Cổ Loa - miền quê đáng sống

Lương Nguyên| 26/12/2020 05:12

(HNMCT) - Với mong muốn tạo không gian đẹp để người dân thi đua "nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh với môi trường", thời gian qua xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) đã triển khai đề án với cái tên ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa - “Đẹp”. Với hiệu quả thiết thực, đề án đã làm bộ mặt nông thôn xã đổi thay rõ nét, sáng - xanh - sạch - đẹp, thực sự trở thành một miền quê đáng sống, góp phần tạo đà đưa xã Cổ Loa thành phường và huyện Đông Anh trở thành quận của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2020 - 2025.

Người dân thôn Mít chăm sóc hoa tạo không gian xanh - sạch - đẹp.

Bộ mặt nông thôn thay đổi

Về thăm thôn Mít (xã Cổ Loa) vào một sáng mùa đông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước Nhà Văn hóa khang trang, sạch đẹp, khuôn viên được trồng đủ các loài hoa như ngũ sắc, mẫu đơn, dừa cạn... Đây cũng chính là Nhà Văn hóa vừa giành giải Nhì trong cuộc thi “Chi hội phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp - an toàn, thân thiện với môi trường” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh tổ chức. Vui mừng với Nhà văn hóa mới, bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng thôn Mít hồ hởi cho biết, nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ của đủ các thành phần, lứa tuổi trong thôn. Đặc biệt, từ khi thôn mua 4 giá sách ghép thành một thư viện nhỏ” trong Nhà Văn hóa thì nhiều người thường xuyên lui tới tìm đọc. Bà Nguyễn Thu Hà chia sẻ: “Hiện trong thư viện thôn có hàng nghìn cuốn sách về các lĩnh vực: Văn thơ, pháp luật, truyện thiếu nhi… do người dân ở trong và ngoài thôn quyên góp. Thư viện do Chi đoàn thanh niên của thôn phụ trách. Chúng tôi vui mừng khi mức thu nhập của người dân trong thôn tuy không cao nhưng văn hóa đọc đang ngày càng phát triển. Còn với các em nhỏ thì đây là một giải pháp hữu hiệu để các em rời xa trò chơi điện tử...”.

Không chỉ Nhà văn hóa thôn Mít, hiện nay 15/15 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Cổ Loa đều tổ chức trồng hoa, đặt chậu hoa, cây cảnh tạo không gian xanh - sạch - đẹp. Theo bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cổ Loa, là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng tuyến đường hoa, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã được tập huấn hơn 30 buổi cả về lý thuyết và thực hành tại vườn ươm. Hiện xã đã ươm được 14 loại hoa với trên 3.300 cây các loại, đã phát hơn 2.000 cây cho các thôn, trường học, nhà văn hóa thôn. “Cùng với việc ươm trồng, UBND xã còn thành lập tổ giúp việc thực hiện quản lý và chăm sóc vườn ươm hoa, cây xanh, thu hút đông đảo hội viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn xã tham gia”, bà Nguyễn Thị Hường cho biết.

“Cú hích” phát triển du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ văn hóa xã Cổ Loa, cái đẹp trong không gian sống đã tác động đến hành vi ứng xử của người dân Cổ Loa, họ tự giác tham gia làm đẹp cảnh quan, không vứt rác bừa bãi... Những hành động đẹp ấy đều được nêu gương, được ghi nhận. Bà Yến cho biết: “Mục tiêu chính của đề án “Đẹp” là có thêm nhiều đoạn đường hoa, tuyến đường hoa... đẹp trên toàn xã, nhưng sâu xa hơn, đề án hướng đến việc thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hiện nay xã đang triển khai thực hiện các mô hình: Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; Tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại; Thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, không có tệ nạn xã hội; Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; Hướng dẫn nhân dân thực hành an toàn giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về ứng xử văn hóa, vệ sinh môi trường, chấp hành Luật Giao thông”.

Ông Nguyễn Khả Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa khẳng định, với tiềm năng, lợi thế là mảnh đất có thành Cổ Loa lịch sử, chính quyền xã luôn chú trọng việc tạo không gian cũng như cách ứng xử đẹp để tạo “cú hích” phát triển du lịch. Ông Nguyễn Khả Nghị nhấn mạnh: “Có thể nói Đề án “Đẹp” đã mang lại hiệu quả rõ nét trong việc xây dựng hình ảnh người Cổ Loa nói riêng và người Đông Anh nói chung văn minh, thanh lịch, bồi đắp thêm dòng chảy văn hóa ở mảnh đất nghìn năm văn hiến”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cổ Loa - miền quê đáng sống