Người phụ nữ thích lo việc “bao đồng”

Khánh Linh| 29/09/2020 12:21

(NSHN) - Từ ngày nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, một y tá từng làm việc trong quân đội, nay là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân lại càng năng nổ, nhiệt huyết với cộng đồng. Cảm phục tấm lòng cùng những việc làm của bà, nhiều người dân trong phường gọi bà với cái tên trìu mến: “Bà Thảo từ thiện”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo phát khẩu trang miễn phí trong đợt dịch Covid -19 vừa qua.

Được làm việc thiện là hạnh phúc

Đến phố Triều Khúc (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) hỏi thăm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ai cũng tấm tắc dành những lời khen ngợi cho lối sống nghĩa tình, có trước có sau của người phụ nữ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. 

Dáng người nhanh nhẹn, tháo vát, bà Thảo niềm nở, tươi cười ra tận cổng đón tôi vào nhà. Trước cổng nhà bà thấy tấm biển ghi: “Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Nam: Điểm tư vấn pháp luật tại cộng đồng”. Hỏi ra mới biết không chỉ có bà mà cả người bạn đời của bà - ông Trần Vương Luyện - cũng “chung vai gánh sức” cùng bà giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn gặp vướng mắc về pháp lý. Đôi mắt ánh lên niềm tự hào, bà Thảo kể: “Ông nhà tôi luôn động viên, khuyến khích tôi tham gia công việc xã hội để tạo niềm vui, sự lạc quan vào cuộc sống. Bản thân ông cũng tích cực cùng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 5 (Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Nam) tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho những ai có nhu cầu”. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia dọn rác cải tạo môi trường sống.

Dẫn tôi ra mảnh đất trống chừng 30 mét vuông ở đằng sau nhà, bà Thảo cho biết, trước đây là cái hố khá sâu và cũng là nơi những người ở trọ thường xuyên ném rác từ trên tầng xuống. Lâu dần không ai dọn dẹp, cái hố trở thành bãi rác bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Mặc dù không phải đất nhà mình nhưng bà Thảo đã xin phép chủ nhà được cải tạo khu đất đó. Nghĩ là làm, bà hì hụi nhiều ngày trời một mình lội xuống hố vớt hết rác đem về điểm tập kết theo quy định. Hưởng ứng việc làm của bà Thảo, tổ phụ nữ số 22 (Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5) đã trích quỹ để mua đất lấp đầy hố sâu đó, tạo cảnh quan đẹp mắt. “Mỗi lần đi qua thấy hố rác ngày xưa nay không còn, thay vào đó là khu đất phẳng phiu, sạch sẽ tôi thấy vui lắm”, bà Thảo tâm sự. 

Sinh sống gần Bệnh viện K3 Tân Triều, trong những năm qua, bà Thảo đã ủng hộ và vận động người dân tặng quà cho các cháu nhỏ đang điều trị tại bệnh viện, đồng thời khởi xướng phong trào phát cháo từ thiện cho bệnh nhân tại đây. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bà đã bỏ tiền túi mua hàng trăm khẩu trang phát cho những người đi đường tại đầu ngõ 58 phố Triều Khúc...

Sáng tạo trong các hoạt động vì cộng đồng

Không dừng ở những việc làm thiết thực, bà Thảo còn cùng lãnh đạo Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 5 sáng tạo trong các hoạt động vì cộng đồng. Các bà, các chị vận động người dân có mũ bảo hiểm cũ, hỏng quai mang về rửa sạch hoặc sửa chữa để mang ra treo trên tường ở đầu ngõ 58 với nội dung: “Mũ bảo hiểm miễn phí. Vì tính mạng con người, xin mời dùng”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia tặng quà cho các cháu nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện K3 Tân Triều.

Lý giải về việc làm này, bà Thảo cho biết, trên tuyến phố thường xuyên có những thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người khác, nhất là tại khu vực giáp ranh ngõ 58. Vì thế việc treo những chiếc mũ bảo hiểm ở đây sẽ giúp các bạn trẻ có ý thức hơn trong việc bảo vệ tính mạng của mình cũng như cộng đồng. Nối tiếp hoạt động này, bà còn có sáng kiến đóng tủ cứu thương với những vật dụng y tế như: Kéo, băng, gạc, thuốc, dầu gió... để nếu có xảy ra tai nạn thì người dân có thể sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. 

Ở tuổi xế chiều, trong khi nhiều người đã rời xa công tác xã hội, sống vui vầy bên con cháu thì bà Nguyễn Thị Phương Thảo lại thích lo việc “bao đồng”. Bà bảo rằng, nếu như ai cũng đặt lên bàn cân để suy tính thiệt hơn thì chắc có lẽ chẳng còn ai làm việc tốt... 

Những việc làm nhân văn của bà Thảo đang góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ thích lo việc “bao đồng”