Tích cực hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển kinh tế

Ánh Dương| 20/06/2022 08:00

(HNM) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm tích cực hỗ trợ hội viên vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế và quản lý nguồn vốn vay bảo đảm hiệu quả, đúng quy định. Từ đó, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân. Đây cũng là hướng đi được các cấp Hội Nông dân tại Gia Lâm chú trọng trong thời gian tới.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nông dân huyện Gia Lâm đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lan Nguyễn

Năm 2021, Hội Nông dân xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) đã hỗ trợ hơn 200 hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ tại các Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 9 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: "Các hộ hội viên chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rau màu sang cây ăn quả các loại như chuối, bưởi, cam, đu đủ, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, người nông dân yên tâm sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, cũng tạo động lực để nhiều hộ khác mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng".

Điển hình như hộ hội viên Nguyễn Xuân Tú ở thôn Tô Khê, trồng chuối trên diện tích 2,5ha. Sau khi được vay vốn, gia đình ông Tú đầu tư cây giống, phân bón, làm đất… nhờ đó cây sinh trưởng tốt và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thôn Đại Bản cũng chuyển sang trồng cây đu đủ trên diện tích 7 sào; Hợp tác xã dược liệu Phú Thụy được vay 500 triệu đồng để triển khai trồng, thu hoạch, chế biến cây dược liệu...

Tiếp tục hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển kinh tế, từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Nông dân xã Phú Thị tổ chức giải ngân 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 30 hội viên vay. “Nhờ kinh tế phát triển ổn định nên thu nhập bình quân ở Phú Thị khá cao, đạt 57 triệu đồng/người/năm. Từ nay đến cuối năm 2022, trên cơ sở các dự án phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được xây dựng, Hội tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để 40 hộ hội viên vay tổng số 2,2 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thị Nguyễn Thị Lan thông tin.

Tương tự, xã Kim Sơn trong năm 2021 cũng hỗ trợ 205 hộ hội viên vay vốn từ các nguồn ưu đãi với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; trong hơn 5 tháng của năm 2022, hỗ trợ hơn 100 hộ vay gần 3 tỷ đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rau màu, lúa cho hiệu quả thấp sang trồng chuối tiêu hồng, chuối tây.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn Bùi Văn Quyên chia sẻ: "Toàn xã có hơn 240ha đất nông nghiệp, đến nay đã có 180ha chuyển sang trồng chuối. Nhiều hộ hội viên canh tác trên diện tích lớn, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, điển hình như hộ ông Nguyễn Viết Đoàn trồng 4ha chuối và chăn nuôi đàn bò, lợn".

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, tính đến nay, tổng dư nợ Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện đạt hơn 39 tỷ đồng, cho 1.537 hộ hội viên vay vốn. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã giải ngân 7,58 tỷ đồng cho 170 hộ vay thực hiện 14 dự án phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm quản lý dư nợ 174 tỷ đồng với 3.253 hội viên vay vốn; kết nối với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hỗ trợ 111 hộ hội viên vay vốn, tạo việc làm… Các nguồn vốn đều được nông dân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn.

“Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Bưu điện Liên Việt để lập dự án cho nông dân vay vốn; đồng thời rà soát, hỗ trợ hội viên vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống”, ông Chu Anh Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tích cực hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển kinh tế