Độc đáo đình làng Phú Xuyên

Trung Minh - Ảnh: Nguyễn Thắm| 24/01/2021 08:42

(HNMCT) - Nhiều du khách và nhà nghiên cứu khi đến thôn Phú Xuyên (xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội) rất ngạc nhiên vì ở đây có một ngôi đình bề thế, rất đẹp nhưng kiến trúc có nhiều điểm khác với hầu hết các ngôi đình Việt. Đình Phú Châu là ngôi đình mở, thông thoáng cả bốn phía, chỉ giữ phần thâm nghiêm cho ban thờ chính.

Đại bái đình Phú Xuyên.

Cổ kính và vững chãi

Từ thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), du khách đi thêm 3km ra phía sông Hồng, lên đến đường đê là tới làng Phú Xuyên. Ở đây có nhiều di tích quý nhưng nổi tiếng nhất là đình làng.

Nằm cách cổng làng khoảng 300m, đình Phú Xuyên được xây dựng năm Canh Thìn (1640), thờ Thành hoàng làng là hai vị tướng Bùi Đôn, Bùi Chân có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh và giải vây cho Nguyễn Trãi trên đường vào Lam Sơn. Hai dũng tướng đã hy sinh sáng ngày 6 tháng Hai năm Đinh Dậu (1417) tại sân chùa Sùng Chân và ngày 6 tháng Năm cùng năm được dân làng lập miếu thờ ở khu Cổng Lão (gần đền thờ cũ). Vì thế, cả cụm di tích đều liên quan đến hai vị tướng có công “hộ quốc tí dân” (giúp nước, che dân) này.

Qua cổng, tới sân rộng, hai phía có tả vu, hữu vu đều gồm 5 gian nhỏ, tường xây, đầu hồi bít đốc, mặt quay ra sân, lòng nhà để trống. Cuối sân là đại bái gồm 5 gian, hầu hết không có vách gỗ, tạo ra không gian mở rất thoáng rộng. Chỉ riêng phía trước chính điện là có cửa gỗ bức bàn. Hậu cung là nhà dọc gồm 3 gian, tạo ra chiều sâu; được xây tường vây kín và kết nối với đại bái thành hình chữ “đinh” (hình chuôi vồ). Trong hậu cung có cung cấm, có thang gỗ bắc nối lên khám thờ, nơi đặt long ngai và bài vị của hai vị Thành hoàng.

Ấn tượng nhất đối với du khách là sự cổ kính và vững chãi của ngôi đình. Dù trải qua gần 4 thế kỷ nhưng đình vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc, các hạng mục, cấu kiện, nhờ đó giá trị nghệ thuật kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn. Những mảng điêu khắc gỗ tinh xảo với những hình tượng độc đáo cho thấy trình độ chế tác, thẩm mỹ của người xưa rất cao. Các di vật trong đình cũng được bảo quản tốt. Ngoài các đồ thờ tự thì những di vật quý nhất là 24 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến hiện còn lưu giữ trong cung cấm.

Năm 1990, đình Phú Xuyên được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Một vế vì kèo trong đình Phú Xuyên.

"Nhất vui là hội Phú Xuyên”

Lễ hội làng Phú Xuyên được tổ chức ngày 15 tháng Hai âm lịch hằng năm, cứ 3 năm lại tổ chức đại lễ hội (vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi).

Phương ngôn Phú Xuyên có câu: “Nhất vui là hội Phú Xuyên”. Theo nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Nguyễn Phú Phong, những năm tổ chức đại lễ hội thì hội làng Phú Xuyên thu hút rất nhiều khách thập phương về chung vui với toàn thể dân làng. Giống như một số làng ven sông Hồng, ở Phú Xuyên cũng có nghi lễ bơi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước về làm lễ thánh. Theo tục lệ xưa, nước dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng và người đại diện cho dân làng ra sông lấy nước phải là người cao tuổi, có đức độ, uy tín trong làng. Nghi thức rước nước về đình thể hiện sự nghiêm cẩn, có hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình uy nghi, kiệu chóe nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu “Bế ngư thần quan” (thần cá chép).

Khi vào hậu cung, hai bô lão cùng hai nam thanh, hai nữ tú cùng dâng nước lên ban thờ thánh. Cụ Phong cho biết: Nghi lễ dâng nước là hình thức tâm linh từ cổ xưa, qua đó người dân cầu nguyện đức thánh phù hộ độ trì để mưa thuận gió hòa, mùa màng của dân chúng được tươi tốt, bội thu. Phần lễ còn có một nội dung đáng chú ý là lễ đón lão ở chùa nhằm tôn vinh các bô lão đức cao vọng trọng. Sau phần lễ là phần hội. Vào các năm đại lễ hội, phần hội có nhiều trò dân gian như thi bơi thuyền, bơi bắt vịt trên ao đình, thi vượt cầu trò bắc qua ao, thi thắt nón nhanh và đẹp… Những năm gần đây, ban tổ chức còn mời các đoàn nghệ thuật, các diễn viên chuyên nghiệp về biểu diễn để tạo thêm sắc thái mới của lễ hội.

Theo cụ Hà Đình Sơn, người địa phương, nguyên cán bộ Ty Văn hóa Hà Tây, hội làng Phú Xuyên có thể mở rộng quy mô để trở thành lễ hội vùng. Tuy nhiên, phải chuẩn bị điều kiện về năng lực tổ chức, cơ sở vật chất… để tạo dựng được một lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc trong đời sống đương đại. Cùng với đó, phải làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa như dịch các văn tự Hán Nôm trong các di tích sang tiếng Việt; in ấn các văn bản thuyết minh về các di tích, về lễ hội làng; quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch… Có như vậy “viên ngọc Phú Châu” mới tỏa sáng, trở thành điểm đến hấp dẫn ở vùng núi Tản, sông Đà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo đình làng Phú Xuyên