Hiệu quả chăn nuôi ở xã Cấn Hữu

Hoàng Văn| 31/08/2022 07:22

(HNM) - Những năm gần đây, việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Cấn Thượng là người tiên phong trong phát triển chăn nuôi theo chuỗi tại xã Cấn Hữu. Trên diện tích khoảng 1,3ha, gia đình anh đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng trang trại tổng hợp, trong đó xây dựng 2 khu chăn nuôi lợn quy mô 100 nái và 600 lợn thịt/lứa, 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng có tổng đàn 40.000 con/lứa... Sản phẩm của trang trại đều được Công ty cổ phần Thương mại 5SPro ký hợp đồng thu mua, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu) thành lập từ năm 2016, do 10 hộ gia đình liên kết chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Từ khâu chọn con giống, phối trộn thức ăn đến khâu giết mổ, chế biến thành các sản phẩm như giò chả, xúc xích, thịt lợn viên... được hợp tác xã thực hiện theo quy trình khép kín. Hằng năm, hợp tác xã cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản an toàn tại huyện Quốc Oai và Khu đô thị Time City hơn 200 tấn thịt lợn sạch, 50-70 tấn giò chả, xúc xích. Đặc biệt, hiện nay các sản phẩm của hợp tác xã còn được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao.

Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải cho biết, đây chỉ là 2 mô hình tiên phong trong sản xuất theo chuỗi đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Bởi, trong vùng chăn nuôi tập trung, xã còn phát triển được 65 trang trại tổng hợp. Trong đó có 10 trang trại chăn nuôi lợn, với số lượng 1.300 con/trang trại/năm; 38 trang trại nuôi gà, quy mô 5.000-50.000 con/lứa... Các trang trại đã liên kết thành hội chăn nuôi và xây dựng thành 6 nhóm chăn nuôi an toàn. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều đăng ký mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp cung cấp thức ăn và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Doanh thu của mỗi trang trại đạt từ 2 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, thu lãi từ 500 triệu đồng đến 4 tỷ đồng/năm...

Đánh giá về hiệu quả của mô hình sản xuất theo chuỗi ở xã Cấn Hữu, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, khi các tổ chức, cá nhân thành lập chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, huyện đều hỗ trợ thủ tục thuê đất, xây dựng đề án bảo vệ môi trường, tập huấn kỹ thuật, bảo lãnh vay vốn ưu đãi, giới thiệu doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm... Chính vì vậy, từ chuỗi sản xuất - tiêu thụ thịt lợn sinh học và trứng gà sạch ở Cấn Hữu, đến nay Quốc Oai đã phát triển được hàng chục mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, như: Mô hình chăn nuôi gà đồi ở xã Đông Yên, trồng nhãn chín muộn ở xã Đại Thành, sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Hương và xã Yên Sơn...

Để nhân rộng mô hình, huyện Quốc Oai kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, gắn cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Đặc biệt, thành phố hỗ trợ công nghệ chế biến sâu các sản phẩm để chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chăn nuôi ở xã Cấn Hữu