Nhà báo, nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Thơ là chỗ dựa cuối cùng của tôi!

11/07/2021 05:05

(HNMCT) - Đỗ Doãn Phương sinh năm 1977 ở Đường Lâm, Sơn Tây, hiện là Phó Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa. Anh đã xuất bản 5 tập thơ, từng được trao giải Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, giải của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Anh vừa ra mắt bạn đọc tập thơ "Ly ca".

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương.

- Hình như lâu rồi anh mới in thêm một tập thơ. Việc in một tập thơ mới, thường thì có lý do nào không, hay cứ sáng tác đủ tập thì in?

- Mỗi tập thơ đánh dấu một chặng đường trong đời mình. Khi tôi cảm thấy mình đã đi qua được một chặng, đầu óc mình không còn bị vướng mắc với những chuyện trên chặng đó nữa, thì cũng là lúc tôi sắp xếp lại bản thảo để tìm cách in ra.

- Tôi có cảm giác thế này: Chúng ta, cả người làm thơ và viết văn, đều đang mất dần bạn đọc. Anh có thấy như vậy?

- Không chỉ người làm thơ, làm văn, mà cả người làm báo cũng than phiền là bị bạn đọc bỏ rơi.   

Thật ra, những người đọc sách hay đọc báo vẫn rất nhiều. Dạo qua các diễn đàn đọc sách, bạn sẽ thấy “văn hóa đọc” của chúng ta không hề kém. Và ở đó họ không chỉ đọc các thể loại truyện tiên hiệp, ngôn tình hay những thứ mà ta cho là “cận văn học” đâu nhé. Họ cũng chọn tác phẩm kinh điển, tìm kiếm tác giả lớn... Họ vẫn đọc sách, nhưng giờ là đọc theo sở thích riêng, và dường như hoàn toàn chìm đắm trong sở thích đó. Thỉnh thoảng có một cuốn sách hay một tác giả nổi bật lên như một “hot trend” (xu hướng) thì họ cũng sẽ quan tâm, tìm đọc. Còn sau đó thì lại trở về với sở thích của họ.

Mấy chục năm trước, khi sách báo còn ít, khi một tờ báo về văn chương được in ra hay một cuốn sách được xuất bản, hầu như tất cả những người thích đọc sách đều đọc, luận bàn về nó. Do đó, số đầu báo, đầu sách tuy ít nhưng lượng người đọc khá tập trung, rồi tạo thành luồng dư luận cũng rất tập trung. Tôi nhớ bố tôi những năm 1980 chỉ viết 2 truyện ngắn trên Văn nghệ quân đội thôi, nhưng cả xã, cả huyện ai cũng đọc, cũng biết. Còn bây giờ bạn có in 10 đầu sách cũng chưa chắc ông hàng xóm nhà bạn hay bạn bè trong cơ quan đã quan tâm đâu.

Khi người đọc đọc theo xu hướng hoặc sở thích thì nếu tác giả không thuộc hàng “top” của nền văn học thì hầu như không có bạn đọc...

- Với tư cách một người sáng tác, anh có chịu áp lực nào từ bạn đọc hay không?

- Không, tôi không thấy áp lực gì cả. Tôi thoải mái viết những gì mà mình tự thấy là có ý nghĩa với chính mình.

- Thơ đối với anh quan trọng đến mức nào, như thế nào?

- Như tôi nói ở trên, tôi viết ra những gì có ý nghĩa với chính tôi. Và bởi thế, tôi có thể mạnh dạn nói rằng, thơ đối với tôi rất quan trọng. Đó là chỗ dựa cuối cùng của tôi.

Thế này nhé, trong cuộc sống, bằng hành động của mình, bạn có thể đoạt được vô số điều mình muốn hoặc mình cần. Nhưng sẽ có những thứ mà không bao giờ bạn có thể chạm tới được, từ một thứ rất thông thường là mối tình đã qua đến những thứ cao siêu như sự bất tử. Khi đó bạn sẽ chấp nhận hay phải dựa và một cái gì đó để cưỡng lại?

Với tôi những cái “bất khả” mới là những cái ám ảnh mình nhất, và chính nó làm nên đời sống bên trong con người mình. Thơ là người bạn trung thành của tôi khi phải đối phó với những điều “bất khả” như thế. Nó mang dáng dấp của một cuộc chiến với hư vô.

Tập thơ “Ly ca”.

- Từ "Hoan ca", "Tuyệt ca" đến "Ly ca", Đỗ Doãn Phương có gì khác?

- Đến nay, tôi đã in 5 tập thơ, trong đó có 3 tập kể trên. Với tôi thì đó là những giai đoạn rất rõ ràng trong cuộc đời mình, nhưng với bạn đọc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì có mấy ai chịu đọc hết cho mình cả mấy tập thơ đâu.    

Chính vì thế, nên qua mỗi tập thơ, tôi đều cố gắng viết dễ hiểu nhất có thể về tất cả những điều mình muốn nói. Tôi không muốn có bất cứ một từ ngữ, hay một sự liên tưởng nào khiến bạn đọc phải cau mày vì cảm thấy khó hiểu. Tôi biết bạn đọc không có thời gian, nên phải trình bày mạch lạc nhất có thể trong thời gian ngắn ngủi, hy vọng bạn đọc sẽ không chán nản, bỏ đi.

- Tôi hỏi câu này nghe có vẻ hơi “đánh đố”: Anh và thơ của anh, cuối cùng sẽ đi tới đâu? Anh có nhắm tới một cái đích nào đấy không?

- Cuối cùng sẽ... ra bãi tha ma cả thôi. Tôi thì không dám mong thơ mình bất tử, nhưng chắc chắn thơ sẽ là người bạn đồng hành với mình trên con đường khó khăn ấy, để giúp cho tâm hồn mình vượt qua những vướng mắc nhân sinh, đạt đến trạng thái tận cùng, có thể gọi là “giải thoát”.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo, nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Thơ là chỗ dựa cuối cùng của tôi!