Sơn Ðồng những ngày cuối năm

Bài và ảnh: Ngọc Bảo| 18/12/2022 06:21

(HNNN) - Có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 800 năm, làng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) là một trong những làng nghề điêu khắc, tạc tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc lớn nhất Việt Nam. Dịp cuối năm về thăm làng nghề, thấy rõ không khí tất bật, khẩn trương của các nghệ nhân, thợ làm nghề để phục vụ nhu cầu chơi Tết của khách hàng.

Xưởng sản xuất của anh Đăng Văn Liêm.

Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 15km về phía Tây, đường về Sơn Đồng khá thuận tiện khi có thể dễ dàng kết nối với quốc lộ 32 hoặc cao tốc Láng Hòa Lạc. Do đó, hàng hóa ở Sơn Đồng được vận chuyển đi khắp nơi một cách thuận lợi, đó cũng là một trong những lý do khiến làng nghề trở nên nổi tiếng.

Về Sơn Đồng dịp này, chúng tôi thấy trên con đường quanh làng ô tô nối đuôi nhau vào vận chuyển hàng. Đâu đâu cũng thấy xưởng nghề, tiếng lách cách đục đẽo. Nhà cao tầng khang trang mọc lên như nấm, cho thấy nghề tạc tượng và đồ thờ đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân làng quê xứ Đoài này.

Ghé thăm xưởng của anh Đăng Văn Liêm (sinh năm 1990), chúng tôi bất ngờ với những sản phẩm tinh xảo, bắt mắt mà những người thợ đang làm. Là đời thứ 3 theo nghề và bản thân đến với nghề từ năm 15 tuổi, với anh Liêm, tình yêu nghề đã ngấm vào máu lúc nào không hay.

“Nhà tôi có khoảng 40 thợ, chia vào làm ở xưởng mộc và sơn. Xưởng sơn thì làm tại chỗ trên diện tích khoảng 250m2, còn xưởng mộc có phần cơ động hơn khi có thể cho thợ mang về nhà làm. Thu nhập của thợ chính khoảng 500 nghìn đồng/ngày, còn thợ phụ khoảng 270 nghìn đồng/ngày. Thợ ở xưởng tôi đa phần ở độ tuổi 30 - 50, chủ yếu là người làng nhưng cũng có một số thợ ở nơi khác đến. Nhu cầu của khách hàng thường tăng cao vào dịp cuối năm nên những ngày này chúng tôi “chìm” trong công việc. Đề cao uy tín của làng nghề cũng như của cửa hàng, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, làm hài lòng nhu cầu của khách hàng” - anh Liêm chia sẻ.

Là người trẻ nhanh nhạy bắt kịp với xu thế thời đại, anh Liêm đã xây dựng 2 trang web bán hàng về đồ thờ và tượng nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm đến khách hàng. Chính vì thế, có những khách hàng ở xa như Phú Quốc (Kiên Giang) cũng gọi đặt hàng, thậm chí anh Liêm và thợ còn vào tận nơi để làm vì có những sản phẩm sau vài năm là phải sơn sửa lại. Đặc biệt, với những đồ có giá trị cao, anh phải tư vấn, triển khai dựa trên ý tưởng của khách hàng.

“Trong tương lai, tôi muốn xây dựng và phát triển hơn nữa cơ sở của mình, đặc biệt là hướng đến những đồ tâm linh. Làng nghề đã có thương hiệu nhưng trách nhiệm của những người trẻ như chúng tôi là phải phát huy điều đó và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, tôi cũng sẽ đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Bản thân những người trẻ như chúng tôi cũng lập ra một nhóm riêng để kịp thời kết nối, giao lưu, học hỏi kỹ thuật làm nghề của nhau” - anh Liêm chia sẻ.

Những ngày này, khu xưởng của anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1980) với 30 người thợ hầu như phải hoạt động hết công suất bởi lượng hàng phải trả cho khách vào dịp cuối năm gấp 2 - 3 lần ngày thường. “Phải làm số lượng nhiều trong thời gian gấp gáp như vậy nhưng chúng tôi xác định không làm ẩu, làm qua quýt cho xong. Chúng tôi làm sản phẩm nhiều khi không có mẫu sẵn mà chủ yếu do nhu cầu của khách hàng, coi “khách hàng là thượng đế”. Người làng Sơn Đồng tài hoa trong nghề sơn, tạc, tạo ra được những bức tượng lớn và những đồ tâm linh có giá trị, đạt độ tinh xảo nhưng chúng tôi luôn coi những gì mình làm được còn rất nhỏ nhoi, thế giới sáng tạo còn rất rộng lớn. Vì vậy, chúng tôi vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề” - anh Tuấn bộc bạch.

Hoạt động của làng nghề Sơn Đồng luôn nền nếp, quy củ một phần là do chủ trương thành lập Hiệp hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng từ nhiều năm trước, do Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Viết Thạnh làm Chủ tịch. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Viết Thạnh cho biết: “Tuy có lịch sử ra đời từ lâu nhưng vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã bị mai một ít nhiều. Sau đó, các nghệ nhân như Nguyễn Đức Cường và Nguyễn Chí Dậu đã khôi phục và đưa thương hiệu làng nghề phát triển mạnh trở lại. Từ đó, làng nghề đã đào tạo ra những lớp kế thừa mới, nay đã trở thành những nghệ nhân và thợ lành nghề. Không chỉ kế thừa, lớp thợ trẻ còn không ngừng đổi mới sao cho phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Để tập hợp, đào tạo, bồi dưỡng những người làm nghề ở Sơn Đồng, chúng tôi đã thành lập Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng với 51 hội viên ban đầu; cho đến nay, số hội viên chính thức tăng lên trên 500 và số hội viên trực thuộc lên đến trên 2.000 người. Điều đó cho thấy, nghề làm tượng và đồ thờ cúng đã và đang thực sự thu hút người dân địa phương”.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, hiện làng nghề có trên 400 hộ còn giữ nghề, với hơn 4.000 người, chiếm khoảng 80 - 90% dân số của xã. “Để làm ra bức tượng hay đồ thờ cúng thì phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công, tỉ mỉ, từ chọn gỗ, chọn sơn, chọn loại đất pha trộn, tỷ lệ pha trộn, tạo hoa văn... Điều quan trọng là cái tâm của người thợ. Trải qua năm tháng, chúng tôi luôn bảo ban nhau rằng kinh tế là rất cần thiết nhưng uy tín, thương hiệu làng nghề mới là điều quan trọng, cao quý nhất. Uy tín, thương hiệu thì phải được dày công vun đắp rất nhiều năm mới có được, đó sẽ là chiếc “cần câu” để con cháu ngàn đời sau tạo sinh kế” - ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, xã luôn chú trọng việc quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động cho làng nghề truyền thống để phát triển làng nghề một cách bền vững. Cùng với đó, xã đang tiếp tục đề nghị với các cấp để thực hiện dự án phát triển làng nghề truyền thống, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nhiều hơn nữa cho người dân địa phương. Đặc biệt, xã cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động cho các hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để thương hiệu làng nghề Sơn Đồng càng bay cao, bay xa, xứng đáng với lịch sử 800 năm rất đáng tự hào.

Có thể nói trong xã hội hiện đại, khi đời sống vật chất của người dân càng đủ đầy thì nhu cầu về đời sống tinh thần ngày càng cao. Đồ thờ cúng và tượng chính là những giá trị tâm linh mà người dân tìm đến để hướng về tổ tiên, cội nguồn. Bởi thế, cơ hội mở ra với làng nghề Sơn Đồng là rất lớn. Nhưng thách thức, khó khăn cũng còn không ít, điều quan trọng là người dân làng nghề Sơn Đồng nắm bắt được cơ hội, tận dụng được công nghệ để đưa làng nghề xứng danh là “thủ phủ” về tạc tượng và đồ thờ cúng ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sơn Ðồng những ngày cuối năm