Phụ nữ Thủ đô chung tay vì sức khỏe cộng đồng

Dương Linh| 22/05/2022 06:23

(HNM) - Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội luôn chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, với những mô hình phù hợp đặc thù của tổ chức Hội. Qua đó, góp phần chung tay cùng các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng.

Sản phẩm đậu phụ sạch của Công ty cổ phần Organic Green Nut được đông đảo người dân tin dùng. Ảnh: Nguyệt Ánh

Thực hiện tốt "3 không"

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, phụ nữ có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong gia đình và cộng đồng. Cùng với tuyên truyền về lĩnh vực này, các cấp Hội đã triển khai lồng ghép cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đặc biệt, mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm” được nhân rộng. Từ năm 2017 đến nay, đã có 1.600 chi hội với 57.405 hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia mô hình…

Điển hình là Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bắc Từ Liêm, ban đầu chỉ có 14 “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”, với hơn 2.000 thành viên, thì sau 5 năm đã có 120 chi hội, thu hút gần 14.000 thành viên. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuần cho biết: “Hằng năm, ngoài tổ chức tọa đàm đánh giá kết quả thực hiện và bàn giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng mô hình, Hội thường xuyên tổ chức tham quan thực tế nhằm nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho hội viên”.

Để cụ thể hóa mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) tổ chức ký cam kết tới cán bộ, hội viên với những nội dung cụ thể, như dùng 2 thớt khi chế biến thực phẩm; dùng bao tay ni lông khi sơ chế thức ăn; dùng làn nhựa khi đi chợ… Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính Cung Thị Yến cho biết, 100% chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên ký cam kết, đồng thời thực hiện tốt “3 không” trong an toàn thực phẩm (không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia không an toàn).

Bà Nguyễn Kim Ngân (Chi hội phụ nữ số 3, phường Nhân Chính) chia sẻ: “Từ khi được tham gia các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi biết cách lựa chọn thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động người thân và nhân dân cùng thực hiện, để chăm sóc sức khỏe gia đình tốt hơn”.

Nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm

Để chung tay tạo ra những chuyển biến trong việc giải quyết các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là các nữ doanh nghiệp, nữ tiểu thương đã luôn nêu cao trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bảo đảm an toàn.

Đơn cử, cơ sở sản xuất, kinh doanh bún phở khô Khánh Linh (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) của gia đình bà Nguyễn Thị Hải mỗi ngày sản xuất 1-1,2 tấn hàng. Bà Hải cho biết: “Tất cả các khâu sản xuất đều được thực hiện bằng máy và theo quy trình khép kín nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Tương tự, gần 3 năm qua, người dân xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ đã quen với hình ảnh người phụ nữ ngày ngày chăm sóc những luống rau hữu cơ và thủy canh tại trang trại trồng rau công nghệ cao của gia đình Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Xuyên Nguyễn Thị Hạnh.

Bà Hạnh cho biết: “Để đưa ra thị trường sản phẩm rau thực sự sạch và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, trang trại sử dụng đất sạch, nước sạch, không khí sạch và “5 không”: Không phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng hạt giống biến đổi gen, không hóa chất bảo quản. Các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế rau đều bảo đảm đúng quy trình. Việc sản xuất thực phẩm sạch đã được nhiều chị em phụ nữ và người tiêu dùng biết đến”.

Còn chị em tiểu thương chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đã nỗ lực thực hiện tốt việc kinh doanh thực phẩm bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ doanh nghiệp chợ Phùng Khoang Phạm Thị Liên cho biết: “Với 74 hội viên, chi hội thường xuyên phối hợp với Ban quản lý chợ tổ chức tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện chế biến thực phẩm, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ tiểu thương đối với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

“Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về sản xuất, kinh doanh, chế biến, sử dụng sản phẩm; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức Hội trong giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng về những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng để có biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Thủ đô chung tay vì sức khỏe cộng đồng