Một ngôi nhà báo chí

Thu Hằng| 19/06/2018 15:51

(NSHN) - Với lịch sử 125 năm, tòa nhà trụ sở Báo Hànộimới hiện nay là một kiến trúc đẹp giữa lòng thành phố.

(NSHN) - Ngay giữa trung tâm Hà Nội, trên con phố vào loại đẹp nhất, nhì của Thủ đô, tọa lạc một tòa nhà xây dựng theo phong cách tân cổ điển Pháp soi bóng xuống Hồ Gươm. Đó là trụ sở tờ L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ), tờ báo tiếng Pháp đầu tiên ra đời ở Hà Nội hơn một thế kỷ trước và hiện nay là tòa soạn tờ báo lớn nhất Thủ đô, tờ Hànộimới.

“Tòa báo Hàng Trống”

Hồ Gươm cho đến cuối thế kỷ XIX hầu như chỉ là một hồ tự nhiên với các công trình như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba, chùa Báo Ân, chùa Báo Thiên. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong khung cảnh loạn lạc, giặc giã, khu vực quanh Hồ Gươm đã trở thành những xóm dân cư đến tập trung sinh sống tạo nên một cảnh quan hỗn độn và mất vệ sinh. 

Tòa báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) trên phố Hàng Trống xưa.


Sau khi chiếm được Hà Nội, với mục tiêu biến nơi đây thành thủ đô Đông Dương, người Pháp đã đẩy mạnh việc mở rộng không gian đô thị Hà Nội với hình thức quy hoạch và kiến trúc theo kiểu phương Tây.

Nhận thấy vị trí đắc địa của Hồ Gươm, người Pháp đã biến khu vực này thành trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa và tôn giáo của Hà Nội. Năm 1891 xuất hiện hàng loạt vụ cháy các khu phố dân cư quanh hồ, rồi sau đó chính quyền thành phố ban lệnh cấm cất nhà bằng tranh, tre, nứa, lá ở khu vực trung tâm thành phố. 

Các đơn vị quân đội đồn trú trong các đền (Bà Kiệu, Ngọc Sơn) hay chùa (Báo Ân) cũng rút dần để chính quyền cải tạo hạ tầng quanh hồ và kiến thiết các thiết chế của thành phố như Tòa Thị chính, Nhà máy điện… Kể từ đó hình thành quanh Hồ Gươm một sự phân ranh tự nhiên: Khu bờ Bắc giáp với “36 phố phường” dành cho dân bản xứ; bờ phía Đông là các công sở của chính quyền thành phố; bờ phía Nam mở ra một không gian đô thị mới của thời thuộc địa, còn bờ phía Tây là không gian sinh hoạt dịch vụ cho các tầng lớp trên, cả người Pháp và người Nam. 

Từ năm 1883 đến 1890 chưa có phố Lê Thái Tổ, chỉ có phố Hàng Trống (tên Tây là Jules Ferry), kéo dài từ đầu Hàng Bông đến tận đầu Hàng Khay, chạy quanh bờ Tây Hồ Gươm. Sách báo cũ cho biết, các nhà báo, trong đó có cả người của các hãng tin quốc tế thường thuê trọ và tìm nơi làm việc bên hồ. 

Một góc khác của L’Avenir du Tonkin.


L’Avenir du Tonkin là tờ báo tiếng Pháp đầu tiên ở Hà Nội (1884-1940) do Hội truyền giáo chi phối. Trụ sở báo được xây dựng năm 1893 bên Hồ Gươm. Vì nằm trên phố Hàng Trống nên L’Avenir du Tonkin còn được gọi là "Tòa báo Hàng Trống". Báo ra mỗi tháng 3 số, đến năm 1901 chuyển thành nhật báo. Hiện nay, tại sảnh tầng một của tòa nhà vẫn còn mặt sàn ghép bằng gốm màu hai chữ A và T lồng vào nhau, tên viết tắt của báo L’Avenir du Tonkin trước đây. 

Tại sảnh tầng một của tòa nhà vẫn còn mặt sàn ghép gốm màu có hai chữ A và T lồng vào nhau.


Khi báo L’Avenir du Tonkin đóng cửa năm 1940, có tài liệu nói rằng, "Tòa báo Hàng Trống" trở thành trụ sở của báo Action (Hành động).


Từ "Cứu quốc" đến "Hànộimới" 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ trưng thu ngôi nhà này để làm trụ sở báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Trong cuốn “Những kỷ niệm một thời làm báo” (tập 3, Hội Nhà báo Hà Nội), nhà báo Hoàng Phong viết: “Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh về Hà Nội, ra công khai và đặt tòa soạn tại đây (44 Lê Thái Tổ). Hồi ấy, chủ bút Xuân Thủy thường ra ban công tầng hai, nhìn sang Hồ Gươm và ngắm đường phố Thủ đô náo nức trong không khí cách mạng, tức cảnh sinh tình anh làm mấy câu thơ: 

“Ai qua Cứu quốc Bờ Hồ
Bốn tầng cao ngất hẹn hò trăm nơi
Hồ trong in rõ bóng người
Mỗi trang giấy trắng bao lời nước non”.


Cũng tại đây, văn phòng thường trực của Tổng bộ Việt Minh đặt trên tầng ba. Những cuộc gặp gỡ giữa ta với các đại diện của Việt Quốc và Việt Cách thường xuyên diễn ra ở đây. Trung ương Đảng và Tổng bộ phân công các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Xuân Thủy gặp họ để bàn cãi nhiều việc liên quan đến vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ”. 

Trong tập hồi ký “Chúng tôi làm báo Cứu quốc” (NXB Hà Nội, 1984), Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam Xuân Thủy kể, năm 1946, nhà văn Tô Hoài được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngay tại ngôi nhà này.

Sau giải phóng Thủ đô, ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ trở thành trụ sở của Liên hiệp Công đoàn thành phố (Liên đoàn Lao động thành phố). Cuối năm 1958, khi báo Thủ đô của Thành ủy Hà Nội hợp nhất với báo Hà Nội hằng ngày thành báo Thủ đô Hà Nội, tiền thân của Báo Hànộimới, do ông Đinh Nho Khôi làm Tổng Biên tập, trụ sở báo được chuyển từ Hai Bà Trưng về đây. Đến năm 1968, khi tờ Thủ đô Hà Nội lại hợp nhất với tờ Thời Mới thành tờ Hànộimới thì trụ sở báo vẫn giữ nguyên tại địa chỉ 44 Lê Thái Tổ cho tới nay.

Trụ sở Báo Hànộimới ngày nay. Ảnh: Bùi Tuấn


Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Hànộimới đã có những bước phát triển không ngừng, ngôi biệt thự cũ ngày nào trở nên chật hẹp. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ đã hai lần được sửa chữa, cải tạo, mở rộng nhưng bên ngoài vẫn không mất đi kiến trúc cũ ban đầu. 

Trở về ký ức tuổi thơ

Đầu năm 2010, ông Hồ Quang Lợi - Tổng Biên tập Báo Hànộimới lúc bấy giờ đã tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là ông Christian De Massiac, quốc tịch Pháp. Ở vào tuổi 83 nhưng ông De Massiac vẫn muốn trở lại Việt Nam để thăm ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ, nơi ông đã gắn bó suốt tuổi ấu thơ. 

Theo lời ông Christian De Massiac, cha của ông có khoảng 30 năm làm chủ bút của tờ L’Avenir du Tonkin (từ năm 1910). Ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ này chính là nơi cậu bé De Massiac cất tiếng khóc chào đời (1927) và ghi dấu suốt những năm tháng tuổi thơ. Trở về Pháp từ năm 1938, cậu bé De Massiac luôn mơ ước có ngày được trở lại Hà Nội thăm ngôi nhà xưa với bao kỷ niệm. Cha của ông cũng vậy, sinh thời, cụ thường nói với ông và các cháu về niềm ao ước được trở lại Việt Nam, được về thăm lại nơi ngày xưa cụ đã sống và làm việc.

Năm 2008, lần đầu trở lại Việt Nam sau 70 năm xa cách, cậu bé De Massiac ngày nào, nay đã là ông lão ngoại bát thập đứng lặng trước cửa ngôi nhà để hồi tưởng lại quá khứ. Ông rất vui vì ngôi nhà vẫn giữ nguyên dáng vẻ bề ngoài, từng viên gạch lát nhỏ nơi sảnh tầng một của tòa nhà, hai cây cột đồng vẫn nguyên vẹn, một vài căn phòng đã được sửa sang… và ông càng vui hơn khi biết rằng, ngôi nhà vốn là trụ sở của báo L’Avenir du Tonkin trước kia, nay lại chính là trụ sở của một trong những tờ báo lớn, đại diện cho Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.

Trong nỗi xúc động, bồi hồi, ông De Massiac cho biết sẽ cố gắng tập hợp tài liệu để viết về lịch sử hình thành tòa nhà 44 Lê Thái Tổ, trụ sở của Báo Hànộimới hiện nay và xem đó là món quà nhỏ ông dành tặng Hà Nội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một ngôi nhà báo chí