Những ''đặc sản'' của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội

Quỳnh Chi| 14/02/2021 06:53

(HNMCT) - Đồng bào các dân tộc ít người sinh sống trên địa bàn Hà Nội không chỉ tiếp nhận tinh hoa văn hóa từ các dân tộc khác mà còn sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Trải qua nhiều thế kỷ, các giá trị văn hóa đó vẫn được bảo tồn, phát huy tác dụng.

Lịch que.

"Lịch que" của người Mường

Ngoài sử dụng lịch dương và lịch âm như người Kinh, đồng bào dân tộc Mường ở Hà Nội còn dùng "lịch que" (còn gọi là lịch Đoi, lịch Mường) do tổ tiên họ sáng tạo từ xa xưa.

Theo nhà nghiên cứu Đinh Gia Tú, "lịch que" tính theo chòm sao Bắc Đẩu, dùng để tính mọi hoạt động trong năm. Điều đặc biệt là "lịch que" không tính liền các ngày theo cả năm hay cả tháng mà tính theo chu kỳ 10 ngày, trùng với khoảng thời gian mà chòm sao Bắc Đẩu xuất hiện trên bầu trời.

Trong "lịch que", 10 ngày đầu tháng gọi là “câl”. Để chỉ một ngày theo thứ tự trong số 10 ngày của chu kỳ đó thì có thêm các tiếng ghép. Chẳng hạn, ngày thứ nhất của 10 ngày đầu tháng được gọi là “mộch câl”. 10 ngày giữa tháng gọi là “mlồng” và 10 ngày cuối tháng gọi là “cổi”.

"Lịch que" bao giờ cũng chậm hơn lịch âm 2 ngày và không có tháng thừa, tháng thiếu. Vòng quay thời gian trong một năm theo cách tính của "lịch que" được xuất phát từ “khảng chiêng” (tháng Giêng), qua “khảng tháp” (tháng Chạp) đến tháng 1, 2 và kết thúc một năm vào tháng 10.

"Lịch que" là một sáng tạo lớn của người Mường để đo đếm thời gian, phục vụ lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Nhà nghiên cứu Đinh Gia Tú nhận định: Dù còn rất thô sơ nhưng sự ra đời của "lịch que" đã đánh dấu một mốc cơ bản trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc Mường, đó là một di sản quý báu cần được bảo tồn.

“Túm hoa chuối rừng”

Đồng bào Mường có món đặc sản mà chỉ dịp Tết Nguyên đán mới chế biến và sử dụng, đó là “túm hoa chuối rừng”.

Gọi là “túm” vì cách làm món ăn này rất đặc biệt: Món ăn sau khi chế biến xong không gói bằng nhiều tầng lớp lá mà buộc túm hai đầu chiếc lá dong lại. Người Mường gọi sản phẩm đó là “uếch đỏ”.

Nguyên liệu làm “túm hoa chuối rừng” được chuẩn bị từ vài tháng trước, gồm có ruột non (phèo) hoặc cả bộ lòng con don (hoặc nhím, sóc, các loại chim, chuột khoang...). Nguyên liệu được bỏ vào ống bương hoặc vò, vại ướp muối, trộn thêm thính gạo nếp nương để làm tăng thêm hương vị ngọt thơm.

Túm hoa chuối rừng.

Thông thường, khi một gia đình người Mường dự định tổ chức bữa ăn Tết sum họp vào ngày nào thì món "túm hoa chuối rừng" sẽ được làm trước đó 1 - 2 ngày, cùng với việc gói và luộc bánh ống (còn gọi là bánh tét). Hoa chuối rừng được thái mỏng, băm kỹ cùng với các nguyên liệu đã ướp, cho thêm bột (hoặc tấm gạo nếp nương), hành lá, mắm, muối, hạt dổi... trộn đều, nhào kỹ. Sau đó, lấy lá dong gói túm lại thành nhiều túm nhỏ bằng nắm tay rồi bỏ vào chõ, đồ trong 2 - 3 giờ, khi nào tỏa hương thơm là được.

Ngày Tết, món "túm hoa chuối rừng" được bày trong mâm cùng với món khác để cúng tổ tiên “ăn tết”. Trong những bữa ăn vào dịp đầu xuân, không thể nào thiếu món “túm hoa chuối rừng”. 

“Túm hoa chuối rừng” là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Mường. Nó mang hương vị đặc trưng của ngày xuân, khi người thân trong gia đình sum họp đầm ấm dưới mái nhà sàn, cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến.

Bánh chưng gù

Người Sán Dìu ở vùng núi Tản chỉ gói bánh chưng gù vào dịp Tết Nguyên đán và Tết "diệt sâu bọ" (mùng 5 tháng Năm âm lịch). 

Bánh hình thon dài, vát hai đầu và có đỉnh ở giữa. Nguyên liệu gồm gạo nếp cái hoa vàng làm vỏ bánh, đỗ xanh làm nhân bánh cùng với thịt ba chỉ. Gia vị gồm muối và hạt tiêu. Theo nhà nghiên cứu Ngô Quốc Hùng, điểm đáng chú ý là người Sán Dìu không ngâm gạo trước khi gói bánh, mà chỉ vo rồi để ráo nước. Sau khi gói mới ngâm bánh vào nước lã khoảng 1 giờ để sau khi luộc bánh sẽ săn chắc. Nếu ngâm gạo trước khi gói bánh thì khi luộc bánh chỉ chín bên ngoài mà bên trong không nhuyễn.

Bánh chưng gù.

Bánh chưng gù được gói bằng 2 lớp lá: Lá chít bên trong, lá dong bên ngoài. Sau khi đổ bát gạo đầu tiên thì cho nhân đỗ, thịt lợn vào rồi đổ tiếp bát gạo thứ hai chồng lên, gập hai lớp lá ở một đầu bánh tạo hình vát để nguyên liệu đầy lên ở giữa. Dùng lạt quấn quanh đầu bánh này rồi gấp lá ở đầu kia, cũng tạo hình vát và quấn hết dây lạt để tạo hình bánh. Khi bánh chín thì vớt ra, để lên vật có mặt phẳng rồi lăn nhẹ để ép bỏ nước trong lớp lá và bánh thêm chắc, để được lâu hơn. Lá chít giúp bánh không bị dính lá, vừa quyện mùi thơm vào bánh và tạo màu óng vàng rất đẹp mắt.

Lý giải vì sao bánh chưng gù của người Sán Dìu có hình thù như vậy, nhà nghiên cứu Ngô Quốc Hùng cho biết: Bánh chưng gù ở giữa tượng trưng tổ tiên, ngồi trên đỉnh cao, phân đều tài lộc cho con cháu ở hai bên, thấp dần xuống. Lớp lá dong bọc ngoài lá chít hàm ý nhắc nhở các thế hệ trong mỗi gia đình hay cộng đồng phải đùm bọc lẫn nhau. Lạt buộc quanh bánh chưng gù thường có 7 hoặc 9 đoạn, tượng trưng cho 7 hoặc 9 đời người tiếp nối nhau duy trì nòi giống. Người Sán Dìu quan niệm rằng, bánh chưng gù càng đẹp, càng ngon thì phúc lộc, an khang càng viên mãn và các thế hệ tiếp nối được “đón” về (sinh sôi) sẽ ngoan ngoãn, giỏi giang hơn, rất gần gũi với quan niệm chung của nhiều dân tộc là “con hơn cha, nhà có phúc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ''đặc sản'' của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội