo sau nên những gì mới nhất của thế giới là tôi lĩnh hội được, mà cụ thể ở đây là cách làm phim hiện đại. Vì thế, tôi đem những kiến thức mới mẻ đó áp dụng vào bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”. Tôi quan niệm rằng, trong gia đình có thể con nhất nhất phải nghe lời bố nhưng ra ngoài thì khác, mà tốt nhất là nên như thế bởi khi làm phim bao giờ cũng có sự trao đổi và tranh luận. Tuy nhiên, cũng đừng bao giờ dừng lại ở việc tranh luận, mà nên kết thúc bằng việc tìm được cách biểu hiện tốt hơn cho cảnh quay cũng như cho cả bộ phim. Đó mới là điều quan trọng”.

Kịch bản “Hà Nội 12 ngày đêm” được tổng hợp từ 3 kịch bản của các tác giả Đinh Thiên Phúc, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Hữu Mai và Chu Lai. Và người tổng hợp 3 kịch bản để cho ra kịch bản phân cảnh hoàn chỉnh chính là Bùi Trung Hải. Bộ phim được quay trong thời gian dài. Do kinh phí khó khăn nên có những bối cảnh phức tạp, không thể dựng được, đoàn phim phải chờ để quay nhờ. Ví dụ như các đại cảnh bắn tên lửa thì phải đợi đến khi bộ đội diễn tập mới có thể quay.

Với cảnh quay những khu đổ nát có quy mô lớn, đoàn phải đợi quay "ké" khi thành phố phá dỡ một khu nhà ở Hà Đông. Khâu làm kỹ xảo vi tính, hậu kỳ âm thanh vòm surround là những kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam thời gian đó, cũng do khó khăn về kinh phí nên kéo dài khá lâu. Cuối cùng, bộ phim hoàn thành vào năm 2002 và giành giải Bông sen Bạc - LHP Việt Nam lần thứ 14. Phim cũng tham dự nhiều LHP quốc tế như LHP Cairo (Ai Cập), LHP Fukuoka (Nhật Bản), LHP New Delli (Ấn Độ), LHP Locarno (Thụy Sĩ), LHP Fajr (Tehran, Iran), LHP Vesoul (Pháp)... vào các năm 2003, 2004 và 2005.

Giai đoạn 2010 - 2012, Bùi Trung Hải học Thạc sĩ nghệ thuật làm phim (Master of Fine Arts in Filmmaking), chuyên ngành Đạo diễn và Biên kịch, tại New York Film Academy (Mỹ) theo chương trình học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ. Phim truyện ngắn tốt nghiệp của anh “David và Luisa” được tặng giải Remi Đồng cho Phim ngắn chính kịch tại LHP quốc tế Houston lần thứ 48 (Mỹ, năm 2015).

Trước đó, bộ phim đã được tuyển chọn vào chương trình tranh giải chính thức tại LHP quốc tế trực tuyến Viewster, Thụy Sĩ, năm 2014... Bùi Trung Hải nói, sở dĩ anh học nhiều hơn một chút là bởi không muốn dừng lại hay cố định ở vị trí nào cả. Anh muốn biết những cách làm phim, trường phái phim khác nhau ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Nga, Pháp, Mỹ, và sau cùng là có thể áp dụng thế mạnh của các trường phái đó tại Việt Nam.

3. Bùi Trung Hải cho biết, trong cuộc sống đời thường, anh và bố mình “rất hợp nhau”, còn trong nghệ thuật thì anh chịu ảnh hưởng từ phong cách làm việc của bố - về “cách truyền nghề cho con, cách tổ chức làm phim cũng như sự kiên trì của người đạo diễn để đưa tác phẩm của mình đạt chất lượng cao nhất”. Đó cũng là điều khiến anh vô cùng khâm phục.

Sinh năm 1967, quần bò, áo phông, giầy thể thao, "cưỡi" Dream đầy vẻ phong trần, nhưng Bùi Trung Hải lại như một cao niên lúc nào cũng đau đáu với nghề.  Anh say mê nói về những vấn đề của điện ảnh Việt hiện nay, về những cái khó, cái kém, cái yếu thuộc diện “sửa nhanh còn kịp” của điện ảnh như một sự cảnh tỉnh của người không ảo tưởng với quá khứ vàng son. Khi được  hỏi: “Nếu trở lại thời điểm biết tin kết quả thi đại học đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài, thậm chí được chọn quốc gia rồi sau đó lại “chốt hạ” theo nghề bố rồi sang Nga học quay phim, anh có muốn thay đổi quyết định không?”, Bùi Trung Hải lập tức trả lời, bằng một câu hỏi: "Quyết định không sai, tại sao phải thay đổi?".

Một số giải thưởng tiêu biểu khác: Phim truyện dài “Khi nắng thu về” (đạo diễn kiêm biên kịch) được tặng giải Remi Vàng cho Phim truyện dài đầu tay xuất sắc tại LHP quốc tế Houston lần thứ 41, tại Mỹ, năm 2008; được tuyển chọn tham dự Chương trình chính thức tại LHP châu Á Mumbai, Ấn Độ, năm 2009...

Bùi Trung Hải được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Trung Hải: Không ảo tưởng với quá khứ vàng son