Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: ''Vì tình yêu cuộc sống tràn đầy...''

Trần Hoàng Thiên Kim| 30/04/2021 05:57

(HNMCT) - Nếu được chọn một nhà thơ có thể lấp đầy những trang sổ tay của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên bằng những bài thơ mang đầy hoài bão và mê đắm trước tình yêu, trước cuộc sống... thì chắc chắn, không ai khác, đó chính là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Thơ anh vừa nồng nàn vừa mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết và khát vọng. Thơ anh như một bản nhạc trữ tình dịu dàng mà khi nương nhờ vào đó, mỗi tâm hồn đều trở nên thánh thiện hơn, yêu thương hơn và rung cảm hơn trước cuộc đời rộng lớn...

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

1. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột ra đi vào một ngày tháng tư, khi mọi thứ dường như với anh chưa hề được chuẩn bị trước. Anh vẫn đầy sự hứng khởi làm việc, cống hiến cho thi ca vào ngày cuối cùng trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trước đó, nhiều lần Hoàng Nhuận Cầm đã làm thơ về cái chết với sự thản nhiên đón đợi và tự trào. Anh viết: “Nếu tôi chết - gia tài để lại/ Thơ mấy bài nào có gì đâu/ Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ/ Cắm trên mồ cho được bền lâu.../ Nếu tôi chết trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi" (Thêm một vì sao). Hay mấy câu thơ khác về cái chết cô đơn như một lời tiên tri: “Một mai chết thật hao gầy/ Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh/ Một mai chết hết tội tình/ Một mình mình hát, một mình mình nghe/ Một mai đi chẳng trở về/ Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn thiu...”.

Anh ra đi, có lẽ là thanh thản như một giấc ngủ ngon, nhưng sự ra đi của anh để lại trong lòng bè bạn, những người yêu thương con người anh và yêu thơ của anh, một sự tiếc nuối và một nỗi buồn không dễ nguôi ngoai.

2. Tôi vẫn nhớ như in những lần được gặp nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi anh đến chơi với các bạn văn ở tòa soạn báo Công an nhân dân - An ninh thế giới. Anh thường ngồi co hai chân lên ghế, tay thả lỏng tự do vung vẩy, không cần những lễ nghi và nhâm nhi thưởng thức ngụm rượu, nhiệt tình nâng cốc với bạn như thể đó là thứ rượu ngon nhất mà anh từng được uống... Sau giây phút ấy, anh thường bắt đầu ôn lại kỷ niệm từ thuở còn là người lính đi khắp nẻo đường Tổ quốc, gia tài bên cạnh ba lô và cây súng chả có gì ngoài những trang thơ thấm đẫm tình yêu thương đồng đội, tình yêu thương bè bạn và con người. Những lúc ấy Hoàng Nhuận Cầm thường không quên kèm theo những câu triết lý đầy chiêm nghiệm: “Sẽ không có một Hoàng Nhuận Cầm như bây giờ nếu không có cái ngày 6-9-1971 ấy. Cầm luôn coi đó là ngày Mẹ đất nước đã sinh Cầm ra một lần nữa trong vũ trụ này. Ngày Cầm lăn xả vào chiến trường là ngày Cầm có thơ, có bạn bè, có tình yêu với cuộc sống...”.

Hoàng Nhuận Cầm luôn biết ơn tuổi trẻ nơi chiến trường đầy bom rơi đạn lạc, đó cũng là hành trang để anh bước vào cuộc sống đầy hào sảng, mê say... Bởi có đi qua những tháng ngày chiến tranh ác liệc, đi qua những tháng ngày bên đồng đội chiến đấu và hy sinh bảo vệ Tổ quốc, mới thấy trân quý cuộc sống thời bình. Nhà thơ viết: “Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/ Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/ Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn/ Là cái phương sao quá bồn chồn/ Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói/ Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói/ Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời/ Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi/ Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ/ Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé/ Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay...”.

Từ bài thơ này, với tình yêu người lính mà nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã biên kịch bộ phim “Mùi cỏ cháy” (đạo diễn NSƯT Hữu Mười) nói về những người bạn - đồng đội như Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân, Vũ Xuân... Anh chia sẻ: “Bộ phim đã ngốn của tôi nhiều thời gian và công sức trong 5 năm trời làm biên kịch để có những thước phim hào hùng về bè bạn đã chiến đấu, hy sinh, bạc cả tóc đấy. Viết về bạn bè một thời khói lửa vào sinh ra tử, khóc thương bạn đến cạn nước mắt, chắc linh hồn bạn nơi chín suối cũng sẽ hiển linh để hiểu cho tấm lòng Cầm!”. Tôi tin là anh nói thật lòng mình. Anh là người sống không thể thiếu bè bạn, cũng như đã vội buồn khi bạn bè mải mê mà quên ngày sinh nhật của mình: “Hôm nay sinh nhật của tôi/ Không ai gọi điện, buồn ơi là buồn!”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có lẽ là người sinh ra để dành cho thi ca. Cả một đời mê đắm trong thi ca. Bởi là thi sĩ nên đi đâu cho dù trên vai chỉ có túi nải đựng vài thứ đồ, nhưng Hoàng Nhuận Cầm luôn tự tin hơn bất cứ ai. Nói đến thơ, chạm đến thơ là anh như một gã “điên”, bằng tất cả sức lực bình sinh đang có, “lên đồng” đọc thơ của mình và thơ của bè bạn. Đọc và nhận xét rất chuẩn xác từng câu hay, chữ tốt của từng người mà không bao giờ nhầm lẫn. Và dù trong trạng thái say hay tỉnh Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn khẳng định bản ngã và tình yêu thơ của mình: “Không có thơ là chết, không thở được, sẽ chết dần chết mòn cho hết màu xanh...”.

Dáng người gầy gò và gân guốc, quần áo ít khi là lượt, cái mũ lưỡi trai hơi nhầu nhĩ, vai thường đeo túi nải cũ như các bậc sĩ tử ngày xưa. Nhưng nhiều lúc, khi Hoàng Nhuận Cầm “nhập đồng” với điều gì tâm đắc người ta vẫn thấy anh điển trai. Bởi vậy, Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn tự nhận mình là gã trai Hàng Bạc - Hàng Đào hào hoa, đẹp trai... còn sót lại. Sau những điều tự nhận ấy, anh cười rất hả hê. Có lẽ, hiếm người ở tuổi anh giữ được phong thái trẻ trung ấy, bởi vì anh quá hồn nhiên, anh quá vô tư trong cách cười nói, tiếp chuyện. Lúc nào cũng vậy, gặp ai, kể cả đó là người ít tuổi hơn, Cầm vẫn luôn... lễ phép. Sau mỗi câu nói, Cầm luôn “ạ”, luôn “dạ”, luôn “cảm ơn”, đôi khi như thể anh chả là gì trong cõi trời đất này...

Tôi cũng từng tự hỏi vì sao đến tòa soạn anh hay xin báo, có thể đó là tờ báo cũ cách đây vài ngày, thậm chí vài tuần, vài tháng... Hóa ra, cái sự “cóp nhặt” ấy của Hoàng Nhuận Cầm là có lý do, như anh thổ lộ, sống ở trên đời, anh luôn biết ơn mọi người, đó là bác trông xe đạp, anh xe ôm, bà bán nước, hay chị bán cua quen thuộc của gia đình anh... Mỗi lần đi qua gặp họ, anh muốn mang lại cho họ một món quà, dù đó chỉ là một tờ báo cũ. Cũ nhưng chưa đọc có nghĩa là vẫn còn mới!

3. Nếu để cảm nhận về Hoàng Nhuận Cầm, sẽ có nhiều ý nghĩ khác nhau đan xen trong lòng những người biết ít nhiều về anh. Có người bảo Cầm khôn, có người bảo Cầm dại, có người bảo Cầm lập dị... Nhưng, hiểu anh hơn, mọi người sẽ tin rằng, đằng sau cái vẻ khó hiểu của anh là một con người chỉn chu và nhân hậu. Anh sống khá bản năng và tin vào linh cảm của chính mình. Thơ của anh là những trạng huống cuộc đời được trải lòng trên trang giấy, nó mộng mơ như thể con người thi sĩ trong anh những lúc cô đơn, trống vắng. Nó cũng đã đến và đồng điệu được với lòng người, để rồi những lúc buồn, lòng người vẫn hát lên những giai điệu của thơ anh: “Sẽ tan đi những thành phố bảy màu/ Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ/ Những giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ/ Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi/ Giọt mực em thong thả đến trong đời/ Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé/ Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé/ Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi, nhưng anh đã để lại một gia tài thơ đồ sộ, những câu thơ của anh thắp lửa trong lòng độc giả, trong lòng bè bạn với niềm yêu sống mãnh liệt: “Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết/ Vì tình yêu cuộc sống tràn đầy/ Nếu phải chết cho tôi xin được chọn/ Cái chết nào/ Lập tức/ Phục sinh ngay!” (“Thơ Phục Sinh”).

Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích như “Chiếc lá buổi đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...

Ngoài thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim và tham gia đóng phim. Hoàng Nhuận Cầm từng đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ “Xúc xắc mùa thu”.

Thi sĩ qua đời ngày 20-4-2021 tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: ''Vì tình yêu cuộc sống tràn đầy...''