Nhà báo Lý Thị Trung: Một đời cầm bút - một đời đam mê

An Phú| 21/06/2019 11:41

(HNMCT) - Là một trong 42 học viên của trường dạy làm báo đầu tiên ở nước ta mang tên chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, nhà báo Lý Thị Trung đã có quá trình trưởng thành, phát triển trong môi trường làm báo tại các tờ báo Chiến sỹ, Quân địa phương (thuộc Liên khu 4 cũ), Thủ đô (nay là Báo Hànộimới)...

(HNMCT) - Là một trong 42 học viên của trường dạy làm báo đầu tiên ở nước ta mang tên chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, nhà báo Lý Thị Trung đã có quá trình trưởng thành, phát triển trong môi trường làm báo tại các tờ báo Chiến sỹ, Quân địa phương (thuộc Liên khu 4 cũ), Thủ đô (nay là Báo Hànộimới) và đặc biệt người ta nhắc nhiều đến bà trên cương vị là người phụ trách tờ báo Phụ nữ Thủ đô từ những năm đầu thời kỳ Đổi mới. Giờ đã ở tuổi 89 nhưng tình yêu với con chữ, với sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà vẫn luôn nồng cháy trong bà.

Như một cơ duyên

Nhiều người tìm đến nhà báo Lý Thị Trung vì tò mò muốn biết đến trường dạy làm báo đầu tiên ở nước ta. Bởi cho đến nay số học viên của lớp học còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong số đó thì sức khỏe của bà là tốt hơn cả.

Nói về những năm tháng được theo học lớp đào tạo báo chí đặc biệt này, bà Trung chia sẻ: “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đào tạo những nhà báo cách mạng, chỉ có 42 người, tôi là một trong 3 nữ sinh của lớp. Có lẽ tôi là số hiếm người trong lớp không công tác tại tòa soạn nào trước khi vào học, vì ngày đó tùy từng địa phương, tùy từng tỉnh mới có báo”.

Tuy không tham gia công tác trong lĩnh vực báo chí nhưng từ nhỏ bà Lý Thị Trung đã say mê viết, tham gia đoàn tuyên truyền đi diễn thuyết, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến, dạy văn hóa, giúp đỡ các gia đình tản cư... Các đợt sinh hoạt của đoàn tuyên truyền đa dạng từ nói chuyện, ngâm thơ, diễn kịch, vẽ tranh, tổ chức triển lãm..., nhưng đặc biệt nhất có lẽ là tờ báo viết tay 24 trang. Vì là thành viên năng nổ trong đoàn nên bà cũng tham gia viết văn, làm thơ, viết tin đăng báo.

“Khi ấy đồng chí Hoàng Ngân, đang là Bí thư Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đọc tờ báo viết tay và khen ngợi đoàn tuyên truyền của chúng tôi lắm... Bẵng đi cho đến năm 1949, đồng chí Xuân Thủy chuẩn bị mở một lớp dạy viết báo, và chính đồng chí Hoàng Ngân, dù chẳng biết cũng chưa từng gặp tôi bao giờ, đã nhớ ra trong đoàn tuyên truyền có một người phụ nữ viết báo rất hay nên chỉ định tôi đi học” - nhà báo Lý Thị Trung nhớ lại cơ duyên đến với lớp học này.

Tham gia lớp học viết báo ngày ấy đều là những nhà báo nổi tiếng sau này như: Nhà báo Trần Kiên, Hiền Nam (Báo Độc lập), Ngô Tùng (Báo Lao động), Mai Hồ (Báo Quân du kích), Nông Việt Liêm (Báo Độc lập ở Cao Bằng), Mai Thanh Hải (Báo Cứu quốc)... Lớp học chỉ diễn ra trong 3 tháng (từ tháng 4-1949 thì đến tháng 7-1949) là bế giảng nhưng được mời đến giảng dạy đều là những nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt...

Đặc biệt, lớp học không chỉ dạy viết một bài báo mà còn giảng dạy các lĩnh vực như phát hành, in ấn, thậm chí có cả những buổi giảng về thơ, về họa, cả những buổi tập huấn bắn súng... Bà Trung kể rằng, mục đích của việc trang bị cho một người làm báo những kỹ năng đa dạng như thế để sau này khi va chạm với thực tế hoặc khi đặt bút viết về bất cứ lĩnh vực gì, các nhà báo đều có những am hiểu căn bản, nền tảng...

Tham gia lớp học đặc biệt ấy, với riêng bà Lý Thị Trung còn là một cái duyên lớn khi bà tìm được ý trung nhân ngay tại lớp học, đó là ông Vương Như Chiêm. Khi con trai đầu lòng ra đời, ông bà đã đặt tên con là Vương Học Báo để khắc ghi về một quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm.

Sau này ông Vương Như Chiêm trở thành Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, còn người con trai cả Vương Học Báo trở thành một nhà điêu khắc nổi tiếng với những bức tượng ghi dấu trong làng mỹ thuật Việt Nam như tượng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa (Hà Nội), tượng thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc học Huế... Ngoài ra, ông bà còn một người con nữa là họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Một thời gian khó và tự hào

Nhà báo Lý Thị Trung (giữa) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu đoàn báo chí Hà Nội tại Bia Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.


Sau khi tốt nghiệp, bà Lý Thị Trung lần lượt trở thành phóng viên báo Chiến sỹ, báo Quân địa phương (thuộc Liên khu 4 cũ). Sau ngày Thủ đô giải phóng (10-10-1954), bà gắn bó cuộc đời mình với báo chí Thủ đô, trong đó dành hơn 30 năm công tác tại báo Thủ đô (nay là Báo Hànộimới) với công việc phóng viên ban Thời sự, làm mảng tin trong nước, cùng với nhà báo Hàm Châu làm mảng tin quốc tế và nhà báo Phạm Sáu làm Trưởng ban.

Tiếp đó là 6 năm tham gia sáng lập, gây dựng và làm việc tại báo Phụ nữ Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội. Cũng vì là người tham gia sáng lập nên nhiều người vẫn gọi bà là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ Thủ đô, song nhà báo Lý Thị Trung luôn khiêm nhường từ chối. Bà bảo rằng phải gọi cho đúng là người phụ trách, mà người phụ trách trên bà là đồng chí Phương Kim Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.

Đó là vào năm 1986, một hôm, đồng chí Phương Kim Dung hỏi bà rằng: “Một mình chị Trung có xây dựng được một tờ báo không?”. Nhận thấy đây là nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của chị em phụ nữ Thủ đô có một tờ báo truyền tải tiếng nói cho giới mình nên bà Trung không có lý do gì để từ chối. Vậy nên, dù nhân lực, vật lực không có, bà vẫn quyết làm. Buổi đầu gặp muôn vàn khó khăn, không có trụ sở, cũng chẳng có Ban Biên tập với Thư ký Tòa soạn. Một mình nhà báo Lý Thị Trung phải xoay từ A đến Z.

Thế rồi, mọi chuyện cũng xong xuôi, ngày ấn định ra số báo đầu tiên vào ngày 19-8-1986 diễn ra suôn sẻ. Tờ báo được xuất bản trong bối cảnh “tay không bắt giặc”, đến nỗi, nhà thơ Trần Lê Văn trong một lần đến gửi bài cộng tác đã cao hứng làm hai câu thơ để nói về chuyện này: "Tòa cũng không, soạn cũng không/ Thế mà ra báo thật là ngông".

Niềm vui tuổi 89


Hẳn những ai tham dự sự kiện Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) - do Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy Thái Nguyên phối hợp tổ chức - đều rất ấn tượng với hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng, diện bộ áo dài đen, quàng chiếc khăn màu đỏ thẫm nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh và luôn tươi cười.

Đó chính là nhà báo Lý Thị Trung - học viên duy nhất của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có thể tham dự sự kiện này, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, sau 70 năm với rất nhiều nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam, sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng như các ngành, đơn vị và nhân dân vùng di tích, các học viên, các nhà nghiên cứu lịch sử, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.

Dĩ nhiên, hơn ai hết với nhà báo Lý Thị Trung thì dấu ấn của 70 năm đã qua có rất nhiều ý nghĩa và giá trị mà có lẽ những người đồng môn của bà hoặc đã đi xa, hoặc vì lý do sức khỏe mà không được may mắn chứng kiến. Với riêng bà, 70 năm kể từ ngày cô gái trẻ được tham gia trường dạy làm báo Cách mạng đầu tiên và bước vào con đường làm báo chuyên nghiệp cho đến tận hôm nay, khi đã bước vào tuổi 89, bà vẫn không rời cây bút. Bởi cầm bút mỗi ngày chính là cách để bà nuôi dưỡng tâm hồn và tinh thần, để nỗ lực giữ nghề mà bà đã tâm huyết theo đuổi suốt cuộc đời.

Nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung (tên thật là Nguyễn Thị Minh Ngọ) sinh năm 1930, trong một gia đình có bố quê ở Hưng Yên, mẹ quê ở Bắc Ninh. 


Giải thích về bút danh của mình, bà cho biết lấy tên làng của mẹ - làng Thị Trung, phần vì yêu mến nhân vật Lý Chiêu Hoàng vì thời đi học được tham gia diễn vở kịch thơ Lý Chiêu Hoàng nên đã lấy bút danh Lý Thị Trung. Bà hiện là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Đến nay, bà đã xuất bản 10 đầu sách, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Lý Thị Trung: Một đời cầm bút - một đời đam mê