Tạo vành đai xanh cho Thủ đô

Đỗ Minh| 21/04/2022 06:28

(HNM) - Những năm gần đây, với các hoạt động thiết thực, nông dân huyện Phúc Thọ đã góp phần tạo cảnh quan, môi trường trong lành, sạch đẹp trong từng gia đình, thôn xóm. Không chỉ làm đẹp làng quê, Hội Nông dân huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt để Phúc Thọ thực sự trở thành vành đai xanh của Thủ đô.

Nông dân xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) chăm sóc, cắt tỉa hàng cây tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Nhiều phong trào bảo vệ môi trường hiệu quả

Con đường dẫn về xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) nối dài những cây xanh, đường hoa. Bà Khuất Thị Thêm (thôn 5, xã Tích Giang) nói với phóng viên Báo Hànộimới: "Thôn nào trong xã cũng có một tổ nông dân bảo vệ môi trường. Với thôn 5, tổ 10 người chia nhau phụ trách các xóm, hộ gia đình để nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi và chăm sóc các tuyến đường hoa, cây xanh; hướng dẫn nông dân sản xuất sạch".

Hội Nông dân xã Tích Giang xác định bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng của phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Giang Kiều Bình Thanh cho biết, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các chi hội đã tuyên truyền, vận động người dân tự giác thu gom, phân loại rác thải tại gia đình để xử lý phù hợp, không vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, hầu hết nông dân trên địa bàn xã sản xuất nông nghiệp theo mô hình sạch, tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ nguồn đất, nguồn nước...

Hội viên nông dân xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) cũng xây dựng nhiều phong trào bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hát Môn Trần Đình Sơn thông tin, để bảo vệ môi trường, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Các loại rác thải phân hủy được ủ làm phân bón; các loại rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy... được thu gom và đem bán, số tiền thu được dùng để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phúc Thọ Đàm Quang Thao cho hay, từ các phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”; cuộc vận động “3 sạch”..., nông dân huyện Phúc Thọ đã thành lập được 25 tổ nông dân bảo vệ môi trường; xây dựng được 21 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp Hội Nông dân huyện cũng tổ chức, vận động hội viên đảm nhận việc quản lý các tuyến đường làng, ngõ xóm; đoạn đường nở hoa; tích cực tham gia xây dựng làng văn hóa và phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa…

Xây dựng không gian xanh cho mỗi vùng quê

Xác định tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông dân Phúc Thọ đang tích cực lao động, làm ra những sản phẩm xanh, đưa huyện trở thành vùng đệm xanh ven đô.

Tham gia các phong trào của Hội Nông dân huyện Phúc Thọ, ông Đoàn Văn Cường ở xã Sen Phương cho biết: "Các hội viên nông dân đã xây dựng thành công nhiều mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; “Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường”; các mô hình điểm thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; mô hình nông dân nói không với túi ni lông và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…".

Đánh giá về phong trào bảo vệ môi trường của Hội Nông dân huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhận định, những phong trào bảo vệ môi trường; các mô hình sản xuất xanh, sạch, đẹp được hiện thực hóa bằng nhiều việc làm và những kết quả cụ thể. Người nông dân dần hình thành nếp sống, nếp sinh hoạt thân thiện với thiên nhiên, môi trường.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phúc Thọ Đàm Quang Thao thông tin, thời gian vừa qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của hội viên nông dân, nhưng nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường vẫn được các cấp hội triển khai và tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn đã trở thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại cơ sở Hội Nông dân hằng năm.

Đến Phúc Thọ hôm nay có thể nhận thấy sự chuyển biến rõ nét của một vùng quê thuần nông. Diện mạo nông thôn của Phúc Thọ ngày càng bừng sáng với những tuyến đường bê tông trải dài; những đường làng, ngõ xóm luôn được duy trì sáng - xanh - sạch - đẹp; những khu trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm với nhiều sản phẩm sạch… Phong trào bảo vệ môi trường đã tạo nên những ấn tượng đẹp với cộng đồng về một vùng quê đáng sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo vành đai xanh cho Thủ đô