''Cơm tự tâm'' san sẻ cùng bệnh nhân nghèo

Bảo Hân| 17/05/2022 06:17

(HNM) - Sáng thứ hai hằng tuần, trong ngách nhỏ sát Bệnh viện Nhi trung ương (quận Đống Đa), một bếp ăn đặc biệt luôn “đỏ lửa”. Từ đây, hàng trăm suất cơm được trao đi nhằm san sẻ phần nào khó khăn cho bệnh nhi và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại đây. Những phần cơm ấy có tên gọi “Cơm tự tâm”.

Người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương (quận Đống Đa) nhận suất cơm bếp ăn “Cơm tự tâm”.

Thực đơn đầy ắp... yêu thương

Chị Ngô Thị Thu Hà (42 tuổi, quận Cầu Giấy) - Trưởng nhóm "Cơm tự tâm" nhớ lại, đầu năm 2017, sau thời gian hoạt động thiện nguyện tại khu vực xóm trọ của người nhà bệnh nhân Bệnh viện Nhi trung ương trong ngõ 879 Đê La Thành, chị đã lập bếp ăn tại đây với mong muốn giản đơn: Mỗi tuần được giúp đỡ các bệnh nhi và bố mẹ các cháu một bữa cơm.

“Vào cuối tuần, mình sẽ lên trước thực đơn cho ngày thứ hai, ước lượng số thực phẩm cần thiết và đăng lên Facebook cá nhân để kêu gọi mọi người cùng chung tay. Thật may mắn là từ ngày đầu thành lập cho đến nay, nguồn ủng hộ lúc vơi, lúc đầy nhưng... chưa bao giờ cạn. Nhiều người đăng ký tặng thực phẩm, có người nhận đến hỗ trợ chế biến, nấu nướng hoặc đa phần nếu không có thời gian thì gửi một khoản tiền nhỏ để nhóm đi chợ…”, chị Hà chia sẻ về cách thức hoạt động của nhóm “Cơm tự tâm”.

Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhóm luôn lựa chọn kỹ thực phẩm, nấu nướng hợp vệ sinh và cân đối món ăn để phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Chị Nguyễn Mai Anh - một thành viên của nhóm cho biết, thực đơn tuần nào cũng có 6-7 món. Riêng món canh không đơn giản tận dụng từ nước rau luộc mà phải là canh xương hoặc thịt hầm cùng rau củ quả.

Những tin nhắn như “Chị cho em ủng hộ 10kg chả lụa của gia đình”, “Mai mình gửi ít rau mới hái dưới quê” hay “Tôi xin góp 200 quả trứng nhé, bếp còn cần thêm thì cứ nhắn”… luôn khiến các thành viên trong nhóm xúc động. Mọi sự hỗ trợ như thế được nhóm tổng hợp, đăng tải công khai. Kết thúc ngày nấu ăn, chị Hà có nhiệm vụ thống kê mọi chi tiêu. Nhờ cách làm minh bạch, rõ ràng, nhóm “Cơm tự tâm” đã luôn “đỏ lửa” suốt nhiều năm qua. Là trưởng nhóm, chuyên “đi xin” thực phẩm nhưng chị Hà chưa khi nào thấy ngại ngần, bởi những bữa cơm ngon được trao đi từ tấm lòng yêu thương đã giúp nhiều người vơi bớt khó khăn.

Niềm vui được trao đi

Anh Nguyễn Trung Hiếu (37 tuổi) một trong những đầu bếp chính của nhóm từ những ngày đầu chính là chồng chị Hà. Luôn sát cánh cùng vợ, anh Hiếu không ngại ngần làm bất cứ việc gì. Các thành viên còn lại, người là công chức, viên chức, người làm kinh doanh… đến với nhóm đều với tinh thần thiện nguyện.

“Đứng nấu bên bếp gas công nghiệp vào mùa hè rất nóng, xong được một món ăn thì người đã ướt sũng mồ hôi. Thế nhưng, mệt mỏi đều tan biến khi chúng tôi nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ còn đau yếu. Những bữa ăn dù chỉ là sự hỗ trợ ít ỏi nhưng hy vọng sẽ giúp nhiều người vơi bớt khó khăn”, anh Hiếu chia sẻ.

“Năm 2017, vô tình đọc được thông tin về nhóm “Cơm tự tâm” trên mạng xã hội, tôi đến quan sát, rồi xin tham gia và gắn bó đến bây giờ. Với người nội trợ, để nấu bữa cơm gia đình đôi khi đã khá vất vả, trong khi “Cơm tự tâm” là bếp ăn lớn nên khối lượng công việc nhiều gấp bội, luôn cần sự chung tay của nhiều người. Thật may mắn, nhóm là tập thể đoàn kết, luôn động viên nhau vượt qua vất vả”, chị Nguyễn Mai Anh chia sẻ.

Một trong những nguồn hỗ trợ lớn phải kể đến là hai vợ chồng chị Nguyễn Kim Loan (ở ngách 1, ngõ 879 Đê La Thành), nơi nhóm “Cơm tự tâm” đặt “đại bản doanh” ổn định suốt 5 năm qua. Vợ chồng anh chị không những hỗ trợ toàn bộ chi phí điện, nước phục vụ bếp hoạt động mà cũng luôn tay luôn chân phụ giúp việc nấu nướng, chia, phát cơm mỗi sáng thứ hai hằng tuần.

Nhiều người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang trọ quanh Bệnh viện Nhi trung ương đã mách nhau về nhóm "Cơm tự tâm". “Cơm tự tâm ăn rất ngon và yên tâm, giúp hai bố con tôi giảm chi phí trong những ngày trọ ở Hà Nội chữa bệnh. Các thành viên trong nhóm phục vụ niềm nở, thân tình nên ai đến cũng cảm thấy thoải mái…”, anh Vi Văn Páo (tỉnh Hà Giang) xúc động nói.

Chị Ngô Thị Thu Hà cho biết, thời điểm ban đầu, mỗi ngày bếp chỉ phục vụ hơn một trăm suất cơm. Tuy nhiên, tiếng lành lan xa, có những đợt cao điểm, bếp phục vụ tới 500 suất và bình quân hiện nay 370-400 suất/tuần. Dù rất muốn tăng số buổi nấu trong tuần nhưng do quy mô nhóm còn nhỏ, nhân lực tham gia còn hạn chế nên bếp tạm thời hoạt động vào sáng thứ hai.

Được biết, ngoài duy trì đều đặn hoạt động “Cơm tự tâm”, nhóm thiện nguyện do chị Hà đứng đầu cũng thường xuyên tổ chức đi trao quà cho bệnh nhi tại một số bệnh viện khác ở Hà Nội hay đi thiện nguyện tại những vùng sâu, vùng xa vào dịp cuối năm... Đem niềm vui tới cho những hoàn cảnh còn thiếu thốn, trẻ em nghèo là động lực để các thành viên của nhóm “Cơm tự tâm” vượt qua mọi khó khăn, đón nhận sự ủng hộ từ các tấm lòng vàng, phục vụ hàng nghìn bữa ăn trong hơn 5 năm qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Cơm tự tâm'' san sẻ cùng bệnh nhân nghèo