Bảo đảm an toàn nguồn nước sản xuất nông nghiệp

Kim Nhuệ| 30/12/2020 06:59

(HNM) - Ứng phó với thiếu hụt và ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, nông dân huyện Thường Tín đã khoan hàng trăm giếng để lấy nước dưới đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài gia tăng chi phí sản xuất, việc khoan giếng còn tạo ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất, gây sụt lún bề mặt đất. Khắc phục tình trạng này để có nguồn nước an toàn cho sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề cấp thiết của huyện Thường Tín.

Người dân xã Tân Minh (huyện Thường Tín) vận hành giàn tưới nước cho vùng trồng rau gia vị.

Dẫn phóng viên đi thăm vùng chuyên canh tía tô, húng, răm... đang lên xanh tốt, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tân Minh (huyện Thường Tín) Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, chất đất ở đây rất phù hợp với các loại rau gia vị. Hơn nữa, người dân ở xã Tân Minh giàu kinh nghiệm trồng loại rau này. Để khai thác lợi thế về chất đất, tập quán canh tác của người dân, xã đã quy hoạch 65ha chuyên canh rau gia vị, xây dựng hệ thống cấp điện, khoan hơn 100 giếng lấy nước dưới đất để tưới cho rau.

Trò chuyện với phóng viên, bà Hoàng Thị Xuân, người dân thôn La Uyên, xã Tân Minh nói: “Sử dụng trực tiếp nguồn nước lấy từ giếng khoan, rau bị xỉn màu, chậm phát triển... Do vậy, gia đình tôi và phần lớn người dân ở đây phải đầu tư khoảng 15-20 triệu đồng xây bể lọc rồi mới sử dụng làm nước tưới rau”. Tương tự cách làm trên, nông dân các xã: Khánh Hà, Hiền Giang, Tiền Phong, Nguyễn Trãi, Lê Lợi của huyện Thường Tín... đã khoan hàng trăm giếng và xây dựng bể lọc để lấy nước trồng rau, nuôi trồng thủy sản.

“Để giảm chi phí sản xuất, xã rất mong các cấp, ngành của huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội tìm nguồn nước thay thế nước sông Nhuệ”, Chủ tịch UBND xã Tân Minh Nguyễn Công Bằng kiến nghị.

Liên quan vấn đề trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng cho biết, địa bàn huyện có ba dòng sông chảy qua cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài thường xuyên cạn kiệt vào mùa khô, nước sông Nhuệ và Tô Lịch ngày càng bị ô nhiễm, không bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt, sản xuất từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu dân cư... không qua xử lý đổ vào hai dòng sông này.

Để có nguồn nước đạt tiêu chuẩn sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, địa phương đã hỗ trợ người dân kinh phí khoan giếng lấy nước dưới đất. Tuy nhiên, nguồn nước dưới đất thường không bảo đảm chất lượng, đặc biệt là để trồng rau gia vị. Hơn nữa, việc lạm dụng khoan giếng không chỉ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất mà còn là nguyên nhân làm sụt lún bề mặt đất.

Giải quyết kiến nghị của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thu gom nước thải, khắc phục ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, Tô Lịch. Trong đó, trước mắt sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống lấy nước sông Hồng thay thế nguồn nước sông Nhuệ để cấp cho vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn của huyện Thường Tín...

Thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, huyện Thường Tín đã nghiên cứu và đề xuất các cấp, ngành báo cáo UBND thành phố đầu tư khoảng 25 tỷ đồng xây dựng trạm bơm dã chiến tại bể hút Trạm bơm Vĩnh Mộ (nằm trên địa bàn xã Nguyễn Trãi) với 2 tổ máy, công suất 4.000m3/giờ/máy; xây dựng 1,1km đường ống bằng thép có đường kính 700mm dẫn nước từ sông Hồng cấp cho vùng sản xuất nông nghiệp của các xã nằm dọc hai bờ sông Nhuệ... “Hiện nay, huyện Thường Tín đang tích cực phối hợp với các sở, ngành đề xuất UBND thành phố sớm triển khai dự án trên”, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn nguồn nước sản xuất nông nghiệp