Những điểm đến của Hà Nội du khách không nên bỏ qua

Thương Nguyệt| 31/05/2019 16:08

(NSHN) - Hà Nội - Thủ đô năng động và hiện đại của Việt Nam với nhiều di tích văn hóa, lịch sử và hàng loạt công trình kiến trúc độc đáo chứa đựng nhiều điểm thú vị, chờ du khách khám phá.

(NSHN) - Hà Nội - Thủ đô năng động và hiện đại của Việt Nam với nhiều di tích văn hóa, lịch sử và hàng loạt công trình kiến trúc độc đáo chứa đựng nhiều điểm thú vị, chờ du khách khám phá.

Ảnh: Getty Images


Nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) là một trong những di tích lịch sử nổi bật nhất của Hà Nội. Được biết đến với tên gọi “Hilton Hà Nội”, nhà tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 có thể giam giữ 450 tù nhân cùng lúc. Trong những năm 1930, số lượng tù nhân tại Hỏa Lò có lúc lên đến gần 2.000 người.

Từ ngày 5-8-1964 đến ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống hàng trăm phi công Mỹ. Phần lớn phi công Mỹ bị tạm giam tại trại giam Hỏa Lò, trong số này có ông Douglas Peter Peterson, sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam (vào năm 1995) và cố Thượng nghị sĩ John McCain, người từng ứng cử Tổng thống Mỹ năm 2008.

Ngoài những chứng tích chiến tranh, nhà tù hiện là nơi diễn ra nhiều cuộc triển lãm giới thiệu về một thời chiến đấu oanh liệt nhằm bảo vệ Thủ đô, đất nước của quân và dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Ảnh: ditichlichsu-vanhoahanoi


Văn Miếu - Quốc Tử Giám (58 phố Quốc Tử Giám, quận Ba Đình) là một trong những công trình kiến trúc mang tính lịch sử tại Hà Nội còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Văn Miếu được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070. Đến năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám kề sau Văn Miếu, đưa nơi đây trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Quốc Tử Giám ban đầu chỉ dành cho con cái của những gia đình quyền quý, nhưng từ năm 1253, Vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc. Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. 82 trên tổng số 116 bia đá tiến sĩ vẫn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Khu vực thờ Khổng Tử trong khuôn viên di tích lâu nay đã thành điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trước mỗi kỳ thi quan trọng, trong khi giếng Thiên Quang (còn gọi là Văn Trì) là nơi chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp của nhiều lớp học sinh, sinh viên.

Ảnh: Flickr


Hồ Hoàn Kiếm, được ví như lá phổi xanh của Hà Nội, là điểm đến yêu thích của người dân cùng du khách trong và ngoài nước. Tên hồ xuất phát từ truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả kiếm cho rùa vàng sau khi đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc giai đoạn giữa thế kỷ XV.

Cứ mỗi cuối tuần, hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trở thành khu phố đi bộ. Đây là thời điểm thích hợp nhất để du khách khám phá, trải nghiệm nét văn hóa đường phố độc đáo và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị. Đền Ngọc Sơn, nơi trưng bày hai tiêu bản rùa quý hiếm của hồ Hoàn Kiếm, cũng là một điểm đến mà du khách không nên bỏ lỡ.

Ảnh: Getty Images


Nhà hát Lớn Hà Nội, tọa lạc trên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, được khởi công năm 1901 theo đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Nhà hát hoàn tất sau 10 năm xây dựng và mang dáng dấp của Nhà hát Opera Paris (Pháp) nhưng có quy mô nhỏ hơn.

Nhà hát Lớn Hà Nội đã được chính phủ phê duyệt trùng tu, nâng cấp năm 1994 và hoàn tất năm 1997 để xứng tầm với vai trò là trung tâm văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.

Hiện nay, nhà hát đã trở thành một trong những biểu tượng có tầm vóc về giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Hà Nội, đồng thời là nơi tổ chức những chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và các buổi hội thảo, hội nghị lớn.

Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa phục vụ khách tham quan vào các ngày thứ hai và sáu hằng tuần, với mức giá 400.000 đồng/người. Sau khi tham quan, du khách có thể thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại khán phòng chính.

Ảnh: baotangdantochoc


Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
, tọa lạc trên khuôn viên gần 4,5ha (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy), là điểm đến phù hợp với những du khách muốn tìm hiểu về phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bảo tàng trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc Việt Nam; tổ chức trưng bày, trình diễn và nhiều hình thức hoạt động khác để giới thiệu, giáo dục về văn hóa của các dân tộc Việt cũng như các quốc gia khác. Bảo tàng cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm tính giáo dục dành cho các em nhỏ vào những dịp lễ lớn.

Đặc biệt, tòa nhà "Trống đồng" giới thiệu đầy đủ về các dân tộc ở Việt Nam, trưng bày theo lộ trình gồm 12 không gian nối tiếp nhau. Khu Vườn kiến trúc giới thiệu chủ yếu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam. Tòa nhà Cánh diều trưng bày về các dân tộc ở Đông Nam Á.

Bảo tàng mở cửa từ 8h30 tới 17h30 tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ hai và dịp Tết Nguyên đán. Giá vé dao động từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng/người, tùy trường hợp. Trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật được miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm đến của Hà Nội du khách không nên bỏ qua