Yên Trường - nếp làng trong cơn lốc đô thị hóa

Bạch Thanh| 17/11/2022 08:46

(NSHN) - Thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) đang đổi mới từng ngày với các cụm, điểm công nghiệp, kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển. Dù vậy, Yên Trường vẫn giữ được những nếp nhà cổ kính, không gian thoáng đãng, yên bình, cây đa, giếng nước, sân đình và cuộc sống giản dị của những người dân hồn hậu, cần cù...

Đến Trường Yên, ta dễ dàng bắt gặp không gian thoáng đãng, yên bình.

Độc đáo làng cổ ven đô

Men theo hàng phượng vĩ xanh mát, làng Yên Trường cổ kính hiện lên với những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo đan xen vào nhau sâu hun hút, ở đó là những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo, vật liệu làm từ đá ong, có tác dụng giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Ở Yên Trường vẫn còn bảo tồn được hơn chục ngôi nhà đá ong có tuổi đời 100-200 năm tuổi.

Những ngôi nhà cổ này được xây dựng theo lối kiến trúc nhà vườn Bắc Bộ với 3 gian 2 chái và khoảng sân rộng trước mặt. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ hoa mỹ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm.

Bên cạnh tường đá ong là những cánh cổng cổ, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi các câu chữ Hán Nôm mang ý nghĩa mong sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa. Tất cả cánh cổng cổ ở Yên Trường có điểm chung là thấp, phù hợp chiều cao của người Việt xưa kia. Nhiều cổng có niên đại đến hàng trăm năm.

Ông Trịnh Văn Hưng - một trong những chủ nhân có ngôi nhà cổ đẹp của làng chia sẻ, đời sống hiện đại, nhiều người muốn xây biệt thự hoặc chia một phần đất đai cho con cháu, nhưng gia đình ông luôn nhắc nhở nhau, từ bản thân ông đến các con cháu, cố gắng giữ lại nếp nhà cổ của cha ông.

"Xưa kia, để xây dựng ngôi nhà cổ này, ông cha đã phải lặn lội đi lên tận Sơn Tây, Ba Vì... để lấy đá ong về làm tường; chọn những tay nghề có tiếng nhất vùng để xây nhà. Ông bà, cha mẹ đã gửi gắm cho thế hệ sau công lao của mình nên chúng tôi càng trân trọng", ông Hưng nói.

Không gian cổ kính của làng quê Yên Trường không chỉ thể hiện qua những công trình kiến trúc rêu phong mà còn hiện hữu trong những sinh hoạt thường nhật đã thành nét đẹp nhiều đời trong cuộc sống của những người quê đôn hậu, chất phác. Những giếng đá ong là nơi giữ gìn nguyên vẹn nhất những giá trị vật chất và tinh thần của người làng Yên Trường qua năm tháng, thời gian...

Ông Trịnh Bá Tín, ngày ngày vẫn kéo nước từ những giếng cổ của làng để dùng, chia sẻ, làng còn 7 giếng, nằm rải rác ở các xóm. Mỗi giếng là một câu chuyện đời cùng chuyện tâm linh. Các giếng làng được đặt ở những nơi cao ráo, thoáng mát, gần nơi tập trung cộng đồng. Giếng làng cũng tượng trưng cho không gian văn hóa của làng, là nguồn sống và là tài sản vô cùng quý giá. Bên mỗi giếng nước đều có cổ thụ soi bóng mát và am nhỏ để thờ. Nước giếng được lọc qua đá ong trong vắt. Ngày nay, người dân vẫn sử dụng nước giếng để đồ xôi, rửa lá gói bánh chưng. Trải qua biến thiên của thời gian, những giếng cổ làng Yên Trường vẫn tồn tại như một phần ký ức của người làng, cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống hiện đại...

Điểm sáng về không gian xanh nông thôn

Một điểm rất sáng ở Yên Trường mà không phải nơi nào cũng có, đó là không gian xanh, không gian công cộng dành cho người dân rất thoáng đãng, rộng rãi. Nhiều ao, hồ được xây kè kiên cố, xung quanh có rặng cây, ghế đá khiến Yên Trường tựa như một công viên thu nhỏ... Hàng rào được làm từ cây ô rô theo kiểu truyền thống đặc trưng của làng quê Việt. Nhìn từ xa, hàng rào ô rô độc đáo này xanh mướt, bao trọn phía trước ngôi nhà, đó là công trình của gia đình ông Trịnh Nhân Kỳ.

Để có được cổng và hàng rào được đan bện bằng cây ô rô như thế, suốt 30 năm qua, ông Kỳ đã tỉ mẩn tạo dáng cho cổng nhà và tường rào thành tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên kỳ thú giữa làng quê thanh bình. Việc làm của ông Kỳ không chỉ làm đẹp thêm cảnh quan cho quê hương, là cách để bảo lưu giá trị truyền thống, mà còn nhắc nhở mọi người hãy yêu, bảo vệ cây.

"Lúc đầu gia đình làm những hàng rào này với mục đích để ngăn trẻ con ra ao, hồ quanh nhà. Khi được cắt tỉa, chăm sóc gọn gàng, nhiều người khen ngợi, gia đình càng dày công chăm chút, làm đẹp cho ngôi nhà và làm đẹp cho làng", ông Trịnh Nhân Kỳ chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên Trịnh Quang Huy, những năm qua, không chỉ thôn Yên Trường được người dân gìn giữ, xây dựng không gian xanh, mà trên địa bàn xã đã thu hút đông đảo các hội đoàn thể, nhân dân tham gia. Theo đó, các đoàn thể phối hợp xây dựng 3 đoạn đường tranh tường, xây dựng vườn hoa tại đoạn đường Trạm Y tế xã; Hội Phụ nữ xã hội hóa được 386 triệu đồng mua trang thiết bị thể dục lắp đặt 3 sân chơi ngoài trời và đổ bê tông sân chơi cộng đồng; Hội Nông dân trồng 100 cây hoa phong linh ở tuyến đường Đìa Cát đi Đìa Vỡ; Đoàn Thanh niên xã hội hóa được 2 sân chơi cho thiếu nhi...

Xác định là một trong những địa phương đang đô thị hóa, mỗi người dân làng Yên Trường luôn cố gắng giữ được nếp làng, nếp xã, phong tục tập quán tốt đẹp cùng cảnh quan môi trường nông thôn thanh bình...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yên Trường - nếp làng trong cơn lốc đô thị hóa