Ðau đáu giữ nghề truyền thống

Bài và ảnh: Bảo Châu| 17/09/2022 13:23

(HNNN) - Theo câu hát “Bóng ai thấp thoáng/ Nón trắng nhấp nhô/… Ơi em gái làng Chuông trăm thương nghìn nhớ/…”, tôi tìm về làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) trong những ngày đầu tháng 9. Có về đây mới thấy làng quê nay tuy đang trên đà đô thị hóa nhưng có những người cao tuổi vẫn tâm huyết với việc giữ nghề nón truyền thống.

Nhiều người cao tuổi ở làng Chuông vẫn mặn mà, tâm huyết với việc giữ nghề nón truyền thống.

Làm cho... đỡ nhớ nghề

Nhà ông Lê Văn Khuyên (sinh năm 1945) ở cuối làng. Vừa đi viện về, sức khỏe còn yếu nhưng khi nhắc đến nghề làm nón thì ông hào hứng ngay. Ông kể, trước đây gia đình ông sống bằng nghề làm nón, nuôi được 4 người con trưởng thành. Hồi ấy, để tăng thu nhập, ông bà từng lăn lộn mang nón về tận nhà người quen ở Hải Dương để bán. Giờ đây con cái cũng có điều kiện hơn, vấn đề kinh tế không còn được đặt nặng nữa, ông bà vẫn túc tắc làm nghề. “Bà nhà tôi thi thoảng vẫn ngồi làm nón, tất nhiên là làm để đỡ nhớ nghề thôi, chứ thu nhập thì chả đáng là bao.” - ông Khuyên chia sẻ.

Cũng theo ông Khuyên, giờ đây, ở làng Chuông còn rất ít nhà làm nón, chủ yếu là các hộ gia đình người cao tuổi còn làm thôi. Ông Khuyên nhấn mạnh: “Nghề truyền thống quý thì quý đấy nhưng cuộc sống thay đổi, cần có nghề kiếm được tiền. Chúng tôi vẫn luôn động viên các con, các cháu học hành, công tác tiến bộ để thoát ly, còn nghề làm nón chỉ là khi nào rảnh thì ngồi làm cho đỡ… quên nghề. Bởi nghề làm nón đã tồn tại trong ký ức của người dân trong làng từ hàng trăm năm nay. Nó là truyền thống, là văn hóa và là niềm tự hào của người dân làng Chuông chúng tôi. Nói bỏ thì không thể bỏ được”.

Trò chuyện với nhiều người nữa trong làng mới thấy, có những người dù rất muốn giữ nghề nhưng phần lớn đều đã tuổi cao sức yếu, mắt kém, công việc vất vả mà chỉ mang lại thu nhập không đáng là bao nên họ đành ngậm ngùi nhìn nghề làm nón đang dần “nhạt” trên làng quê ven sông Đáy này. Thế hệ sau các cụ cũng đã thành ông, thành bà ở lứa tuổi trên dưới 60, một vài hộ vẫn còn giữ được và sống được với nghề làm nón nhưng tuyệt không thấy người trẻ làm nón nữa…

Khi tôi đến, ông Phạm Văn Hùng (sinh năm 1953) đang cùng vợ là bà Hoàng Thị Việt (sinh năm 1956) cặm cụi ngồi đan nón ở hiên nhà. Ông bà kể cho tôi nghe về những kỷ niệm về nghề làm nón của làng. Ông bà đã gắn bó với nghề làm nón từ nhỏ và giờ đây vẫn tiếp tục gắn bó với nghề dù cuộc sống có nhiều thay đổi. Nghề làm nón không chỉ nuôi sống cả nhà ông bà với 4 người con, mà còn là cơ duyên để hai người quen biết rồi nên vợ nên chồng. Bà Việt kể: “Trước đây, cứ đến buổi tối là thanh nữ 16, 17 tuổi chúng tôi thường ngồi la liệt ở đình làng hay ở nhà nào đó có sân rộng để khâu nón. Các chàng trai muốn tán cô nào thì đến đó phụ đỡ cô ấy khâu nón. Trong số các chàng năm ấy có ông Hùng. Chúng tôi kết hôn vào năm 1974 và đến nay, sau gần nửa thế kỷ, chúng tôi vui mừng khi vẫn giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại”.

Ông bà Hùng - Việt nằm trong số ít gia đình có cả hai vợ chồng đều cùng giữ nghề làm nón. Với họ, công việc này dù cho thu nhập không cao nhưng ở cái tuổi 70 rồi thì vẫn là nghề phù hợp. Bà Việt nói vui: “Nhà cấy lúa có gạo ăn rồi, giờ làm thêm nón để lấy tiền mua thức ăn. Mỗi ngày nếu chăm chỉ thì chúng tôi cũng làm được 2 chiếc nón, trừ chi phí cũng được khoảng 150 nghìn đồng. Ở làng quê kiếm được số tiền ấy cũng là quý rồi. Với người trẻ thì khác, chứ chúng tôi nhu cầu chi tiêu không nhiều thì cũng coi là đủ sống”.

Bà Việt vừa thành thạo khâu nón vừa giới thiệu về công đoạn để tạo ra một chiếc nón lá làng Chuông với 5 đặc điểm “chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp” cũng như cách chọn lá, uốn vòng… “Có nhiều làng, nhiều nơi làm nón nhưng nón làng Chuông vẫn là nhất miền Bắc. Nón lá làng tôi làm ra có đến 16 lớp vòng, giúp cho nón bền chắc đẹp, mềm mại và tròn đều. Để có chiếc nón thì phải trải qua 10 công đoạn tỉ mỉ, công phu, đó là vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và lợp ba lớp lá” - bà Việt kể.

Đang trò chuyện thì chị Lưu Thị Hương - con dâu của ông bà đi làm về. Là cô giáo dạy nhạc kiêm Tổng phụ trách đội ở Trường Tiểu học Phương Trung nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm nón. Chị Hương bảo, chị biết làm nón từ năm 6, 7 tuổi và đã quen với mùi cọ, mùi quang dầu trên chiếc nón. “Hiện nay, lứa 8x chúng tôi đa số làm công tác bên ngoài nhưng vẫn tranh thủ thời gian ít ỏi để làm nón. Với một cô giáo như tôi thì việc làm nón còn là làm phong phú thêm những câu chuyện cho học sinh về truyền thống của làng quê. Với học sinh thì việc bồi đắp tình yêu với làng quê đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức” - chị Hương tâm sự.

Lưu giữ truyền thống

Ông Phạm Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết: Hiện số hộ làm nón tại làng Chuông không nhiều. Thu nhập từ nghề cũng thấp hơn so với các nghề khác và chủ yếu tận dụng lao động nhàn rỗi, hoặc người già hay các cháu nhỏ phụ giúp gia đình. Tuy vậy, chính quyền địa phương vẫn tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để bà con giữ nghề truyền thống.

Hiện nay, người làng Chuông làm nhiều loại nón như nón lá lụi (non), nón lá già, nón quai thao… Nón lá lụi đặc biệt nhẹ nhưng không bền, còn nón lá già nặng nhưng lại có độ bền cao. Nón lá non, nón lá già thì nhiều người làm, riêng số người làm nón quai thao thì ít hơn. Nói đến người làm nón quai thao hiện nay của làng Chuông thì phải nhắc đến bà Trần Thị Hoa (sinh năm 1960) - con gái của cố nghệ nhân Phạm Trần Canh, người đã tìm và khôi phục lại cách làm chiếc nón quai thao của làng Chuông. Bà Hoa chia sẻ: “Đã chọn làm nón cổ thì chắc chắn không phải vì mưu sinh. Tôi đam mê nghề và coi việc lưu giữ nghề truyền thống là cách để tôi cảm thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn”.

Cũng theo bà Hoa, hiện nay, nhu cầu sử dụng nón quai thao ít hơn, chủ yếu phục vụ cho hát quan họ hay hát trong các lễ hội. Làm nón quai thao kỳ công và mất nhiều thời gian, công sức hơn. Giá nón quai thao cũng đắt hơn nón thường nhưng trừ chi phí đi thì số lãi cũng không đáng mấy. “Bố tôi cất công đi nhiều tỉnh để tìm lại nghề làm nón quai thao làng Chuông khi đó đã thất truyền. Bởi vậy, là người con tôi không thể không giữ nghề của ông để lại được” - bà Hoa khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Hằng, người bán nước ở cổng đình làng Chuông bảo, ở làng Chuông hiện nay mỗi tháng có 6 buổi bán nón, đó là vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Chợ thường họp rất sớm, từ 4h30 đến 6h sáng. “Hiện nay, ở làng Chuông ít người làm nón nên hàng không bao giờ lo ế. Người ta thường mang nón ra chợ bán cho khách lạ, còn khách quen thì thường vào nhà mua và cũng có thể đặt cho mình những cái nón theo mẫu yêu thích” - chị Hằng nói thêm. Với tình yêu nghề của người dân, ông Phạm Ngọc Bảo bày tỏ tin tưởng nghề làm nón sẽ tiếp tục còn gắn bó với người dân làng Chuông dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chia tay làng Chuông, trong tôi vẫn còn văng vẳng câu thơ: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Đà đô thị hóa đã làm nghề truyền thống mai một, nhưng chắc chắn nghề của cha ông sẽ không thể mất đi một cách dễ dàng khi có những người tâm huyết như bà Việt, ông Hùng, bà Hoa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ðau đáu giữ nghề truyền thống