Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến: “Thành công chỉ đến với người chịu khó”

Triều Mây| 27/11/2021 07:30

(HNMCT) - Hơn 40 năm hoạt động âm nhạc trên các lĩnh vực sáng tác, dàn dựng và giảng dạy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến (nguyên Trưởng khoa Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương) đã để lại những ấn tượng tốt đẹp. Riêng trong lĩnh vực sáng tác, ông chính là tác giả ca khúc truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam - "Bài ca sinh viên” mà bất cứ sinh viên nào cũng từng hát về quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến.

1. Tôi biết nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến qua lời giới thiệu từ học trò của ông - Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (giảng viên khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội). Đối với nhạc sĩ trẻ Dương Trọng Thành thì thầy Trần Hoàng Tiến luôn thật gần gũi, tình cảm và hết lòng thương yêu học trò. Còn với riêng tôi, lần đầu tiên gặp thì thấy ông luôn thật trẻ trung, nhiệt huyết, dồi dào năng lượng đúng như tinh thần của bài hát “Bài ca sinh viên” ông sáng tác cách đây 36 năm.

Bên chén trà nóng một ngày đầu đông, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến tâm sự về con đường đến với âm nhạc của mình. Ông bảo, mình theo âm nhạc là do nguyện vọng của cha - nguyên là diễn viên Đoàn Ca múa Quân đội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) - muốn con “nối nghiệp”. Khi mới chừng 10 tuổi, ông đã được bố cho đi học nhạc. Đầu tiên là được học piano sau đó chuyển sang học accordion. Năm 1973, ông vào học accordion tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Suốt 10 năm theo học tại trường, ông cùng lúc theo học cả chuyên ngành sáng tác từ các thầy Trọng Hùng, Nguyễn Sinh và bài tốt nghiệp đại học là tác phẩm “Chuyện cổ tích Tấm Cám” viết cho đàn accordion. Ra trường với tấm bằng loại ưu, ông về giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

2. Vốn là chàng trai Hà thành được đào tạo bài bản về âm nhạc, lại năng nổ, nhiệt huyết nên trong quá trình học tại Trường Âm nhạc Việt Nam và khi về công tác tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trần Hoàng Tiến tích cực tham gia phong trào Đoàn. Năm 1984, Trưởng ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Hồ Đức Việt đề xướng thành lập Nhóm Sinh viên 9-1 với nòng cốt là 6 sinh viên đang học tại các trường đại học ở Thủ đô với mục đích ban đầu là đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ trong giới sinh viên. Và giảng viên âm nhạc Trần Hoàng Tiến được cử tham gia chỉ đạo nghệ thuật cho nhóm. Họ đã đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước để cổ vũ, động viên tinh thần của sinh viên, thanh niên nói chung trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.

Trong quá trình xây dựng Nhóm Sinh viên 9-1, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến luôn ấp ủ suy nghĩ phải sáng tác một ca khúc phản ánh khát vọng, ước mơ, hoài bão của sinh viên Việt Nam. Và “Bài ca sinh viên” đã ra đời vào đầu năm 1985 với mục đích đưa được nhịp sống, tiếng nói của giới trẻ, đồng thời gửi gắm tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ đi trước. Trong lời ca có những câu như: “Ta mơ một ngày mai/ Bàn tay ta biến sông thành điện/ Đi đi nào bạn ơi/ Dệt nên những ước mơ cho đời...” được ông chuyển tải câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi phát biểu và ném hòn đá đầu tiên xuống ngăn dòng sông Đà để làm thủy điện và chắt lọc câu nói của đồng chí Hồ Đức Việt: “Tuổi trẻ cần phải xây dựng hoài bão, ước mơ cho đời”.

“Bài ca sinh viên” thu được thành công ngoài mong đợi của tác giả. Bài hát được biểu diễn chính thức lần đầu vào ngày 9-5-1985 trong cuộc thi “Tiếng hát làng Sen” diễn ra tại quê hương Bác, nhân dịp sinh nhật Người. Sau đó bài hát trở nên phổ biến trong giới thanh niên, sinh viên và nhất là trong chương trình SV 96 nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ. Nhóm Sinh viên 9-1 đã đem “Bài ca sinh viên” đi dự Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 12 tổ chức năm 1985 tại Mátxcơva (Liên bang Xô viết). Trước sự lan tỏa của “Bài ca sinh viên” - một ca khúc gắn bó với cuộc đời tuổi trẻ của mình, hôm nay nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến vẫn không giấu nổi niềm xúc động: “Điều quan trọng nhất đối với một người sáng tác âm nhạc đó là tác phẩm được đông đảo mọi người nhớ và thuộc. Riêng với tôi, có được một ca khúc được các bạn sinh viên yêu thích là niềm hạnh phúc”.

3. Năm 2021, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến có 3 ca khúc được giới thiệu trên sóng Truyền hình Nhân Dân là “Trần Phú - tên anh còn mãi trên lá cờ Đảng”, “Còn mãi văn hiến Việt Nam” và “Lá me xanh”. Cũng giống với tinh thần của “Bài ca sinh viên”, đó đều là những bài hát ca ngợi tinh thần xung kích, khích lệ tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp...

Qua ca khúc “Còn mãi văn hiến Việt Nam”, nhạc sĩ muốn truyền đi thông điệp nền văn hiến Việt Nam giúp cho thế hệ trẻ bay cao hơn nữa. Với “Lá me xanh”, ông đã khắc họa và gợi lại kỷ niệm ngọt ngào của học sinh được sống và học tập trong một đất nước yên bình, từ đó đặt ra nhiệm vụ phải ra sức cố gắng, phấn đấu học tập hơn nữa. Đặc biệt, trong dịp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ca khúc “Trần Phú - tên anh còn mãi trên lá cờ Đảng” của ông vang lên đã ca ngợi phẩm chất, khí phách, tinh thần yêu nước của vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Theo nhạc sĩ thì Tổng Bí thư Trần Phú đại diện cho lớp người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, hoài bão, được coi là “tượng đài” trong lòng thanh niên nước nhà. Cùng với việc ca ngợi nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, ông gửi thông điệp đến thế hệ trẻ hôm nay hãy noi gương thế hệ đi trước như đồng chí Trần Phú để giữ vững chủ quyền biển đảo nước nhà.

Dẫu làm nhiều công việc bên ngoài, như sáng tác hay dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật thì nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến vẫn là một người thầy đào tạo âm nhạc suốt mấy chục năm qua. Hiện nay khi đã nghỉ công tác quản lý, ông tiếp tục giảng dạy bậc trên đại học tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Nhiều học trò của ông đã trở thành những tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà như ca sĩ Ngọc Anh, Lệ Quyên, Quang Hà..., nhiều học trò của ông là các thầy, cô giáo, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh, như Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Đắk Lắk, Kon Tum, Đà Nẵng... Theo ông thì trong rất nhiều ngành đào tạo, âm nhạc là lĩnh vực khó bởi đòi hỏi người học có năng khiếu, chăm chỉ, kiên nhẫn, bền bỉ. Chính vì điều đó, ông khuyên sinh viên âm nhạc phải kiên trì, biết lắng nghe, không ngừng học hỏi, đặc biệt là chỉ có luyện tập chứ không có con đường nào khác để đạt thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến: “Thành công chỉ đến với người chịu khó”