Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Trong lửa có vị đắng

Nguyễn Trọng Văn| 14/03/2020 07:18

(HNMCT) - Năm 2005, tiểu thuyết đầu tay Luật đời & Cha con của Nguyễn Bắc Sơn ra đời, ngay lập tức trở thành một hiện tượng xuất bản. Ngay sau đó, tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài 26 tập mang tên Luật đời, được khán giả truyền hình bình chọn là phim truyền hình nhiều tập hay nhất năm 2007.

1. Đọc Lửa đắng, phần 2 của Luật đời & Cha con, tôi thành thật nói với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: “Trong tiểu thuyết ấy, em nghe như có lửa và cả vị đắng nữa bác ạ!”. Bản tính khiêm nhường, kiệm lời, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn từ tốn: “Cảm ơn ông, cũng nhiều người nhận ra hai vị ấy, bởi họ đều đồng thuận với tôi khi tôi viết: “Mắt Tổng Bí thư cháy lên một ngọn lửa rất lạ. Ngọn lửa ấy đã thắp sáng những người này, sưởi ấm những người kia, thiêu cháy những kẻ khác. Ngọn lửa ấy là thuốc đắng, là liều kháng sinh đặc trị những căn bệnh xã hội trầm kha, tưởng như không thuốc nào chữa khỏi” (trang 597, Lửa đắng)”.

Trước đó, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã viết nhiều nhưng ông toàn viết báo về đề tài giáo dục, truyện ngắn, ký và chuyên khảo về ngôn ngữ. Bài viết đầu tiên được in trên Báo Văn nghệ là về ngôn ngữ bởi ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Hà Nội trong hơn 20 năm, và có lẽ là người duy nhất đã nghiên cứu “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” dưới góc độ ngôn ngữ. Ông cũng xuất bản mấy tập truyện ngắn trước khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng có lẽ ông thành công hơn ở thể ký. Như ở cuộc thi viết kéo dài trong 10 năm (2001-2010) do Báo Hànộimới mang tên “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” tổ chức, có nhiều nhà văn tham gia nhưng ông là người có thành tích cao nhất khi giành 2 giải nhất, 1 giải nhì với các tác phẩm rất hay viết về cầu Long Biên, sông Hồng, xe buýt Hà Nội.

“Thế sao về hưu bác mới viết tiểu thuyết?” - tôi hỏi thẳng. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn từ tốn: “Viết tiểu thuyết tốn nhiều thời gian vật chất lắm. Mà tôi lại hay viết dài. Cứ phải hai tập một bộ”. Nói rồi Nguyễn Bắc Sơn cười thật thà.

2. Tôi thường gặp ông tới dự các cuộc gặp mặt đầu xuân với văn nghệ sĩ, báo chí Hưng Yên ở Hà Nội nên cứ yên chí ông là đồng hương. Hóa ra nhầm! Sinh năm 1941, Nguyễn Bắc Sơn cùng nguyên quán với Nghệ sĩ Nhân dân, nhà viết kịch Tào Mạt - làng Nủa, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nhưng ông lại sinh ra ở Nam Định, nơi thân phụ ông dạy học. Cha mẹ đặt tên ông là Nguyễn Công Bác (ý là sống phải công bằng, bác ái). Sau này ông đổi tên thành Nguyễn Bắc Sơn nhân một sự kiện đáng nhớ. “Năm 1950, tôi được anh ruột rủ vào đoàn nghệ thuật thiếu nhi do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thành lập. Do yêu cầu của tổ chức, ai cũng phải có bí danh nên tên tôi được đặt là Nguyễn Bắc Sơn. Từ đó tên ấy là tên thường gọi và cũng là bút danh của tôi”, ông nói.

Năm 1954, Nguyễn Bắc Sơn cùng gia đình “về lại Thủ đô” và rồi định cư luôn ở đây, “thành người Hà Nội”. Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962, “anh giáo Sơn” về dạy học ở xứ nhãn lồng Hưng Yên rồi “phải lòng” một cô gái làng có đôi mắt hạt nhãn, nước da trắng cùng mái tóc dài rồi nên duyên chồng vợ. Gần 10 năm “ở rể” xứ nhãn lồng ông mới được chuyển về Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội). Đầu năm 1972, chưa ấm chỗ ở ngôi trường mới thì ông lên đường nhập ngũ. Anh tân binh Nguyễn Bắc Sơn tham gia huấn luyện ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), đã nhận trang thiết bị để chuẩn bị “đi B”, cụ thể là vào Thành cổ Quảng Trị, thì lại được lệnh quay ra. Dạo đó chiến trường đang rất cần xăng dầu, nước bạn viện trợ xe chuyên dụng, vật tư để bộ đội ta làm kho chứa, lắp trạm bơm, đặt hệ thống đường ống dã chiến từ Đồng Đăng vào Tây Ninh. Thế là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện điều cả đơn vị huấn luyện lên Lạng Sơn để làm việc này.

Sau 2 năm quân ngũ, vì sức khỏe yếu nên Nguyễn Bắc Sơn được cấp trên cho xuất ngũ, về nhà làm nghề “gõ đầu trẻ”. Có hai nhiệm kỳ làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An nhưng “giáo Sơn” thích “gõ đầu trẻ” hơn thích làm quản lý nên xin về trường cũ để giảng dạy. Đúng dịp ấy, năm 1992, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đang cần người cho vị trí đứng đầu phòng nghiệp vụ quản lý hoạt động báo chí và xuất bản, thấy ông hay viết báo, viết văn nên xin đích danh ông. Thế là Nguyễn Bắc Sơn lại chuyển sang làm công tác quản lý, kể từ đó cho đến khi nghỉ hưu.

3. Tôi tiện thể hỏi luôn: “Thế bài báo đầu tiên bác viết là khi nào?”. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn lại từ tốn: “Năm 1972, viết cho bản tin “Chiến sĩ Hậu cần”, viết về chuyện thi công đường ống xăng dầu dã chiến qua đầm lầy”. “Vậy còn truyện ngắn đầu tiên?”. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cho hay: “In lần đầu trên Báo Văn nghệ là truyện Quả để dành”.

Gặp nhà văn Nguyễn Bắc Sơn ở ngoài đời tôi thấy câu nói “văn là người” có gì đó sai sai. Mái tóc dài bạc trắng, tác phong điềm đạm, ăn nói từ tốn và nhất là không thích tranh luận. Ấy vậy mà những trang viết cứ như bốc lửa. Tôi hỏi thì ông nói: “Quy luật là chân lý cụ thể. Cái gì đúng quy luật thì nó sẽ đến”. Thì ra sự từ tốn thường nhật của ông chính là điều để ông chiêm nghiệm, rút ra từ thực tiễn bao nhiêu năm sống ở một thành phố ăm ắp văn chương, ăm ắp sự kiện, vấn đề như Hà Nội.

Trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bắc Sơn, người ta nhắc nhiều đến cuốn tiểu thuyết Gã tép riu (NXB Hội Nhà văn). Đây là cuốn tiểu thuyết được ông thừa nhận như một cuốn tự truyện vì hầu hết vụ việc trong tiểu thuyết đều gắn với sự thật ngoài đời. Có lẽ cũng vì thế nên cách ra đời của nó cũng “bảy nổi ba chìm”, mãi đến khi nhà văn Trần Dũng, Tổng Biên tập NXB Lao động mạnh dạn gật đầu thì Gã tép riu mới được ấn hành.

Tổng kết cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3, nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Mảng văn học tham gia trực tiếp vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường và hội nhập có những đại diện xuất sắc như Nguyễn Bắc Sơn. Tác giả lấy bối cảnh trực tiếp về cuộc sống Thủ đô trong bối cảnh mới”. Nhà văn Ma Văn Kháng thì viết: “Trong Lửa đắng tác giả đã đẩy cuốn sách vào giữa dòng đời sôi sục của đổi mới”. Nội dung trong các tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, có thể nói: “Là bức toàn cảnh hôm nay. Nhà văn có tầm hiểu biết rộng, động vào lĩnh vực nào cũng có thể giải trình thấu đáo, chi li ngóc ngách của mọi mặt cuộc sống từ cao sang tới tầm thường, thậm chí nhiều khoản đạt đến mức quái kiệt”.

Sau 3 bộ tiểu thuyết mà nhân vật là cán bộ công chức được xem là “đặc sản” của mình, như nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn bất ngờ chuyển sang đề tài chiến tranh. Năm 2019, ông trình làng tập ký Võ Đại tướng với Điện Biên Phủ và tiểu thuyết Lính tăng (gần 600 trang) viết về bản hùng ca của các chiến sĩ xe tăng Việt Nam trên chiến trường Lào.

Ngỏ lời khen bút lực của nhà văn tóc bạc này thì ông bảo: “Tôi có hai cái chậm. Sống chậm và chậm chân. Suýt soát 80 tuổi mới được 40 năm tuổi Đảng, gần 20 tuổi nghề. Nhớ nhớ quên quên nhiều nhưng còn nghĩ được và còn viết được. Quỹ thời gian không còn bao nhiêu. Cố tận dụng. Bao giờ trời ới thì đi thôi ông ạ!”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Trong lửa có vị đắng