Thanh Trì đẩy mạnh xây dựng sản phẩm chủ lực

Quỳnh Ngọc| 19/07/2021 07:23

(HNM) - Xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã đẩy mạnh xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Lưu Ngọc Nam, sản phẩm rau, củ, quả an toàn của hợp tác xã đã được công nhận OCOP, cùng với chất lượng sản phẩm được bảo đảm và tích cực trong khâu quảng bá, hiện mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn rau, củ, quả các loại.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản hữu cơ Việt (xã Tả Thanh Oai) Lê Đình Tuấn khẳng định, các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã tạo đầu ra ổn định cho hàng trăm loại nông sản của công ty đang liên kết sản xuất với nông dân, tạo việc làm cho người lao động.

Nhấn mạnh hơn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh dẫn chứng, đến nay, huyện đã có 49 sản phẩm được công nhận OCOP, tiêu biểu như: Trà cam thái lát, trà hoa hòe, trà hoa bách hợp, tinh bột nghệ… của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản hữu cơ Việt (xã Tả Thanh Oai); sản phẩm cao ngựa bạch, đông trùng hạ thảo khô... của Công ty cổ phần Nghiên cứu chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Vạn An (xã Yên Mỹ)...

Để các sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả, Thanh Trì đã hỗ trợ các chủ thể tham gia về tư vấn, lập hồ sơ đăng ký sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. “Nhằm tạo đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm được công nhận OCOP, trước mắt, huyện chủ trương đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại 3 cửa hàng tiện ích trên địa bàn và tổ chức các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025, huyện dự kiến mở thêm từ 3 đến 5 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, các chủ thể cũng cần linh hoạt trong khâu tiêu thụ, như hiện nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì có thể chuyển sang bán hàng trực tuyến (online) qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo...” - bà Nguyễn Thị Tuyết Anh nói.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng thông tin, huyện sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ các sản phẩm làng nghề có tiềm năng; cải tiến chất lượng, mẫu mã để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mã số, mã vạch và chi phí về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh..., góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến khẳng định, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn Thanh Trì đã tạo điều kiện mở rộng và phát triển kinh doanh cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục mở rộng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP để người tiêu dùng thuận lợi hơn trong tiếp cận các mặt hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì đẩy mạnh xây dựng sản phẩm chủ lực